.

Trên những con đường mòn xưa

.
Giờ, mỗi lần đi qua những con đường nhựa hóa, bê-tông hóa, không còn cảnh nắng bụi, mưa bùn trên mảnh đất Hòa Vang, lại chẳng thể nào quên được những con đường mòn gắn bó với nhân dân suốt một thời gian khổ. “Những con đường dài hơn cả độ dài /Của đường sá đời xưa để lại”(Phạm Tiến Duật).

Mô tả ảnh.
Đại tá Dương Tuấn Kiệt (trái) đang tìm lại trên bản đồ con đường mòn năm xưa ông đi lên giành chính quyền ở Bà Nà.
Đổi thay Hòa Phú

Trước đây từ xã Hòa Phú xuống tổng An Phước (Trung tâm Hành chính huyện bây giờ) không có khái niệm đường giao thông, thậm chí đường đi cũng không có, chủ yếu là đi bộ xuyên rừng, những lối mòn do đi nhiều mà có.

Đến sau năm 1975, con đường ĐT 604 mới bắt đầu được hình thành nối từ ngã ba Túy Loan lên huyện Hiên (Đông Giang bây giờ), được rải đá cuội thô sơ do Công ty Cầu đường 2 (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) phụ trách.

Cho tới năm 1979, những con đường liên xã Hòa Phong, Hòa Phú dẫn lên vùng kinh tế mới vẫn là những con đường đất nhỏ, hai bên là rừng cây âm u, thưa thớt bóng người, việc đi lại hết sức khó khăn. Rừng núi Hòa Phú một thời nổi tiếng với câu ca truyền khẩu “Cọp Bà Nà, ma Phú Túc”. Nhiều đoạn có đường nhưng chưa có cầu, cống. Nhiều lần người dân xuống tổng, đến đoạn có khe, suối chảy qua đúng lúc lũ kéo về chỉ biết đứng bên này ngó sang bờ bên kia bất lực nhìn dòng nước chảy xiết.

Phương tiện đi lại ngày trước cũng hết sức thô sơ. Chủ yếu là đi bộ và gồng gánh hàng hóa. Hôm nào người dân muốn đi chợ huyện phải thức dậy từ nửa đêm gà gáy, mò mẫm trong đêm tối, vượt qua con đường mòn trơn trượt để kịp phiên chợ sớm.

Sau trận lũ quét lịch sử năm 1999, đường 604 đã được đổ nhựa. Ai đã từng thấp thỏm trầy trật đi qua con đường này trước đó, nay trở lại sẽ tràn ngập một cảm giác của sự yên lòng. Một số con đường  được Nhà nước đầu tư kinh phí, nối Hòa Ninh - Hòa Phú, Hòa Phong - Hòa Phú, Hòa Nhơn - Hòa Phú… đã làm thay đổi bộ mặt thôn, xã và khoảng cách đi lại giữa các xã cũng được rút ngắn. Đặc biệt từ khi có chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thì những con đường liên thôn, liên xóm cũng được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa. Ông Nguyễn Văn Khánh (60 tuổi) ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú không giấu được niềm tự hào: “Dân bây giờ đi lại thuận lợi lắm, đường bê-tông dẫn về tận nhà, sạch sẽ, không còn cảnh lội bùn mùa mưa nữa. Cuộc sống thay đổi hơn nhiều rồi”.

Hơn mười năm trở lại đây, hệ thống giao thông của Hòa Phú được thông suốt, người dân trong xã và các xã lân cận có cơ hội giao lưu hàng hóa, nhờ đó kinh tế xã thay đổi từng ngày.

Ông Phan Phụng Trung, Bí thư xã Hòa Phú, tỏ rõ sự hài lòng: “Giao thông phát triển kéo theo kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế, thông tin liên lạc, điện chiếu sáng, bưu điện… làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của xã. Nhiều gia đình xây được nhà cửa khang trang, sắm xe máy, ti-vi…”. Điều ông Trung vui nhất là một tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ: Con em trong xã có điều kiện học cao hơn. Ngày xưa muốn học được cái chữ phải đi bộ suốt quãng đường dài. Giờ bọn trẻ thoải mái chạy xe trên đường đến lớp kiếm cái chữ. Nhiều em là sinh viên cao đẳng, đại học…

Con đường giải phóng Bà Nà

Là người trực tiếp tham gia hành trình lên Bà Nà cướp chính quyền, trong ký ức của mình, Đại tá Dương Tuấn Kiệt (80 tuổi, thôn Bồ Bản, Hòa Phong) vẫn còn nhớ như in buổi sáng ở sân vận động An Phước ngày 16-8-1945. Cả sân chật kín người, đồng bào dân tộc Cơtu cũng ngược từ trên núi xuống tham gia giành chính quyền. Bà con đi chân đất, cởi trần, thắt xà-rông ngang bụng, tay cầm theo cái dụ (giáo), cán dài tới 3 - 4m, đầu nhọn hoắt, khí thế hừng hực.

Trong không khí phấn chấn đó, ông Lê Đình Hoàng, tốt nghiệp diplôme ở Quốc học Huế kêu gọi quần chúng đi Bà Nà giành chính quyền và cậu bé 14 tuổi Dương Tuấn Kiệt lúc ấy đang là Đội trưởng Đội thiếu niên cứu quốc đã hào hứng xung phong, có mặt cùng bà con vào 3 giờ sáng ngày 17-8-1945 bắt đầu hành trình đi giành chính quyền.

Đường lên Bà Nà ngày đó hết sức gian nan, đoàn người phải qua phà chợ Túy Loan, ven theo sông Thái La (Hòa Nhơn), ngược lên Trúc Bàu. Đường rất nhỏ, khó đi, hai bên toàn rừng cây âm u. Lên đến An Lợi (Cáp treo Bà Nà bây giờ), lội qua suối nước sâu đến cổ, nhiều người phải ráng bơi qua để tiếp tục vượt hành trình dài 15km lên Bà Nà chủ yếu trèo núi rất cực khổ. Ngay bản thân ông Kiệt nhiều lần bị trượt chân toác cả đầu gối giữa núi rừng âm u.

Mô tả ảnh.
Tổng An Phước, nơi nhân dân Hòa Phong giành chính quyền.
 
Ông Dương Tấn Hưng, Trưởng Đài Truyền thanh xã Hòa Phong nói rằng, những người cao tuổi trong làng vẫn kể về những lần thực dân Pháp đưa trát bắt dân đi phục vụ cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng, người, hàng hóa lên Bà Nà. Sau năm 1954, con đường đó vẫn là những lối mòn ngoằn ngoèo, quanh qua nhiều dốc núi giữa rừng núi hoang vu, chỉ có bộ đội và anh em cán bộ địa phương đi.

Thế hệ trẻ bây giờ phải lên tới Bà Nà, thấy được vết tích của những ngôi biệt thự cũ thực dân Pháp để lại mới hiểu được sự nhọc nhằn, vất vả của dân mình khi bị bắt làm phu cõng lên từng hạt cát, viên gạch, viên ngói… cho chúng xây dựng, Đại tá Kiệt cho biết thêm.

Ông Dương Tấn Đạt, Bí thư xã Hòa Phong cho biết, xã đã bê-tông hóa gần 20km đường liên thôn, hơn 75km đường kiệt xã. Sự phát triển về giao thông nông thôn cùng sự đổi thay về y tế, giáo dục, hệ thống điện lưới, đã tác động mạnh mẽ đến việc hàn gắn nhanh nhất những vết thương chiến tranh, nâng cao mọi mặt đời sống của dân trong vùng.

Trong tâm trí của những người lớn tuổi như Đại tá Kiệt, ông Hưng, ông Đạt thì những con đường mòn xưa chính là nhân chứng của đất nước suốt một thời gian khổ. Giờ, mỗi lần đi qua những con đường nhựa hóa, bê-tông hóa, không còn cảnh nắng bụi, mưa bùn trên mảnh đất Hòa Vang lại chẳng thể nào quên được những con đường mòn gắn bó với nhân dân suốt một thời gian khổ. “Những con đường dài hơn cả độ dài /Của đường sá đời xưa để lại” (Phạm Tiến Duật).

Thu Hà
;
.
.
.
.
.