.

Nhớ hồi khoai sắn

.
Một cuộc tranh luận khá thú vị xoay quanh chuyện các doanh nghiệp làm bóng đá, thu nhập của cầu thủ và khái niệm tâm huyết với màu cờ sắc áo… đang diễn ra sôi nổi ngay lúc mùa bóng cũ vừa khép lại. Nhiều ý kiến trái ngược nhau về đồng tiền và cách sử dụng đồng tiền trong bóng đá, cách thức tuyển chọn cầu thủ nhằm tăng cường nội lực trong cuộc cạnh tranh sinh tồn trụ hạng, lên hạng, việc xây dựng và bảo vệ uy tín thương hiệu, cái được và cái mất khi chơi bóng chỉ vì niềm đam mê và ý thức lành mạnh vì một nền bóng đá sạch được mổ xẻ tận ngọn nguồn.

Mô tả ảnh.
Mùa bóng kết thúc với ngôi vô địch thuộc về Sông Lam Nghệ An. (Ảnh tư liệu)
 
Nhiều người cho rằng đã đến lúc không thể kêu gọi suông tinh thần màu cờ sắc áo mà cần trả công cho cầu thủ đúng với sức lực, trí tuệ mà họ đã góp cho câu lạc bộ. Đã làm bóng đá chuyên nghiệp thì phải chấp nhận sống với quy luật thị trường, phải chung đụng với chuyện giành giật, cạnh tranh một mất một còn. Bóng đá bây giờ không khu biệt trong bốn khán đài, không đơn thuần chạy theo cái đẹp trong các pha bóng, tính ngoạn mục của các bàn thắng mà diễn ra sâu rộng ở nhiều góc cạnh. Nhiều trận đấu được định đoạt trên bàn thương thảo phục vụ cho những hợp đồng kinh doanh nằm ngoài sân cỏ. Thương hiệu của một câu lạc bộ, vì thế, không chỉ gói gọn trong tài năng cầu thủ hay huấn luyện viên mà còn tùy thuộc, trông chờ vào khả năng ứng biến của nhà quản lý.

Không đồng tình với cách làm phi thể thao, nhiều người tỏ ra dị ứng với sự lấn sân của các thế lực khác, đòi hỏi trả cho sân cỏ môi trường chân chất, uyên nguyên của nó. Có nhà quản lý tự nhận mình không thiếu tiền làm bóng đá nhưng quyết không thỏa hiệp với những phi lý trớ trêu về giá trị cầu thủ, không chấp nhận bỏ tiền vào các “thương vụ” mất cân đối trên thị trường chuyển nhượng. Có ông bầu nổi tiếng đại gia nói thẳng rằng thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam lắm lúc thiếu lành mạnh, nhiều cò môi giới và cầu thủ tự ca ngợi tài năng của chính mình rồi tung ra những cái giá cao ngất trời tạo nên những cuộc chạy đua ảo, nâng cầu thủ thành những ông vua bằng đất sét (để phân biệt với những vua sân cỏ thứ thiệt đi vào lòng người bằng tài năng đích thực). Chuyện nghịch lý và bức xúc đến nổi một ông chủ tịch câu lạc bộ tuyên bố thẳng thừng rằng mình thà chịu rớt hạng chứ nhất quyết không chịu bắt tay với cách làm bóng đá chụp giựt, nhất quyết không ném tiền qua cửa sổ…

Cầu thủ trở thành “cây đinh” trong cuộc tranh luận chưa biết bao giờ ngã ngũ này. Dẫn ra những cuộc mua bán bạc tỷ, những con số thu nhập choáng ngợp, những tính toán đi-ở lạnh lùng vắng bóng thủy chung, nhiều người chê rằng cầu thủ bây giờ thực dụng quá, chỉ biết tiền và tiền. Cộng thêm cách ứng xử và thái độ sống của không ít cầu thủ ngôi sao thiếu kiềm chế, nhiều người chỉ rõ tác hại mà bóng đá có nguy cơ gieo vào đời sống xã hội nói chung, quá trình hình thành nhân cách trong một bộ phận người trẻ nói riêng.

Có thể chưa đến mức báo động như thế vì con số những ngôi sao lập dị kia không nhiều, không thể đánh đồng những trường hợp chạy theo hào nhoáng bên ngoài với số đông cầu thủ có nhiệt huyết và tự trọng, những người chơi bóng vì niềm đam mê và ý thức tôn trọng công chúng song có một thực tế không thể không cảnh báo: Đồng tiền cho bóng đá nếu không được sử dụng đúng cách với nghĩa cử văn hóa đúng mực và tầm nhìn tích cực về phía trước sẽ có nguy cơ làm méo mó gương mặt cần được lành mạnh của sân cỏ. Đừng quên nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam trước đây chơi bóng vì niềm đam mê hết mực mà không màng đến sự bù đắp về vật chất. Thời khó khăn, nhiều cầu thủ ra sân tập với vài củ sắn, lát khoai hay chén mì sợi đơn sơ dằn bụng. Nhiều người sau buổi tập phải chạy xe ôm hoặc đạp xích lô nuôi sống gia đình. Vậy mà các trận đấu cuối tuần vẫn luôn sôi động, khán đài luôn đầy ắp người xem. Vậy mà sân cỏ vẫn không thiếu những cái tên làm xao xuyến lòng người, những Cao Cường, Thế Anh, Trần Vũ, Minh Nhí, Dương Ngọc Hùng… đi lên bằng tình yêu sân cỏ chân chất và chưa bao giờ đo lường giá trị tài năng bằng đồng tiền…

Đình Xê
;
.
.
.
.
.