.

Muốn… xỉu nhạc chờ

.
Một đoạn nhạc chờ điện thoại hay, êm ái sẽ tạo được thiện cảm với người gọi đến. Nhưng đôi lúc, chủ nhân thuê bao và cả người gọi đến phải méo mặt vì những bài nhạc chờ lố lăng.

Chơi nổi bằng nhạc quái đản

Mô tả ảnh.
Đủ loại nhạc chờ “quái đản” trên khắp các website mà giới trẻ chỉ cần một cú nhấp chuột là đã tải về máy dễ dàng.
Chỉ với 3.000 đồng/đoạn nhạc được các nhà cung cấp mạng tiếp thị tận tình trên mọi phương tiện thông tin, giới trẻ có thể tha hồ cập nhật các ca khúc mới. Người ta còn “đột nhập” vào tận “tổng hành dinh” của những nhà cung cấp nhạc chờ qua nhiều trang web với hàng trăm đoạn nhạc đang chờ đủ kiểu.

Nhưng tâm lý sính “đồ độc”, không “đụng hàng” khiến không ít thanh niên muốn chơi nổi bằng nhạc chờ quái đản. Phổ biến nhất là nhạc chờ theo phong cách tự trào kiểu: “Thuê bao quý khách vừa gọi đang bán heo, buôn đồng nát, đua xe bắn súng, đang bận đạp xích lô…”.

Kinh dị hơn là những đoạn nhạc chờ tuyển người yêu, chân dài, thậm chí là… bán vợ với lời lẽ đậm tính miệt thị phụ nữ. Chung Hiếu, sinh viên (SV) Đại học (ĐH) Bách khoa Đà Nẵng gây sốc cho đám bạn bằng nhạc chờ không giống ai: “Ai mua vợ mua vợ đây, bán vợ đời 88, vẫn còn tốt, hàng nguyên vẹn, hệ thống giảm xóc tốt, ngăn để hành lý rộng rãi, đời chủ thứ 2, giá thỏa thuận, kèm phụ tùng 2 đến 3 tuổi”.

Bạn cùng phòng với Hiếu là Thanh Minh, SV năm cuối Cao đẳng Thương mại thì xài nhạc chờ: “Thông báo tuyển bạn gái, không cần ngoại ngữ, chỉ cần ngoại hình, không cần rành vi tính, chỉ cần dày ví tiền, không nói ngọng, lắp, ưu tiên bé gái từ 16 - 18 tuổi, bố mẹ dễ tính, nhà không có chó, có nhiều thời gian đi chơi, chống chỉ định gái già, xấu, trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, liên tục nhận hồ sơ từ nay đến hết hè năm sau”.

Ban đầu chỉ một số SV cài những bản nhạc chờ này, thấy hay, bạn bè cùng phòng, cùng lớp hỏi website bộ sưu tập rồi lên bắt chước cài đặt theo khiến nạn nhạc chờ nhố nhăng này lây lan nhanh như dịch.

“Chơi dao có ngày đứt tay”

Quả vậy, SV Nguyễn Thanh Nam, vừa tốt nghiệp ngành văn hóa của ĐH Sư phạm Đà Nẵng từng để lại ấn tượng không tốt khi thử việc ở một công ty. “Hồi sinh viên mình để nhạc chờ thì không sao, đến khi đi làm, mình quên mất đổi nhạc chờ trong điện thoại. Ngay ngày đầu tiên, sếp nữ ở công ty gọi điện thì nghe ngay đoạn nhạc chờ: “Làm trai thiết nghĩ phải dê. Không dê người nói bê đê khó xài. Tính dê phát triển dài dài. Không dê phải chịu những ngày cô đơn…”, Nam kể. Ngay sau đó, Nam bị “lên lớp” một trận vì cử nhân văn hóa mà lại để nhạc chờ thiếu đứng đắn như vậy.

Hay Chung Hiếu cũng từng dính tai nạn thương đau, mới quen được cô bạn thì bị tiếng xấu vì nhạc chờ: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang đi chơi với 7 cô gái chân dài đến nách mà râu nách thì dài đến rốn, râu rốn chưa có tí nào, trên một chiếc phi cơ hạng sang dành cho tổng thống, nói thật thuê bao đang rất bận, có gì gọi sau, nhé”. Từ đó về sau Hiếu cạch luôn.

Thanh Minh thì bị gia đình mắng cho một trận tơi bời khi gọi điện cho anh chàng liền nhận một tràng nhạc chờ chửi rủa trong điện thoại: “Mày nhìn tao như thế này mà mày bảo tao là con tép à, mày đừng có mà coi trời bằng vung, coi thúng bằng nia, coi thìa bằng môi, coi xe bus bằng taxi, coi gà ri là gà mái, coi dê tái bằng bò thui, coi dùi cui bằng cái gậy nhé”.

Cô Lê Thu Hoa (đường Thanh Sơn, quận Hải Châu) cho biết cũng từng hốt hoảng khi cô con gái mới học lớp 11 từng cài đặt nhạc chờ: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện chưa có người yêu…”. Cô Hoa cho biết thay vì mắng con, cô đã bình tĩnh gọi con gái vào tâm sự, chia sẻ cách ứng xử của phụ nữ đối với văn hóa giao tiếp để con gái có sự lựa chọn đúng đắn hơn. “Nhạc chờ của điện thoại không chỉ giới thiệu bài hát mà còn giới thiệu ban đầu diện mạo của chủ nhân số máy nữa, nếu không cẩn thận, các bạn trẻ rất dễ mất điểm trong những dịp quan trọng”, cô Hoa nhận xét.

Ông Nguyễn Chương Đức - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng: “Sẽ thẩm định về nội dung và nguồn gốc nhạc chờ thiếu văn hóa”.

Để được sử dụng rộng rãi, các bài nhạc chuông, nhạc chờ… của các nhà mạng đều phải đăng ký theo một danh sách và nội dung với cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT). Sở cũng sẽ quản lý theo danh sách mà các nhà mạng đã đăng ký với Bộ TT-TT. Với các bài nhạc chờ có nội dung thiếu văn hóa, lời lẽ thô tục… mà có ý kiến phản ảnh, Sở sẽ cùng với các cơ quan liên quan lập đoàn thẩm định về nội dung và nguồn gốc (do nhà mạng nào cung cấp).

Nếu nội dung bài nhạc chờ là thiếu văn hóa, bài nhạc đó lại không có trong danh sách đã đăng ký với Bộ, mà khi kiểm tra phát hiện ra, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ làm việc trực tiếp với nhà mạng cung cấp. Nếu đơn vị nào sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Mai Thanh





;
.
.
.
.
.