.
Truyện ngắn

Nụ cười tuổi 15

- Cướp! Cướp!... Bớ làng nước ơi! Cướp…!

Cả chợ nhốn nháo cả lên!

Xách giỏ trứng tôi tò mò chạy ra ngoài chợ xem chuyện gì… Thì ra, một thằng con trai nhớp nhác trên tay cầm cái giỏ xách hàng hiệu chạy hết tốc độ, đuổi theo sau nó là người đàn bà áo quần sang trọng nhưng trông hung dữ lắm, bên cạnh còn có bọn đàn em chạy theo nữa…

Đang ngó nghiêng xem sự việc thế nào thì… tôi té chổng xoài xuống đường, chính thằng đó húc vào tôi, xít xoa cái mông đau ê ẩm và giỏ trứng mẹ nhờ mua cho bữa trưa thế là tiêu. Còn thằng đó thì bật dậy không nói một lời. Tôi hung hăng quát:

- Thằng ranh kia, mày đền trứng lại cho tao… Nghe chưa!

Vừa chạy nó vừa quay đầu nhìn tôi như muốn nói tao không trả đấy, làm gì được tao? Tôi rùng mình khi nhìn thấy cặp mắt nó trừng lên với bộ tóc lòa xòa phủ trên gương mặt đen sì.

Mấy người kia vẫn ra sức rượt đuổi. Nhưng nó đã biến mất tích, còn cái giỏ xách thì vứt bên cạnh giỏ trứng nát của tôi. Người đàn bà khi nãy chạy lại nâng giỏ xách lên xít xoa rồi chửi rủa:

- Oắt con! Bữa nay may cho mày, gặp chị lần nữa là hết đời đấy con ạ!

Nguýt dài một cái bà ta quay ngoắt đi:

- Đi chúng mày!

Tôi cuống cuồng ù té chạy về nhà. Lúc chạy qua ngõ hẻm khuất sau lưng chợ nơi có ngôi nhà bỏ hoang, tôi thoáng nhìn thấy thằng ranh lúc nãy đang đứng núp ở sau đó, bên cạnh nó còn có thằng nhỏ chừng tuổi con bé em tôi ở nhà. Tôi dừng lại, được lắm, thằng đó đang trốn ở đây. Tôi phải bắt nó xin lỗi, còn đền lại giỏ trứng nữa chứ. Đắc ý với suy nghĩ của mình, tôi tiến lại, định lên tiếng thì:

- Mày nín chưa! Khóc khan rứa?

- Nhưng… nhưng em đói!

Giọng thằng nhỏ rụt rè, hắn quay lại nhìn thằng nhỏ rồi ôm nó vào lòng.

- Thôi, nín đi…! Xí anh mua cơm cho ăn.

Nước mắt nước mũi giàn giụa trên mặt thằng nhỏ nhưng nụ cười nó cứ lấp lánh nỗi sung sướng khi được nhắc tới hai từ “ăn cơm”. Còn anh của nó cứ cố gắng ép miệng cười trả lại với thằng em một cái rồi nhìn đi nơi đâu không dám đối mặt với sự vô tư của đứa em mình.

Tôi dường như quên đi cái ý định bắt đền ấy. Thay vào đó là một nỗi buồn ùa vào trong tôi… Bất giác tôi bị hai anh em nhà đó phát hiện. Thằng anh lôi đầu tôi vào rồi nhìn tôi bằng ánh mắt ghê rợn như lúc nãy nó nhìn tôi ở chợ. Trông không giống lúc nhìn em nó tí nào. Tôi sợ phát run. Không dám nhìn vào mắt nó nữa.

Hình như hắn nhận ra tôi, con bé mà nó đụng lúc nãy ở chợ. Mặt hắn hơi nhăn nhăn một chút, nhưng mắt đã dịu đi khá nhiều. Hắn lấy tay vuốt mái tóc lòa xòa rồi lên tiếng:

- Ê nhỏ! Cho tao xin lỗi, lúc nãy đụng mày ở chợ.

Ôi trời! Một thằng côn đồ như hắn không bắt mà cũng nói lên lời xin lỗi được sao, tôi thấy cũng mát lòng thật nhưng nhớ lại cái đói đang cào xé thằng em hắn thì tôi lại thấy tội nghiệp và bỏ qua tất cả. Lúc nãy mua trứng tôi còn dư 5.000 đồng định mang về mua kem ăn nhưng:

- Quên chuyện lúc nãy đi! Đằng ấy cầm 5.000 này mà mua cho thằng nhỏ ổ bánh mì.

Hắn hất tay tôi ra và không nhận, đôi mắt hắn cau lại quả quyết. Nhìn sang thằng em đang mừng rỡ rồi xịu xuống khi không được đồng ý, tôi thấy thương thằng nhỏ lắm. Thực ra thì tôi với hắn có quen biết gì nhau đâu mà tôi lại làm như vậy, chắc chắn hắn không lấy thì đúng rồi nhưng tôi phải làm cách gì đó chứ. Tôi đành liều nói nhỏ vào tai hắn nếu như hắn không lấy tiền thì tôi sẽ mách lại với em nó rằng lúc nãy hắn đã đi ăn cướp túi xách của người khác. Kế hoạch thành công ngoài dự kiến. Hắn sợ lắm, rồi tôi lại nói thêm rằng đây không phải là tiền tôi cho, mà là tiền tôi cho hắn mượn, lúc nào có thì đem trả cũng được. Vậy là hắn cũng không thể từ chối được.

Hắn và thằng nhỏ đưa tôi về. Trên đường đi hắn giới thiệu rằng hắn là Minh, còn thằng nhỏ em hắn là Trung ở nhà gọi là “Mít”. Tôi đã cười thật to khi nghe thấy cái tên đó. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi trò chuyện với Minh, còn cậu em Mít lúc nào cũng làm trò để tôi cười… Minh và Trung đều không được đến trường vì một vài lý do của gia đình cậu ấy, tôi cũng không rõ.

***

Ngày hôm sau, lúc tan trường, Minh đứng ở trong ngõ hẻm gần trường đợi tôi. Tôi rất ngạc nhiên nhưng lại thấy thật vui khi có bạn về cùng. Cả hai đứa nói chuyện thật vui rồi Minh rút tay ra khỏi túi quần đưa cho tôi tờ 5.000 đồng. Tôi nhìn Minh nghi ngờ:

- Này, có phải đằng ấy lại ăn cắp của người ta nữa phải không?

- Không! Không…

Minh cuống lên lý giải. Rằng Minh sẽ không bao giờ làm chuyện đó thêm một lần nữa. Đây là tiền Minh kiếm được ở chỗ rửa chén cho quán ăn của người ta. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Cầm lấy tờ 5.000 tôi chạy đi mua ổ bánh mì ở gần đó. Tôi một nửa, Minh một nửa. Bỗng chốc trời đổ cơn mưa như tắm mát cho muôn loài. Hai đứa chúng tôi chạy thật nhanh vào một mái hiên nhà chờ đỡ mưa rồi về. Mưa cũng thổi cái mát vào lòng tôi, và chắc Minh cũng cảm thấy thế. Minh ăn thật nhanh nửa ổ bánh mì tôi đưa, có vẻ như cậu ta sực nhớ ra điều gì rồi giục tôi:

- Lấy sách vở ra đi!

- Thôi không cần đâu. - Tôi thờ ơ.

Minh tặt lưỡi một cái rồi giựt cái cặp trên vai tôi. Minh có vẻ lo lắng lắm. Minh lấy áo chùi chùi lên cặp rồi lên sách vở, đến cả cây bút, cây thước mà cũng chùi cho được. Tôi thấy ái ngại trước việc làm ấy tại tôi không có thói quen ấy bao giờ. Rồi Minh khe khẽ:

- Tui thích đi học lắm!

Nỗi buồn như dâng trào trong mắt Minh. Cậu ấy nhìn ra nơi mấy giọt nước mưa đọng lại trên mái hiên rớt xuống. Tôi như cảm nhận điều gì đó từ Minh. Tôi muốn làm gì đó cho cậu ấy.

- Rứa đằng ấy có muốn tui dạy cho học không?

Minh nhìn tôi rồi cười, một nụ cười đẹp nhất từ trước đến giờ. Tôi hẹn Minh tại ngôi nhà bỏ hoang lần trước. Rồi cậu ấy còn năn nỉ tôi dạy cho thằng Trung nữa.

Thế là 3 giờ chiều mai tôi đã trở thành cô giáo của một đứa bằng tuổi mình và một thằng nhỏ hơn 4 tuổi. Thật hạnh phúc biết bao. Tôi hớn hở tìm các loại sách cơ bản và hai quyển vở, hai cây bút phải là một bút chì, một bút bi chứ nhỉ?

Chúng tôi học với nhau cũng được hơn một tuần. Minh bảo cậu ấy sẽ đưa tôi đi học và đón tôi về để trả tiền công tôi dạy cho hai anh em cậu ấy. Minh và Trung rất ham học. Minh học toán khá nhanh nhưng theo tôi thì cậu ấy không hợp với văn chương vì cậu ấy viết đọc lên nghe buồn cười lắm; còn Trung, em ấy chăm chỉ thấy lạ, toán hay văn em ấy cũng tốt cả.

Nhưng cái mà tôi lo lắng bấy lâu cũng đã đến. Một ngày, hai ngày… tôi không thấy Minh và Trung đến học nữa. Tôi buồn và giận lắm. Tôi nghĩ chắc cậu ấy lại làm chuyện gì xấu và bị tóm ở đâu đó rồi. Cũng phải đến một tuần tôi chờ hai anh em họ, bữa đó thằng Trung chạy lại thở hổn hển nói với tôi:

- Chị đi về đi, đừng đến đây nữa, anh Minh bảo sẽ thôi học, em cũng rứa!

Tôi thẩn thờ trước câu nói ấy. Không một lý do gì cả, chẳng lẽ cậu ấy đã không còn coi tôi là bạn, không muốn đi học nữa. Vậy là từ trước đến nay tất cả đều là giả dối ư! Tôi bước đi, đôi chân nặng nề kéo rê trên đường.

Ngày hôm sau, tôi như không thể làm ngơ trước việc này được. Tôi phải tìm nhà Minh để nói cho rõ mọi việc.

Có một lần Minh bảo với tôi rằng nhà Minh ở khu ổ chuột phía cuối chợ. Nhà nào có cây ổi sim là nhà cậu ấy. Tôi cứ đi theo trí nhớ và linh cảm của mình thôi chứ cũng không chắc chắn cho lắm… Ngó nghiêng một lát, đúng là có một cây ổi sim thật, thế là tôi tò mò bước vào nhà.

- Cho hỏi, có ai ở nhà không ạ!

Một tiếng khàn khàn vọng ra:

- Ai đấy, có gì thì vào đây.

Tôi cũng hơi lo sợ nhưng vẫn không cản được cái bản tính tò mò nên bước vào và thấy một người phụ nữ trung niên ốm yếu đang nằm mệt mỏi trên giường. Bác ấy cố gắng gượng dậy rồi tận tình mời tôi ngồi ghế. Tôi nhìn xung quanh, nhà trông đơn sơ lắm. Bác lên tiếng:

- Cháu đến đây có việc gì?

- Dạ bác ơi! Cho cháu hỏi Minh có ở nhà không?

Lòng tôi nặng trĩu khi nghe đến những lời nói của mẹ Minh. Bác ấy đã kể cho tôi nghe cuộc sống của họ rằng Minh và Trung không phải là con ruột của bác. Ngày trước nhà Minh và Trung khá giả lắm, ba Minh dính vào đường dây thuốc phiện nên bị kết án tù chung thân và bị tịch biên tài sản. Mẹ cậu ấy buồn quá bệnh mà mất. Minh và Trung lang thang chạy hết đầu đường xó chợ chui rúc ở đâu được thì cứ chui tạm, không nhà cửa, không cha mẹ, không một ai họ hàng thân quen. Hai đứa trẻ mồ côi phải bươn chải cuộc sống này bằng chính sức lực nhỏ nhoi của mình. Cho đến một hôm, nơi Minh rửa bát phụ cho một quán cơm bình dân, bà chủ quán kêu la ầm ĩ vì không biết ai lấy mất một khoản tiền trong tủ của bà ta. Liếc mắt sang Minh, một cậu nhóc 15 tuổi nhỏ bé và dễ bắt nạt. Bà ta xông thẳng tới đánh đập, chửi rủa thậm tệ rồi đuổi không cho Minh làm ở đấy nữa. Nhưng sau đó lòi ra là thằng con trai bà ta chứ không phải Minh. Tối đó, Minh đã lên cơn sốt cao, chỉ chậm thêm chút nữa thì sẽ nguy đến tính mạng. Nhưng đúng lúc đó bác ấy trên đường đi làm về, ngang qua ngôi nhà hoang nghe thấy tiếng khóc của thằng Trung gọi anh. Mới đầu cũng thấy ớn lạnh lắm nhưng đành liều bước vào xem… Vậy là bác ấy đã đưa Minh đi viện và từ đó mang Minh và Trung về nhà nuôi. Bác bảo Minh tội lắm, cậu ấy không màng đến học hành hay đòi hỏi gì, chỉ đi làm thêm kiếm tiền đỡ đần bác.

Bác ấy khổ tâm lắm, vì thấy có lỗi với Minh và Trung. Bác bệnh tật liên miên nên Minh phải đi làm quần quật mãi đến tối mới về. Còn thằng Trung thì cứ đi theo anh nó, có gì thì phụ với anh nó luôn…

Nghe kể về hoàn cảnh của Minh và Trung mà tôi nghĩ về bản thân mình đã làm được những gì cho ba mẹ, vậy mà tôi còn đòi hỏi hết thứ này đến thứ nọ. Tôi bằng tuổi Minh nhưng suy nghĩ và những việc làm của tôi đều không bằng Minh một tí nào.

***

Một hôm, vừa tan trường. Tôi cũng đi về trên con đường đó như mọi bữa. Nhưng ở trong con hẻm nhỏ Minh nhảy ra rồi cười toe toét với tôi. Cậu ấy bảo, cậu ấy có một tin bất ngờ dành cho tôi. Đó là ở khu cậu ấy sống có một người nào đó đến và xây dựng một lớp học tình thương vào buổi tối. Lúc đó tôi vui còn hơn là mình được thưởng nữa. Minh bảo nếu tôi thích, cậu ấy sẽ dẫn tôi đến nơi mà sắp là trường học của cậu ấy… Vậy là hai đứa chạy ù đến chỗ đó ngay.

Minh chỉ vào người đàn ông cao to đeo cặp kính đang đứng với vài người nữa đằng kia, chính ông ấy đã hỗ trợ tiền xây dựng lớp học tình thương này. Nhưng hình như tôi nhận ra khuôn mặt ấy. Chính là ba tôi…!

Tôi hét lên thật to:

- Ba ơi!

Tất cả mọi người như bất ngờ trước tiếng gọi ấy. Ba quay lại nhìn tôi trìu mến. Niềm vui trong tôi như lớn lên gấp chín gấp mười lần. Tôi và Minh nhìn nhau cười thật tươi. Nụ cười của Minh bây giờ mới đúng là nụ cười tuổi 15 này.

Tôi thật hãnh diện vì mình là con ba. Ba đã kể lại rằng hôm tôi đến nhà Minh cũng là lúc ba đến trường chở tôi. Thấy tôi chạy thật nhanh trên con đường khác ba liền bí mật theo dõi tôi. Rồi nghe được câu chuyện giữa tôi và mẹ nuôi của Minh. Và cùng với ý định từ trước ba đã bắt tay quyên góp và kêu gọi mọi người ủng hộ để xây dựng lớp học cho mọi trẻ em nghèo thất học. Ba còn khen tôi là biết giúp đỡ các bạn ấy. Ba nhắc tôi nếu lần sau có chuyện gì thì cũng phải nói với ba để ba sẽ cho tôi những lời khuyên. Tôi cảm ơn ba thật nhiều…

Ngày mai là ngày khai trương lớp học cũng là ngày khai giảng luôn. Ngày mai biết bao mơ ước được cắp sách đến trường của bao bạn nhỏ nay đã trở thành hiện thực. Tối hôm trước ngày đó, tôi cùng nhỏ em ở nhà chuẩn bị biết bao nhiêu là thứ. Chúng tôi gom góp tất cả vở nhận phần thưởng chưa học đến, rồi sách cũ, bút thước, bảng con… và một vài cái cặp chúng tôi đã không còn dùng từ lâu đóng lại rồi cùng ba mang đến cho lớp học. Tôi dành riêng một cái cặp của nhỏ em, nó còn mới lắm. Lúc đến nơi tôi xin phép ba mang đến nhà cho anh em Minh.

Hai anh em họ vui lắm cứ quấn quýt bên nhau mãi. Tôi đưa cái cặp ra cho Trung mang thử. Nó cảm ơn tôi rối rít rồi đeo cặp vào chạy nhảy tung tăng khắp nhà. Cặp mắt của Trung sáng lên niềm hãnh diện khi khoác trên vai cái cặp mà em hằng mong ước. Minh nhìn em cười mà lòng hạnh phúc thấy lạ. Cậu ấy cười thật tươi, nụ cười ấy đẹp biết nhường nào…

Tôi mong rằng nụ cười tuổi 15 luôn sáng mãi…

Trại sáng tác Văn học-Mỹ thuật thiếu nhi

Đà Nẵng, Hè 2011

Lê Thị Huyền Nga

Lớp 10/12 Trường THPT Thái Phiên - Tác phẩm đạt giải 3 Trại sáng tác Văn học-Mỹ thuật thiếu nhi Đà Nẵng, Hè 2011



;
.
.
.
.
.