.

Nỗi lo vũ khí hóa học Syria

.
Khi phe nổi dậy lật đổ chế độ của Tổng thống Gaddafi ở Libya, thế giới không lo ngại về kho vũ khí hóa học của nước này. Tám năm trước, Gaddafi đã đồng ý giải trừ kho vũ khí hóa học vốn đã cũ kỹ và lạc hậu với công nghệ có từ đầu thế kỷ 20. Khác với Libya, Syria từ lâu vẫn giữ nguyên kế hoạch phát triển vũ khí hóa học bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.

Mô tả ảnh.
Người dân Syria biểu tình đòi Tổng thống Assad từ chức.
 
Năm 2008, tài liệu mật của Bộ Ngoại  giao Mỹ đã cảnh báo mối đe dọa vũ khí hóa học từ Syria. Vũ khí hóa học của Syria không phải là chất mù tạt như Libya mà là sarin. Nói tới sarin là người ta nhớ tới vụ thảm sát tàu điện ngầm ở Tokyo năm 1995 làm 13 người chết và một nghìn người bị mắc bệnh sau này. Khí sarin có thể gây chết người nếu hít khoảng một phút, và có thể được sử dụng để gây ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm.

Syria bắt đầu phát triển vũ khí hóa học từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Họ tích lũy được kho vũ khí tối tân dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổng thống Hafez al-Assad  và sau đó là con trai ruột Bashar. Sử dụng công nghệ của Nga, gia đình Assad đã có được sức mạnh quân sự trong đối đầu với Israel. Nhiều nước, trong đó có Mỹ và Nga dần dần loại bỏ vũ khí hóa học thì Syria lại từ chối ký hiệp định về Vũ khí hóa học của LHQ. Syria còn phát triển mạnh hơn nữa loại vũ khí này. CIA kết luận rằng Syria đang sở hữu một lượng lớn đầu đạn hạt nhân có sarin và đang phát triển loại vũ khí VX. Đây là chất có thể làm tê liệt thần kinh và phá hủy môi trường. Từ hơn 10 năm trước, các chuyên gia vũ khí đã xếp Syria là nước có kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới. Syria có hàng chục tấn hóa chất gây chết người và hàng trăm tên lửa Scud, tên lửa loại nhỏ hơn, tên lửa đạn pháo và bom hóa chất.

Những ngày vừa qua, là giai đoạn đẫm máu nhất ở Syria kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình đòi Tổng thống từ chức 6 tháng trước đây. Giới phân tích cho rằng, không loại trừ khả năng là đang trên “đà” phấn khích trước tiến triển đạt được tại Libya, Mỹ và các đồng minh giờ đây bắt đầu quay sang gây áp lực mạnh mẽ hơn đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tổng thống Assad vẫn từ chối lời đề nghị từ chức của nhiều nhà lãnh đạo các nước. Các nhà phân tích vẫn còn nghi ngờ khả năng Tổng thống Assad chia sẻ vũ khí hóa học với lực lượng khủng bố nhưng sẽ là không thể tưởng tượng nổi những vũ khí loại này biến mất trong lúc bất ổn. Những vũ khí hủy diệt hàng loạt của Syria gắn trên các trọng pháo và đầu đạn nên rất dễ di chuyển. Nếu nó rơi vào tay bọn khủng bố thì thế giới bị đặt vào hoàn cảnh thực sự đáng lo ngại.

Tịnh Bảo
;
.
.
.
.
.