.

Tiếng vang An Phước

.
Việc ra đời Trường tiểu học An Phước, tiền thân là trường làng Cẩm Toại, đã được xem như hạt giống đầu tiên gieo mầm học cho vùng đất phía tây Hòa Vang hơn thế kỷ trước. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, những người có tâm huyết, có học thức nơi đây đã tiếp tục mở rộng mạng lưới trường lớp, góp phần nâng cao dân trí của con em quanh vùng.

Mô tả ảnh.
Được tách ra từ Trường An Phước, Trường tiểu học Lâm Quang Thự đã góp phần mở rộng mạng lưới giáo dục trên đất Hòa Phong.
 
Từ hạt giống đầu tiên…

Năm 1908, Trường An Phước, ngôi trường đầu tiên ở Hòa Vang chuyển từ dạy chữ Nho sang dạy quốc ngữ đã ra đời tại làng Cẩm Toại, tổng An Phước, huyện Đại Lộc; nay là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Người có công đầu khởi xướng việc học và là thầy giáo đầu tiên ở trường tổng này là ông Nghè Lâm Quang Tự, dân gian kính trọng gọi là cụ Nghè Cẩm Toại hay cụ Nghè Lâm. Ông đỗ hai khoa Tú tài Nho học, được phong Hàn lâm viện kiêm bộ, làm Thừa phái ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên.

Ban đầu, học sinh các vùng lân cận, nay là các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Nhơn, đều theo học Trường An Phước. Về sau, từ những kết quả khả quan mà ngôi trường tổng này mang lại, mạng lưới giáo dục đã được mở rộng trên địa bàn phía tây Hòa Vang. Trên vùng đất thuộc xã Hòa Nhơn ngày nay, năm 1916, Trường Tổng ra đời ở làng Diêu Trì, dạy từ văn vần đến tuyển sanh; năm 1931, mở thêm trường sơ học ở làng Thái Lai, dạy ghép cả ba lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng.

Khi nổ ra Cách mạng Tháng Tám, trong lớp lớp những người khắp 16 xã tập trung về sân vận động tổng An Phước ngày 16-8-1945 để chuẩn bị lên đường cướp chính quyền có không ít học sinh Trường An Phước. Họ đã được các thầy, cô ở trường dạy về đạo đức làm người, về tinh thần quật cường của dân tộc bằng cách cố ý nhấn mạnh truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân ta qua những giờ học sử. Đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối năm 1946, các thế hệ học trò quanh vùng, được các bậc hương sư ưu thời mẫn thế trực tiếp dạy dỗ, đã nhận chân thân phận bọt bèo của con dân một đất nước nô lệ, phần lớn về sau đều tham gia phong trào cách mạng tại địa phương.

Thời gian qua, nhiều cựu học sinh trường An Phước đã thành đạt, đã và đang giữ một số cương vị lãnh đạo ở Trung ương và địa phương. Theo PGS.TS Trần Ngọc Toản, Trưởng ban Liên lạc cựu học sinh An Phước tại Hà Nội, hiện có đến 80% cựu học sinh An Phước đang sống ở Hà Nội là giáo sư, tiến sĩ. Tất cả dạy học, làm việc ở các trường đại học lớn, các Viện nghiên cứu Quốc gia, các cơ quan Trung ương và cả ở nước ngoài và có uy tín rất lớn.

… Đến vùng đất học

Năm 1998, khi Trường An Phước bước vào tuổi 90, do số lượng học sinh ngày một đông, ngôi trường lịch sử này đã tách ra làm hai, trường gốc vẫn giữ tên Tiểu học An Phước, trường “ra riêng” mang tên Tiểu học Hòa Phong. Ngày 3-11-2009, Trường tiểu học Hòa Phong đã được đổi tên thành Trường tiểu học Lâm Quang Thự - một chiến sĩ Cách mạng, một nhà giáo yêu nước.

Từ đó, cả hai ngôi trường bỗng dưng có chung một cơ duyên rất lạ: Người sáng lập Trường An Phước trên 100 năm trước là cụ Nghè Lâm Quang Tự và người mà Trường Hòa Phong được vinh dự mang tên từ hai năm qua chính là con trai của cụ Nghè. Hôm Trường Hòa Phong làm lễ đổi tên trường, có một đoàn khách đặc biệt gồm 7 gia đình con trai, con gái ông Lâm Quang Thự - một gia đình hiện sống ở Đà Nẵng, 3 gia đình ở Sài Gòn, 3 gia đình ở Hà Nội. Tất cả đều đã thành danh, nối chí cha và ông nội, làm rạng rỡ gia tộc nói riêng, quê hương Hòa Phong nói chung.

Sự hiện diện của con cháu dòng họ Lâm hôm đó đã mặc nhiên nói nên lời động viên các thế hệ học sinh Hòa Phong hôm nay nói riêng, Hòa Vang nói chung, nỗ lực học tập và rèn luyện cho xứng đáng với người đi trước. Ông Nguyễn Tịch, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hòa Phong, chia sẻ: “Con em chúng tôi có dăm ba chữ cũng là nhờ tộc Lâm làng Cẩm Toại - nơi phát tích ngôi trường tiểu học tư thục đầu tiên và khởi tạo truyền thống hiếu học bao đời nay của vùng đất Hòa Vang. Noi gương gia đình họ Lâm, các bậc cha anh đi trước đã nổi tiếng là những người học giỏi, có địa vị xã hội nên con em hôm nay cũng phải nỗ lực để nối nghiệp nhà”.

Nếu cả tổng An Phước xưa (trong đó có các xã phía tây Hòa Vang hiện nay) ban đầu chỉ có một trường tiểu học thì ngày nay, riêng xã Hòa Phong đã có trường học đủ 4 cấp học trên địa bàn, từ mầm non đến THPT. Trước năm 1975, chế độ Sài Gòn cũng chọn nơi này để mở Trường Trung học Hiếu Đức, tiền thân của Trường THPT Ông Ích Khiêm ngày nay.

Đến nay, có thể nói Hòa Phong là xã dẫn đầu về cơ sở vật chất ngành giáo dục - đào tạo của Hòa Vang với 5 trường học gồm một trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường THPT. Trường lớp được mở rộng đến tận thôn xóm, con em trong độ tuổi đi học được huy động ra lớp ngày một đông. Cứ 3 người dân ở Hòa Phong thì có một người đi học, trong đó, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt 100%.

Với những kết quả mang tính ổn định về giáo dục, Hòa Phong từ lâu đã đạt được những thành tích đáng kể: Năm 1996 được công nhận hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ; năm 1998 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS; năm 2002 được công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ đến người cuối cùng và là một trong 4 xã đầu tiên của Hòa Vang đạt chuẩn phổ cập THCS đúng độ tuổi.

Ông Nguyễn Tịch cho biết, sắp tới, Trường Lâm Quang Thự sẽ được tách ra làm hai để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã. Vậy là Hòa Phong đã không hổ thẹn với quá khứ, nổi lên như một điểm sáng về công tác giáo dục - đào tạo hôm nay, xứng danh là “đất học’’ của các xã vùng tây Hòa Vang. Câu ca xưa còn nhắc: “Quê mình có chợ Túy Loan/ Có trường An Phước tiếng vang một thời”. Ôn lại sự học hơn thế kỷ qua trên quê hương mình, người dân Hòa Phong luôn tri ân tiền nhân - những người đã sớm gióng lên tiếng chuông khuyến học đầu tiên là Trường An Phước. Tiếng vang đó không chỉ một thời mà còn vọng mãi trong tâm thức những người yêu cái học và chọn tri thức để làm đẹp tâm hồn mình.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.