Đôi khi người miền xuôi ngược núi, tự hỏi nếu bà con không nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc, thì sẽ không phân biệt được đâu là người Kinh, đâu là người Cơtu. Phong tục tập quán, bản sắc văn hóa nếu mai một thì dễ gì lấy lại được, nên những người già vẫn cố giữ, cố truyền cho cháu con những nghi lễ, tập tục đã truyền từ bao đời nay…
Ông Nguyễn Văn Lớ giới thiệu bộ chiêng, tỏong, tả ông giữ được từ thời ông nội… |
Những tập tục lạc hậu vơi dần
Ông Nguyễn Văn Lớ, Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc, xã Hòa Phú vẫn còn nhớ như in năm 1986, cả thôn có dịch sốt rét, bà con thay nhau mời thầy mo về cúng để đuổi cái bệnh đi. Nhưng càng cúng càng sốt, nhà nào cũng thêm người bệnh. Đến khi bà con chấp nhận đi bệnh viện, bệnh hết, mới hiểu ra rằng việc cúng bái không làm cái bệnh và con ma bắt bệnh đi. Thời gian đó là cột mốc để một số tập tục lạc hậu vơi dần, rồi bỏ hẳn.
Đến nay 100% đồng bào Cơtu các thôn Phú Túc, xã Hòa Phú và Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang có thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh. Bị bệnh nặng, bà con xuống Trạm Y tế xã hoặc xuống bệnh viện. Hằng năm, những đoàn bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Đà Nẵng hoặc các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh ra khám bệnh, phát thuốc cho bà con. Nếu bệnh nhẹ, có thể tự chữa, bà con dùng lá cây rừng.
Không thể phủ nhận hết công dụng của lá rừng trong việc chữa bệnh của người dân tộc, khi họ có kinh nghiệm đúc kết qua bao đời. Ngày trước, cha của chị Đinh Thị Khia ở thôn Giàn Bí là một trong những người tìm ra được nhiều phương thức chữa bệnh bằng lá, rễ cây. Tiếc rằng ông mất sớm, những bài thuốc bí truyền vì thế cũng chôn chặt theo ông. Một vài người già trong làng biết thuốc thì không đủ sức khỏe đi rừng tìm lá, họ cũng chẳng có người cháu con nào đủ đam mê để truyền nghề, nên nghề thuốc nam này có rất nhiều nguy cơ bị mai một.
Trong số những tập tục cũ, tục ma chay của đồng bào đã bỏ nhiều hủ tục, tiếp nhận nhiều tục của người Kinh nhưng những bản sắc vẫn được giữ, tạo nên một nét đa dạng. Đó là khi làng có người chết, già làng đánh 3 hồi trống thúc, người đi rừng cũng có thể nghe thấy để quay về. Già làng đến nhà có người chết, cả làng mới đến theo. Xưa phải làm heo, gà mời bà con ăn 3 ngày 3 đêm, nấu 3-4 ang gạo mới đủ; nhà nghèo để 3 ngày nhưng nhà giàu phải để được 4 ngày, một tuần sau thì mở cửa mả. Của nả của người chết được chôn theo và được chia thêm một số đồ dùng; 3 năm sau làm mồ cho người chết gọi là tục bỏ mả, tiếp tục cho làng ăn 3 ngày 3 đêm. Giờ những tập tục này đã giảm bớt, người chết để 1 ngày rồi chôn, chỉ làm 1 con heo mời bà con ở xa đến viếng và những người giúp tang lễ.
Ở thôn Phú Túc giờ có 8 gia đình để tang và áo tang sau 1 năm mới đốt như người Kinh; thuê dàn nhạc, dịch vụ mai táng như ở phố. Gia đình cũng lập bàn thờ, thờ ông bà, cùng với việc thờ ảnh Bác Hồ. Còn ở Tà Lang và Giàn Bí, trong lễ tang bà con vẫn giữ tục hát lý đối đáp với nhau. Khi có người đến viếng, bà con hát những câu lý bày tỏ tình cảm đối với người đã khuất, nếu có ấm ức, mâu thuẫn gì để trong lòng cũng sẽ hát ra và già làng sẽ hát đối lại. Người trẻ dưới 50 tuổi không được hát lý ở đám tang bởi quan niệm họ chưa đủ tầm để giải quyết công việc. Gia đình có người chết muốn mời gì cũng mời bằng trống chứ kiêng mời miệng.
Ngày xưa bà con phát rẫy làm nương, làm lễ vào mùa cúng mảnh đất đã đạp ở trên rừng để trồng trọt. Tháng 6 âm lịch làm lễ đâm trâu cúng Giàng, chuẩn bị nhổ cỏ. Tháng 12 làm lễ mừng lúa mới, cúng xong mới được ăn hạt gạo do mình làm ra. Giờ không còn cảnh du canh du cư, những lễ cúng này cũng mai một dần. Ông Đinh Minh Hải, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang cho biết, tháng 7 âm lịch năm ngoái khi thu hoạch lúa nhe (vụ hè thu), làng đã tổ chức lễ cúng lúa mới, cúng chung cả làng ở nhà Gươl.
Kinh hóa bản sắc Cơtu
Trong câu chuyện kể về những tập tục xưa và nay, các già làng, bí thư chi bộ của cả 3 thôn đồng bào Cơtu đều có những điều tiếc nuối về những tục cũ rất hay nhưng giờ đã bị mai một.
Ngày xưa trong lễ cưới của người Cơtu, khi đã được cha mẹ hai bên đồng ý, nhà trai đến thăm nhà gái và “đặt cọc” bằng một cái kiềng, khoảng 2 năm sau mới cưới. Các cặp trai, gái được phép đi rẫy, dẫn nhau lên một cái chòi, trò chuyện với nhau bằng khèn. Người con trai thổi khèn làm bằng ống sậy, người con gái đối lại bằng khèn lá. Giờ khèn hay lá đều không còn. Người ta yêu nhau chán chê mới ra mắt để nhận sự đồng ý của cha mẹ, rồi dẫn nhau đi ăn chè, hát karaoke. “Những bài lý vì thế cũng mai một theo những mối tình già”, ông Nguyễn Văn Lớ tiếc nuối.
Đến lễ cưới, cũng dàn nhạc, hát hò, và tất nhiên, cô dâu chú rể mặc áo cưới, comple y như ở phố. Những bộ váy, khố của người Cơtu dần trở nên xa lạ với lớp thanh niên.
Từ năm 2004 đến nay, vào tháng 4, huyện Hòa Vang tổ chức Ngày hội văn hóa-thể thao cho bà con 3 thôn dân tộc Cơtu. Đến ngày đó, làng nào đăng cai tổ chức sẽ bày những món ăn truyền thống như sắn, khoai, chuột rừng phơi khô, cá suối; thanh niên đi cà kheo, bắn nỏ, múa tung tung zá zá. Nhưng những bộ váy, khố ít dần. Chỉ những ai biểu diễn văn nghệ mới mặc, mà phần lớn là đi mượn của người lớn tuổi. Ở thôn Tà Lang, năm 2002 thôn may hẳn 20 bộ váy, 20 bộ khố để cho ai cần thì mặc vào những dịp quan trọng như lễ hội. Nhưng, thanh niên mặc áo pull, quần jean, chớ bảo may váy thì kêu đắt quá (800.000-1,2 triệu đồng/bộ). “Áo váy không còn, thì tìm đâu ra bản sắc?”, ông Lớ lại nén tiếng thở dài.
Họ Đinh của người Cơtu giờ cũng ít dần. Những họ mang tên lá cây như A Lăng, Plang càng hiếm. Bà con giờ đổi theo họ Nguyễn của Bác Hồ, họ Lê và họ Trần như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và Trần Phú.
Trong những điều thay đổi đó, điều nào đủ, điều nào còn thiếu cần bổ sung, khó có thể nói hết được. Bà Ngô Thị Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho rằng các cấp cần giúp bà con giữ truyền thống bằng cách đầu tư mua mới những bộ chiêng, tỏong, tả, hỗ trợ thanh niên may váy, khố, thì bản sắc của người Cơtu mới không bị mai một.
Hoàng Nhung
Ông Nguyễn Văn Lớ, Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc, xã Hòa Phú vẫn còn nhớ như in năm 1986, cả thôn có dịch sốt rét, bà con thay nhau mời thầy mo về cúng để đuổi cái bệnh đi. Nhưng càng cúng càng sốt, nhà nào cũng thêm người bệnh. Đến khi bà con chấp nhận đi bệnh viện, bệnh hết, mới hiểu ra rằng việc cúng bái không làm cái bệnh và con ma bắt bệnh đi. Thời gian đó là cột mốc để một số tập tục lạc hậu vơi dần, rồi bỏ hẳn.
Đến nay 100% đồng bào Cơtu các thôn Phú Túc, xã Hòa Phú và Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang có thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh. Bị bệnh nặng, bà con xuống Trạm Y tế xã hoặc xuống bệnh viện. Hằng năm, những đoàn bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Đà Nẵng hoặc các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh ra khám bệnh, phát thuốc cho bà con. Nếu bệnh nhẹ, có thể tự chữa, bà con dùng lá cây rừng.
Không thể phủ nhận hết công dụng của lá rừng trong việc chữa bệnh của người dân tộc, khi họ có kinh nghiệm đúc kết qua bao đời. Ngày trước, cha của chị Đinh Thị Khia ở thôn Giàn Bí là một trong những người tìm ra được nhiều phương thức chữa bệnh bằng lá, rễ cây. Tiếc rằng ông mất sớm, những bài thuốc bí truyền vì thế cũng chôn chặt theo ông. Một vài người già trong làng biết thuốc thì không đủ sức khỏe đi rừng tìm lá, họ cũng chẳng có người cháu con nào đủ đam mê để truyền nghề, nên nghề thuốc nam này có rất nhiều nguy cơ bị mai một.
Trong số những tập tục cũ, tục ma chay của đồng bào đã bỏ nhiều hủ tục, tiếp nhận nhiều tục của người Kinh nhưng những bản sắc vẫn được giữ, tạo nên một nét đa dạng. Đó là khi làng có người chết, già làng đánh 3 hồi trống thúc, người đi rừng cũng có thể nghe thấy để quay về. Già làng đến nhà có người chết, cả làng mới đến theo. Xưa phải làm heo, gà mời bà con ăn 3 ngày 3 đêm, nấu 3-4 ang gạo mới đủ; nhà nghèo để 3 ngày nhưng nhà giàu phải để được 4 ngày, một tuần sau thì mở cửa mả. Của nả của người chết được chôn theo và được chia thêm một số đồ dùng; 3 năm sau làm mồ cho người chết gọi là tục bỏ mả, tiếp tục cho làng ăn 3 ngày 3 đêm. Giờ những tập tục này đã giảm bớt, người chết để 1 ngày rồi chôn, chỉ làm 1 con heo mời bà con ở xa đến viếng và những người giúp tang lễ.
Ở thôn Phú Túc giờ có 8 gia đình để tang và áo tang sau 1 năm mới đốt như người Kinh; thuê dàn nhạc, dịch vụ mai táng như ở phố. Gia đình cũng lập bàn thờ, thờ ông bà, cùng với việc thờ ảnh Bác Hồ. Còn ở Tà Lang và Giàn Bí, trong lễ tang bà con vẫn giữ tục hát lý đối đáp với nhau. Khi có người đến viếng, bà con hát những câu lý bày tỏ tình cảm đối với người đã khuất, nếu có ấm ức, mâu thuẫn gì để trong lòng cũng sẽ hát ra và già làng sẽ hát đối lại. Người trẻ dưới 50 tuổi không được hát lý ở đám tang bởi quan niệm họ chưa đủ tầm để giải quyết công việc. Gia đình có người chết muốn mời gì cũng mời bằng trống chứ kiêng mời miệng.
Ngày xưa bà con phát rẫy làm nương, làm lễ vào mùa cúng mảnh đất đã đạp ở trên rừng để trồng trọt. Tháng 6 âm lịch làm lễ đâm trâu cúng Giàng, chuẩn bị nhổ cỏ. Tháng 12 làm lễ mừng lúa mới, cúng xong mới được ăn hạt gạo do mình làm ra. Giờ không còn cảnh du canh du cư, những lễ cúng này cũng mai một dần. Ông Đinh Minh Hải, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang cho biết, tháng 7 âm lịch năm ngoái khi thu hoạch lúa nhe (vụ hè thu), làng đã tổ chức lễ cúng lúa mới, cúng chung cả làng ở nhà Gươl.
Kinh hóa bản sắc Cơtu
Trong câu chuyện kể về những tập tục xưa và nay, các già làng, bí thư chi bộ của cả 3 thôn đồng bào Cơtu đều có những điều tiếc nuối về những tục cũ rất hay nhưng giờ đã bị mai một.
Ngày xưa trong lễ cưới của người Cơtu, khi đã được cha mẹ hai bên đồng ý, nhà trai đến thăm nhà gái và “đặt cọc” bằng một cái kiềng, khoảng 2 năm sau mới cưới. Các cặp trai, gái được phép đi rẫy, dẫn nhau lên một cái chòi, trò chuyện với nhau bằng khèn. Người con trai thổi khèn làm bằng ống sậy, người con gái đối lại bằng khèn lá. Giờ khèn hay lá đều không còn. Người ta yêu nhau chán chê mới ra mắt để nhận sự đồng ý của cha mẹ, rồi dẫn nhau đi ăn chè, hát karaoke. “Những bài lý vì thế cũng mai một theo những mối tình già”, ông Nguyễn Văn Lớ tiếc nuối.
Đến lễ cưới, cũng dàn nhạc, hát hò, và tất nhiên, cô dâu chú rể mặc áo cưới, comple y như ở phố. Những bộ váy, khố của người Cơtu dần trở nên xa lạ với lớp thanh niên.
Từ năm 2004 đến nay, vào tháng 4, huyện Hòa Vang tổ chức Ngày hội văn hóa-thể thao cho bà con 3 thôn dân tộc Cơtu. Đến ngày đó, làng nào đăng cai tổ chức sẽ bày những món ăn truyền thống như sắn, khoai, chuột rừng phơi khô, cá suối; thanh niên đi cà kheo, bắn nỏ, múa tung tung zá zá. Nhưng những bộ váy, khố ít dần. Chỉ những ai biểu diễn văn nghệ mới mặc, mà phần lớn là đi mượn của người lớn tuổi. Ở thôn Tà Lang, năm 2002 thôn may hẳn 20 bộ váy, 20 bộ khố để cho ai cần thì mặc vào những dịp quan trọng như lễ hội. Nhưng, thanh niên mặc áo pull, quần jean, chớ bảo may váy thì kêu đắt quá (800.000-1,2 triệu đồng/bộ). “Áo váy không còn, thì tìm đâu ra bản sắc?”, ông Lớ lại nén tiếng thở dài.
Họ Đinh của người Cơtu giờ cũng ít dần. Những họ mang tên lá cây như A Lăng, Plang càng hiếm. Bà con giờ đổi theo họ Nguyễn của Bác Hồ, họ Lê và họ Trần như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và Trần Phú.
Trong những điều thay đổi đó, điều nào đủ, điều nào còn thiếu cần bổ sung, khó có thể nói hết được. Bà Ngô Thị Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho rằng các cấp cần giúp bà con giữ truyền thống bằng cách đầu tư mua mới những bộ chiêng, tỏong, tả, hỗ trợ thanh niên may váy, khố, thì bản sắc của người Cơtu mới không bị mai một.
Hoàng Nhung