Cuối năm 1951, sau khi tốt nghiệp Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, Phan Tứ tham gia đội quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào. Chính những gian lao mà anh dũng trong thời gian cầm súng trên nước bạn này đã giúp ông có được vốn sống vô cùng phong phú để khi cầm bút bước vào nghiệp văn chương, ông đã có những tác phẩm hay về đề tài kháng chiến chống Pháp.
Vợ chồng nhà văn Phan Tứ. |
Xuất thân trong một gia đình trí thức yêu nước, có truyền thống học giỏi, Phan Tứ từ nhỏ đã giỏi môn văn và tiếng Pháp. 15 tuổi, ông đã tham gia cách mạng, bí mật liên lạc chuyển tài liệu, báo chí; tham gia cướp chính quyền ở huyện Quế Sơn trong Cách mạng Tháng Tám, sau đó hoạt động trong đội Tuyên truyền xung phong của tỉnh Quảng Nam. 21 tuổi, ông làm quân tình nguyện trên chiến trường Hạ Lào. Ông học tiếng Lào để sau này viết nhật ký chiến trường, những gì nghe và thấy ở nơi mà sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ này thì, bảy năm sau đó - 1958, đã được ông ghi lại trong cuốn Bên kia biên giới với bút danh Lê Khâm (tên thật của mình) khi theo học khoa Ngữ văn ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng đề tài này, hai năm sau, ông lại tiếp tục cho ra đời cuốn Trước giờ nổ súng.
Cả 2 tiểu thuyết đều được đánh giá cao và ông sớm trở thành một nhà văn tên tuổi khi mới bước vào tuổi “tam thập nhi lập”.
Năm 1961, ông vào chiến trường miền Nam khi còn gần 2 tháng nữa mới thi tốt nghiệp. Nhưng, theo bà Đinh Thị Phương Thảo, vợ ông, vì ông là sinh viên giỏi nên nhà trường đã “đặc cách” cấp bằng đại học trước thời hạn cho ông. Về miền Nam, ông làm phái viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Liên khu V, ông viết văn với bút danh Phan Tứ. Trong một số di cảo, ông còn ký tên là Phan Bốn. Phan là họ mẹ, còn Tứ hay Bốn là để chỉ ông là người con thứ tư trong gia đình. Ông viết nhiều thể loại như phóng sự, bút ký, truyện ký, truyện ngắn. Thế nhưng, tiểu thuyết mới chính là thế mạnh của ông và giúp ông khẳng định tên tuổi mình trên văn đàn. Thành công đáng kể của ông là hai tập tiểu thuyết Gia đình má Bảy (1968) và Mẫn và tôi (1972).
Ông ba lần ra chiến trường, một lần qua Hạ Lào, hai lần trở lại miền Nam. Nếu lần đầu tiên chỉ cầm súng thì hai lần sau ông vừa tay súng vừa tay bút, trải cảm xúc của mình trên những trang giấy khi mà đâu đó vẫn mưa bom bão đạn mịt trời. Chiến tranh không phải trò đùa và chiến trường không nói trước được điều gì. Phan Tứ hẳn biết điều đó nên đã tự đặt ra một lối sống sao cho thích ứng với tính cách nhà văn – chiến sĩ của mình. Trong nhật ký chiến trường của ông, thỉnh thoảng người đọc bắt gặp đây đó những dòng ghi chép... không giống ai của ông, ví như có lúc ông phấn đấu... “ít nhất một năm không sốt rét”, hoặc “viết một truyện trong ba tháng”!
Ra mắt tác phẩm “Từ chiến trường khu 5”. |
Mực thước, quy củ, nghiêm khắc với chính mình là cá tính của Phan Tứ. Những người bạn văn của ông kể (qua lời thuật của Phạm Nhật Linh), hồi ông còn làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, mỗi lần ra Hà Nội họp, ông thường nhờ xe Văn phòng Hội đưa ra phố Quán Thánh mua mỗi lần một bao thuốc lá hiệu Vàm Cỏ - loại thuốc rất nặng, do miền Nam sản xuất. Thấy ngày nào ông cũng chỉ mua một bao, anh lái xe không kìm được, thắc mắc: “Sao bác không mua một cây dùng cho cả đợt, đỡ tốn công”. Ông nhỏ nhẹ trả lời: “Có sẵn lại dùng nhiều, không kiềm chế được”.
Ông không bao giờ chịu “xé rào” với những gì mình đã đặt ra. Hồi còn học khoa Ngữ văn ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngoài thời gian học tập, đúng 21 giờ hằng đêm, ông chuyển sang sáng tác với “định mức” rõ ràng, đêm nào không viết đủ, thì dứt khoát hôm sau phải... viết bù. Ngay cả việc “tiếp người yêu” cũng được ông lên lịch hẳn hoi. Một chiều nọ, cô bạn gái bất ngờ ghé vào ký túc xá thăm ông. Ông rất ngạc nhiên, sợ mình nhầm, chạy vào xem lại thời khóa biểu rồi chạy ra, giọng cương quyết: “Chiều thứ bảy chúng ta mới gặp nhau, bữa nay mới thứ năm mà. Anh không tiếp được em đâu”.
Với tính nghiêm khắc, thẳng thắn, sòng phẳng, không ít người cho ông là một nhà văn quá “khô khan”. Thế nhưng, văn là người, nếu đọc “Mẫn và tôi”, ta sẽ nhận ra không gian lãng mạn, trữ tình được vẽ lên bằng ngòi bút tài hoa của ông. Một lần trà dư tửu hậu, ông đã “bật mí” là mình từng dịch một bài thơ nửa tiếng ta, nửa tiếng Tây ra thơ thuần Việt: “Chiều chiều dạo bước trên đàng/ Ngó vô trong quán thấy nàng trẻ xinh/ Trẻ xinh lại bé quá chừng/ Lòng riêng tôi cũng thầm ưng... sờ nàng”.
Vậy đó, ông dí dỏm, thông minh. Và trong mắt ông Bùi Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin học liệu Đại học Đà Nẵng, ông còn là người rất tình cảm, ngay cả với trẻ con.
Ông Phúc từng là đồng nghiệp với bà Đinh Thị Phương Thảo, vợ nhà văn Phan Tứ, lúc còn công tác ở Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ. Tết năm đó, ông Phúc đưa vợ và cậu con trai tên Huân đang học lớp ba đến thăm nhà vợ chồng nhà văn. Phan Tứ xoa đầu cậu bé, giọng tiếc nuối: Cháu đến mà bác không có gì làm quà. Nói rồi, ông đứng lên mở tủ sách, loay hoay một lát rồi lấy ra cuốn Bên kia biên giới. Quyển sách đã cũ, nhưng lòng ông thì rất mới với tình cảm dành cho cậu bé, ông nắn nót đề tặng: Bác Tứ mến tặng cháu Huân. Chuyện cũng lâu rồi, chừ nhớ lại, ông Phúc bảo, mình cho con trẻ cái gì nhiều khi còn hời hợt, nhưng Phan Tứ thì để tâm vào đó.
Mà Phan Tứ là vậy, làm gì cũng để tâm vào, dù là cầm súng hay cầm bút.
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn PHAN TỨ: - Bên kia biên giới (tiểu thuyết, 1958; tái bản 1978) |
VĂN THÀNH LÊ