.

Trước biển

Không biết biển có tự bao giờ và ai đã đặt tên cho biển. Chỉ biết rằng, khi tôi lớn lên thì đã thấy biển rồi. Và tôi yêu biển từ đó, cái thời con nít ngây ngô, nông nổi, mỗi khi trời chiều dịu nắng, mình trần như nhộng cùng đám bạn trong xóm chạy ùa đuổi theo mấy chú còng gió.

Tôi sinh ra và lớn lên ở  một vùng quê thấm đẫm vị mặn mòi của biển khơi và  trái mù u đựng trong câu đồng dao ngày bé. Con còng gió thổi vào ký ức tuổi thơ ngây ngô của tôi ý niệm về tình yêu quê cha đất tổ, tình yêu biển khơi. Hình ảnh người mẹ tần tảo nuôi tôi, cào nghêu, bắt ốc những chiều biển lặng, những buổi sáng tinh mơ trong làn nước mát lạnh vẫn như còn nguyên vẹn trong ký ức thơ ngây của tôi, như  đang xô đẩy nhau mỗi khi lục tìm.

Chiều nay, tôi ra đứng trước biển, lặng im nghe gió hát, nghe mênh mang con sóng vỗ bờ, lớp lớp sóng bạc đầu xô đẩy nhau, chồng lên nhau, rồi ùa ra khơi xa, tan trong mênh mông đại dương và được lặp đi lặp lại như những điệp khúc của bản hòa tấu du dương trầm bổng. Xa kia, Sơn Trà uy nghi, bồng bềnh mây núi, giăng mờ trong sương chiều dần trôi, gió từ ngàn khơi rào rạt thổi về, mang hơi mặn mòi của biển khơi.

Tôi lang thang quanh Công viên Biển Đông. Những hàng dừa tỏa cành lá xanh mơn mởn như dáng mẹ thương con, như lời một bài hát ngợi ca về Đà Nẵng, gợi lên tình yêu quê hương đất nước, quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc mà mỗi trái tim giống nòi Việt Nam mang nặng đẻ đau có quyền tự hào về điều đó.  Ngắm nhìn bức tượng đá Mẹ Âu Cơ với sự tích trăm trứng nở trăm con, chia nhau 50 lên rừng, 50 xuống biển nhưng vẫn gọi  nhau hai tiếng thiêng liêng đồng bào, cảm thấy lòng ấm áp tình thủy chung son sắt.

Khi đứng trước biển cảm thấy mình nhỏ bé, cảm thấy sự hạn hữu của con người trong cái vô tận của không gian và thời gian đời người trước đại dương mênh mông sóng cả.

Biển về đêm với biết bao điều kỳ ảo. Con đường du lịch men theo triền núi ra bãi Bụt, bãi Nam, bãi Bắc chập chùng, rực rỡ ánh đèn với những biệt thự, resort lộng lẫy như hẹn hò mời gọi. Chùa Linh Ứng bãi Bụt sừng sững, uy nghi, trầm mặc trong sương đêm như bức bình phong che chở bão giông cho Đà Nẵng. Những ngọn hải đăng như những con mắt biển canh giữ bình yên cho thành phố. Những con tàu căng buồm lướt sóng ra khơi xa. Vẫn biết, biển bạc cá vàng, gieo neo bao phận người rong ruổi, nhưng bao phận người vẫn một lòng một dạ bám biển, bám tàu để ra khơi vào lộng, như định mệnh của nghề nghiệp, của số phận, bỗng phảng phất đâu đây câu ca buồn dĩ vãng:

“Lấy chồng làm ruộng em theo,
 lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”.

Biển bao đời rồi vẫn vậy, nước vẫn trong xanh hiền hòa, nhấp nhô sóng xô bờ cát, sóng vẫn mãi bạc đầu, năm tháng mãi miết vỗ về như lòng mẹ, lời tình tự của sóng, của gió như người bạn tri kỷ, tri âm.

Và mỗi khi nhớ biển, mỗi khi lòng thấy chùng xuống bởi thời gian và nuối tiếc, tôi lại ra đứng trước biển để lặng nghe gió hát, để lặng nghe biển thì thầm, thì thầm lời của sóng, lời của đại dương mênh mông, lời  của bao la vũ trụ và bỗng thấy lòng bình yên đến lạ lùng.

Biển muôn đời vẫn vậy.

Đinh Văn Dũng
;
.
.
.
.
.