.

Nhân mùa khai trường đọc lại: Mùa thu - Hoa cúc - Cổng trường

Mùa thu - Hoa cúc - Cổng trường
Đỗ Trung Quân

Anh đứng hân hoan bên hè phố
Nhìn các em bé nhỏ đến trường
Mùa thu... mùa thu… hoa cúc nở
Phải chăng mà cặp sách thơm hương?

Thu ở phố phường thu không lạnh
Heo may ngọn gió trốn nơi nào
Lá me rụng xuống đường đi học
Lòng anh bất chợt cũng xôn xao

Lòng anh rủ hết mười phương bụi
Áo lại tinh khôi tuổi học trò
Nhưng nay quá tuổi đi vào lớp
Anh thành chú bé đứng buồn xo

Không lên bục giảng làm Thầy giáo
Thì đứng làm cây phượng góc trường
Già cỗi nhưng còn xòe bóng mát
Che cho hoa cúc chẳng phai hương

Sáng nay anh đứng trên hè phố
Ngoan ngoãn và lòng như nắng mai
Sáng nay thèm thuốc mà không đốt
Khói thuốc cổng trường - không được bay…

Có nhiều bài thơ viết về ngày khai trường, song, trong số đó, Mùa thu-Hoa cúc-Cổng trường của Đỗ Trung Quân là bài thơ được nhiều người yêu thích nhất. Điều làm cho người đọc đến với bài thơ, trước tiên là sự trong trẻo của tâm hồn gã học trò trở về với mùa thu, với hoa cúc và sân trường mỗi khi bắt đầu một năm học mới. 

Độ vào thu, khi trời trong, ít gợn mây, nói như Hữu Thỉnh: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”, khi mà cái nắng nóng của mùa hè dần lui, thì cũng là lúc tựu trường. Thanh Tịnh đã tả rất hay cảnh sắc này: “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”.

Bài thơ của Đỗ Trung Quân có hai nhân vật: Nhân vật thứ nhất-tác giả-cậu học trò ngày cũ trở về “đứng làm cây phượng góc trường” và nhân vật thứ hai - “các em bé nhỏ đến trường”. Hình ảnh các em là hình ảnh thu nhỏ của nhà thơ, của năm tháng thiếu thời, cắp sách đến trường, vì vậy, mới có cái cảm giác “hân hoan bên hè phố”, ngắm mùa thu hoa cúc, mới nghe mùi “cặp sách thơm hương”, mới thấy lòng chùng xuống và “bất chợt xôn xao”.

Chút u hoài, chút nhung nhớ, sâu lắng như nỗi niềm day dứt của hoa cúc ngày thu và bâng khuâng như Tế Hanh viết: “Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa”. Tại sao tựu trường lại gây nên những cảm giác đó, ấy là vì không ai không bước qua ngưỡng cửa của trường học, không ai không có cảm giác ngày đầu tiên đến lớp, rời tay mẹ, đến với thế giới rộng mở phía trước.

Nhìn các em nhỏ đến trường, lòng tác giả bỗng trào dâng xao xuyến. Và, cũng từ đây, khi một khoảng trời mới mở ra, đồng hành với nó, những gì thơ dại cũng dần mất đi.

Tựu trường của phố thị không có cái se lạnh của mùa thu, ngọn gió heo may của những năm nào như trốn đi nơi đâu! Một chút lạnh, một chút gió mơ hồ qua tâm tưởng! Ở đây, phương nam nắng gió, lá me bay bay, rụng đầy các ngã phố, khiến lòng cũng nao nao!

Đại từ “anh” rất thân mật, tha thiết, hiện diện ở mọi khổ thơ. Nó như lời tâm tình, nhắn gửi. Có hai câu thơ thật hay và chân thành:

Lòng anh rủ hết mười phương bụi
Áo lại tinh khôi tuổi học trò…

Quay về thuở ấu thơ, giũ đi những bụi đường, gác lại những hệ lụy cuộc đời, với tâm hồn trắng trong như màu áo tinh khôi của tuổi học trò, nhà thơ thành chú bé vừa nhớ ngày hôm qua vừa thương ngày hôm nay.

Không được vào lớp học, không được lên bục giảng làm thầy giáo, tác giả tự nguyện “làm cây phượng góc trường”, “già cỗi nhưng còn xòe bóng mát/ che cho hoa cúc chẳng phai hương”. Sao nhà thơ-gã học trò ngày xưa-muốn làm cây phượng góc trường, à, thì ra, ngày ấy, gã học trò cũng là gã làm thơ, từng thương nhớ:

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng-mối tình đầu…

Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ lên cây
Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay…
                                                 (Chút tình đầu)

Thanh Tịnh là người phát hiện ra “một mùi hương lạ xông lên trong lớp” của ngày đầu tiên đến trường. Mùi ấy đi theo suốt bao năm tháng của đời người, nhất là mỗi khi đến mùa tựu trường. Đỗ Trung Quân là nhà thơ của “mùa thu-hoa cúc-cổng trường”, lòng như nắng mai, đứng bên hè phố, xôn xao “nhìn các em bé nhỏ đến trường”, nhớ về thuở áo trắng với bao bồi hồi, tiếc nhớ khôn nguôi!

Đà Nẵng, tháng 8 năm 2011

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.