1. Pascal từng nói “Cái tôi là đáng ghét”, vận vào những nhà văn mặc áo lính như Phan Tứ thời “ba cùng” với nhân dân vùng Tứ Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam, thật chẳng sai.
Nhà văn Phan Tứ trong những năm tháng chiến tranh. |
Có những việc không ai giao như tìm tòi nghiên cứu cách lọc nước cất cho bệnh xá dã chiến trong điều kiện trên bom dưới đạn, địch vây bức, ông vẫn mày mò làm cho bằng được. Khó khăn nhất ở vùng tạm chiếm là đấu tranh với những cám dỗ rất đỗi bình thường của con người. Danh chính ngôn thuận ông là người chưa vợ, có quyền được yêu đương, tìm hạnh phúc cho mình. Nhưng ông vẫn chung thủy với người yêu của mình đang ở Hà Nội. Những bóng hồng ấy lúc đậm, lúc nhạt nhưng cuối cùng ông đã thắng: Dành trọn vẹn tình cảm của mình cho người mình yêu, người đang từ bỏ mọi hạnh phúc khác để chờ ông.
2. Là nhà văn, là cán bộ ông có tiêu chuẩn bao cấp, được gia đình dưới xuôi tài trợ tối đa, ông có quyền được hưởng tiền bạc, thuốc men, vải vóc… trong khi ốm đau, bệnh tật đầy mình. Nhưng không, ông san sẻ rất nhiều cho đồng chí, đồng đội và nhân dân nơi ông đóng quân, nơi ông đi qua. Lúc ông ở vùng kháng chiến, chị và mẹ ông vượt qua nhiều bót gác, tai mắt của địch để lên thăm. Ông vui mừng nhưng cũng lo lắng vì mẹ, chị mình ăn mặc sang trọng quá, thành thị quá, sợ người ta dị nghị. Ông giấu giếm thân phận mình, vị thế gia đình mình để “cải tạo” mình, hóa thân mình thành người gốc gác kháng chiến, hạng “bần cùng” vô sản.
Ốm đau dặt dẹo, thậm chí có những bệnh nặng như khớp, xương, đáng lẽ ông có quyền ra sớm ngoài Bắc chữa chạy chính đáng, để cưới vợ sinh con chính đáng sau những hy sinh, cống hiến; nhưng ông lần lữa, dằn vặt đấu tranh với cái “thằng tôi” của chính mình, vì ông nghĩ đó là suy nghĩ, hành động ích kỷ, thấp hèn.
3. Ông có bức ảnh rất đẹp và giá trị lớn khi ngồi nói chuyện thân mật với Bác Hồ, bên cạnh là nhà báo Trần Đình Vân, và kế bên là nhà thơ Tố Hữu. Nhưng ông vẫn giấu biệt, vì nghĩ mình chưa có tài, chưa phải nhà văn lớn, chưa xứng đáng, không khéo người ta bảo mình khoe khoang. Chỉ đến khi gia đình và tổ chức phát hiện, bức ảnh lịch sử này mới được công bố trên báo và được treo trang trọng ở Hội Nhà văn Việt Nam và một góc tại gia đình.
Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, một người viết nhật ký chiến trường bằng các thứ tiếng Pháp, Lào, Nga, Anh (các nhà văn đương thời không có ai vượt qua), mà vẫn một mực bảo mình còn nghèo ngoại ngữ, nghèo vốn sống. Ý đồ của ông viết nhật ký là dành dụm để viết cho những tập tiểu thuyết lớn, mà cứ lặng thầm chiến đấu với bệnh tật, với nghèo khó sau ngày giải phóng, kể cả những lúc nằm quằn quại trên giường bệnh lúc cuối đời để cho ra đời bộ tiểu thuyết 3 tập Người cùng quê…
Một nhân cách, một bản lĩnh, một ý chí kiên cường vượt lên chính mình như ông rất hiếm nhà văn nào thời ấy có được.
Lê Anh Dũng