Sau gần 20 năm ấp ủ ý tưởng, trăn trở tìm tư liệu, khảo cứu, Văn minh vật chất của người Việt(*)của nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ PHAN CẨM THƯỢNG đã ra mắt độc giả. Một công trình nghiên cứu đồ sộ với gần 700 trang sách và khoảng 1.500 tấm ảnh, hình vẽ minh họa... chứa đựng rất nhiều nhận định cũng như những kiến giải sâu sắc về một lịch sử văn hóa dài hàng nghìn năm của dân tộc Việt vốn chưa đầy đủ lời giải đáp, tưởng như khô khan nhưng lại “hút” người đọc ngay từ những dòng kể đầu tiên.
“Buổi tối chúng ta đi ngủ, buổi sáng chúng ta thức dậy và đi làm, một trăm năm sống trên trần gian nếu cứ thế thì cuộc đời của con người không có gì đáng nói. Nếu so với tuổi của trời đất thì trăm năm của đời người chỉ là cái chớp mắt. May thay và không may thay, cuộc đời của mỗi cá nhân thường không mấy khi suôn sẻ. Không mấy ai tự nhận mình là người hạnh phúc. Và chính sự không suôn sẻ trong đời người phá đi cái nhàm chán mà ai nấy cũng vậy thôi...
Đối với con người, công cụ và đồ dùng thường nhật là sáng tạo ngoài tự nhiên, của riêng con người. Nhưng thực ra không có công cụ nào, đồ vật nào không từ bản thân con người và mọi hành vi của nó sinh ra”.
Phan Cẩm Thượng mở đầu cuốn sách đã trần tình bằng những lời như thế. Cuốn sách là câu chuyện của các đồ vật do con người làm ra và sử dụng. Những đồ vật ấy làm nên cái thế giới vật chất nhân tạo mà ta sống trong đó, biến đổi nó và cùng tiến hóa với nó. Văn minh vật chất của người Việt là chủ đề quá lớn dù tác giả đã giới hạn nó trong thời đại “tiền công nghiệp”. Với phương pháp khảo cứu và phong cách viết đặc sắc, hình ảnh minh họa sống động, chi tiết, tác giả như kéo người đọc quay trở lại thời quá khứ, từ: Những mặt cắt lịch sử (Chương I) với Một ngày của người Việt, Sống và chết trên con thuyền, Đường đi lối lại... đến Từ bàn tay đến công cụ (Chương II) với Chầy và cối, Công cụ hay vũ khí; Công cụ sản xuất thông thường của nhà nông... tới Cơm tẻ là mẹ ruột (Chương III) với Ngô khoai sắn, Bữa cơm hàng ngày, Cỗ bàn thịnh soạn... để rồi Sống dầu đèn chết kèn trống (Chương IV) với Tấm áo manh quần, Thập bát ban vũ nghệ, Giấy bút và sách vở, Phường bát âm và nhạc khí... Những chủ đề tưởng như dàn trải, nhưng đã được tác giả kết nối mạch lạc, sắp xếp ngăn nắp, văn phong linh hoạt, pha trộn khéo léo giữa cách viết nghiên cứu và cảm hứng nghệ sĩ, văn phong mạch lạc nhưng vẫn hóm hỉnh, tinh đời làm cuốn sách gần 700 trang trở nên nhẹ nhàng, người đọc có thể chọn bất cứ phần nào để đọc, mà không cảm thấy hụt hẫng, không cảm thấy khô khan giáo huấn.
Có một phần cũng đáng nể trọng ở cuốn sách này của Phan Cẩm Thượng là những hình vẽ minh họa. Những bức ảnh được sưu tầm kỳ công và những hình vẽ trong bộ sách của tác giả người Pháp H.Oger từ đầu thế kỷ 20 với một số lượng đồ sộ 950 ảnh, 505 hình vẽ. Những hình vẽ minh họa mà tác giả đã kỳ công, tỉ mẩn vẽ lại từ những đồ vật thật, từ những bức ảnh tư liệu chụp lại… kỹ lưỡng, chính xác nhưng vẫn dung dị, đầy xúc cảm của người nghệ sĩ.
“Phan Cẩm Thượng gọi là lịch sử “Văn minh vật chất của người Việt”. Cũng có thể gọi đó là lịch sử văn hóa Việt. Và không chỉ là văn minh, văn hóa vật chất. Bộ mặt con người in rõ, có thể là rõ và trung thực trên hết, trên cái “vật chất” được con người nhào nặn và sáng tạo ấy” (nhà văn Nguyên Ngọc).
Và đôi khi đơn giản hơn, Văn minh vật chất người Việt giúp từ đứa trẻ con, đến chúng ta những người bình thường, trả lời những thắc mắc, thế nào là cái hom, cái giỏ, cái nơm? thế nào là cái cào, cái trang? Những thứ đang dần rời xa cuộc sống ngập chìm trong những thiết bị hiện đại.
Văn minh vật chất của người Việt được giới nghiên cứu đánh giá là cuốn sách hay và lạ. Thế giới vật chất ấy làm ta thành văn minh và tạo nên một phần quan trọng của Văn minh Việt rất đáng tự hào. Qua cách nhìn từ nhiều khía cạnh, cả cái yếu và cái mạnh, cái hay và cái dở, cái “tốt” và cái “xấu”, cái kém cỏi và cái giỏi giang, cái cấp tiến và cái hủ lậu... của dân mình, ta dường như tự nhìn lại mình và dân tộc mình rõ ràng hơn, âu yếm hơn.
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta đang dần trở thành nô lệ của những đồ vật do chính mình làm ra. Đọc và cảm Văn minh vật chất của người Việt có lẽ biết đâu chúng ta sẽ có cách ứng xử hợp lẽ hơn trong cuộc sống vốn đang quá xô bồ này?
Hoàng Nhung
(*) Văn minh vật chất của người Việt-Nhà xuất bản Tri thức-Phát hành tháng 6-2011.