.

Về lại mái nhà xưa

.
Ngày chúng tôi về lại cội nguồn, không ai dám chắc trí nhớ của mình có đúng với những tên người, tên đất ngày xưa? Ai cũng nhìn nhau rồi hỏi: Đâu là nơi ngày xưa dựng trại, dựng nhà? Đâu là nơi anh em thoát chết trong những trận bom pháo, tàu gáo, tàu rọ? Đoạn sông nào đồng đội đã hy sinh? Đâu là nơi chúng ta cuốc đất làm ruộng, vỡ đồi trồng sắn trồng khoai? Chỗ ruộng nào thả trúm bắt lươn? Khe suối nào bắt ốc đá, cua đá về cải thiện bữa ăn?

Mô tả ảnh.
Các thành viên của Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bia Di tích lịch sử, nơi Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam đặt trụ sở làm việc từ năm 1972 đến tháng 3-1975 tại xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
 
Sau 37 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hơn 276 đồng chí lãnh đạo, cán bộ của Ban Tuyên huấn Quảng Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, giờ chỉ còn trên dưới 100 đồng chí. Đa phần tuổi cao sức yếu, không ít đồng chí là thương binh hoặc đang mang trong người những di chứng của chiến tranh, phần đời đang tính từng ngày.

Niềm ao ước được một lần về lại chiến trường xưa mỗi năm càng thôi thúc. Mãi đến cuối tháng 7-2011, họ mới quyết tâm thực hiện cuộc về nguồn. Ý tưởng đó có sức lan tỏa và thu hút mãnh liệt đối với nhiều anh chị em ở Đà Nẵng, Tam Kỳ, Tiên Phước, Trà My và cả những nơi xa xôi như Gia Lai, Daklak. Người đăng ký đi ngày càng đông, trong đó có cụ Nguyễn Trạm ở bộ phận sản xuất nay đã 83 tuổi. Có người như anh Nguyễn Báo ở Đoàn Dân ca kịch nay đã 76 tuổi, sinh sống tại thành phố Pleiku-Gia Lai…

Hay tin có chuyến đi, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng hỗ trợ ngay chiếc xe 12 chỗ. Ở Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở VH-TT&DL thống nhất hỗ trợ cho đoàn 5 triệu đồng và bố trí thêm một chiếc xe lớn… 42 thành viên. Hai chiếc xe chở đoàn đến xã Tiên Lãnh lúc gần 11 giờ. Đồng chí Trần Thế Tôn; Bí thư Đảng ủy xã và anh Sơn, Chủ tịch UBND xã đã có mặt tại trụ sở UBND xã từ lâu, chờ đón chúng tôi.

Tiên Lãnh bây giờ

Tiên Lãnh ngày ấy là đất bom cày đạn xới, dân bám trụ vùng giải phóng rất thưa thớt thì nay dân số đã lên đến 5.000 người. Người Tiên Lãnh vốn có truyền thống làm kinh tế vườn, nuôi bò đàn, gà nuôi thả thịt ngon nổi tiếng. Ngày xưa ở đây đã có câu thành ngữ “Gái Tiên Hà-gà Tiên Lãnh”. Và bây giờ, trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt, gà Tiên Lãnh vẫn giữ nguyên thương hiệu đặc sản đó. Trong chiến tranh, máy bay trực thăng Mỹ thường quần lùa tập trung đàn bò của xã mỗi lần vài ba chục con để bắn chết, nhằm tiêu hủy nguồn sống của dân nhưng bây giờ đàn bò Tiên Lãnh vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở. Người dân Tiên Lãnh ngày nay còn biết khai thác thế mạnh rừng đồi làm giàu từ cây lâm nghiệp, cây đặc sản địa phương như măng rừng, chuối, chè, mít mật, v.v… Quá khứ đói nghèo, lạc hậu, giờ chỉ là kỷ niệm buồn mà đẹp, như câu ca lưu truyền ngày trước: “Chừng nào Tiên Lãnh ăn tiền/Trà My đông chợ hai miền gặp nhau”. Ngay trên mảnh đất Tiên Lãnh anh hùng này, công trình thủy điện Sông Tranh 3 đang sừng sững mọc lên, báo hiệu sự phát triển công nghiệp đầy hứa hẹn trong tương lai gần.

Mô tả ảnh.
Đoàn thắp hương tưởng niệm đảng viên, cán bộ, cơ sở  cách mạng xã Tiên Sơn bị địch sát hại đêm 20-12-1955 tại Hầm Heo.
 
Ngày ấy, cán bộ, đồng bào Tiên Lãnh hiếm hoi mới được tập trung ở các sân bãi để nghe những làn điệu dân ca bài chòi, hò khoan, tuồng… do diễn viên Đoàn Dân ca kịch, Đoàn Tuồng Giải phóng Quảng Nam biểu diễn. Thế mà trưa nay, trong lúc chờ trời ngớt mưa, chúng tôi bất ngờ được nghe đồng chí Bí thư Tiên Lãnh, đồng thời cũng là thành viên của đội dân ca xã duy nhất  của huyện Tiên Phước được thành lập từ sau ngày chiến tranh kết thúc hô bài chòi rất ngọt giọng. Nghe anh hát, NSND Trần Đình Sanh, nguyên là diễn viên của đoàn tuồng và chị Minh Tuyết, nguyên là diễn viên Đoàn Dân ca kịch ngày ấy không thể không hát giao lưu trong niềm xúc động đến trào nước mắt. Hôm nay thế hệ lãnh đạo của xã Tiên Lãnh không ngừng được trẻ hóa với đội ngũ cán bộ có trình độ, đầy bản lĩnh và tự tin. Đồng chí Bí thư Đảng ủy cao tuổi nhất cũng mới 49 tuổi và là 1 trong 7 người có trình độ đại học trong ê- kíp cán bộ lãnh đạo xã nhà. Đồng chí Sơn, Chủ tịch UBND thì đang ở tuổi 32. Xã đang tiếp tục cử 10 cán bộ trẻ  đi đào tạo đại học.

Trời mưa nặng hạt. Chúng tôi theo các anh đến thăm một số gia đình bà con năm xưa cưu mang, gắn bó với anh chị em trong Ban. Cụ Lư ở thôn một Tiên Lãnh năm nay 94 tuổi như khỏe lại. Mắt cụ như sáng ra và tai như nghe rõ hơn khi gặp lại chúng tôi. Chị Kha năm nay 74 tuổi, sau 37 năm xa cách vẫn nắm tay nói đúng tên từng người, làm gì, ở đơn vị nào mà chị đã từng quen biết…

Về lại mái nhà  xưa

Về lại Tiên Sơn. Thật bất ngờ, khi vừa đến địa giới Tiên Sơn, chị Phạm Thị Lan Hoa, nguyên là phóng viên Báo Giải phóng Quảng Nam và ai đó ở xe bên kia cùng reo lên: Đến nhà mình rồi. Ôi! Hai tiếng “nhà mình” nghe thật thiêng liêng và thân thương quá đỗi! Đúng là về nhà thật, vì từ 1972 - 1975 Tiên Sơn (khi ấy là Phước Sơn) cùng với Tiên Cẩm, Tiên Hà được coi là “Đại bản doanh” của Ban Tuyên huấn Quảng Nam.

Những năm tháng ấy Sơn-Cẩm-Hà là vùng giải phóng. Có đất nhưng hầu như trắng dân, chỉ có các cơ quan của tỉnh đóng quân. Tại Phước Sơn, cả xã lúc ấy chỉ có 13 gia đình-31 người dân bám trụ. Họ bền gan thách thức với đạn bom. Dựng nhà, dựng lều bên khe suối, sườn đồi để tồn tại và thủy chung với cách mạng. Đôi lúc, họ phải giành giật với thú rừng nguồn thức ăn từ thiên nhiên hay giữ gìn bảo vệ từng củ khoai, củ sắn, bụi chóc do chính tay mình làm ra bằng cả máu và nước mắt. Ông Vấn, một trong số những người dân bám trụ, trong một lần rượt đuổi theo một con heo rừng độc đã bị thương  và bị nó  quay lại tấn công sát hại…

Xã Tiên Sơn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Niềm vinh dự và tự hào ấy có được bằng sự đánh đổi biết bao xương máu và biết bao chiến công oanh liệt mà họ đã lập nên từ ngày ấy.

Ngày nay ai có dịp đến Tiên Sơn xin hãy đừng quên ghé thăm di tích Hầm Heo. Nơi cái ngày bi thương 20-12-1955, bọn Quốc dân đảng đã lấy dây mây xâu tay, xâu cổ 65 cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng lôi đến Hầm Heo xô xuống rồi lấy đá, đất lấp lên chôn sống và dùng cây rừng vót nhọn đâm cho chết hẳn những người còn hấp hối. Hầm Heo giờ đã bị đất đá bồi lấp, nhưng sự hy sinh oanh liệt của cán bộ, đảng viên và đồng bào Tiên Sơn ngày ấy vẫn như còn đây, nhắc nhở những người đang sống phải suốt đời ghi nhớ.

Trước khi rời Tiên Sơn về lại thị trấn Tiên Kỳ, anh Đặng Tấn Minh, Bí thư Đảng ủy xã chỉ vào cây gòn trước trụ sở UBND xã nói với chúng tôi: Cây gòn này, sau ngày giải phóng chỉ là một cây con bé xíu. Vậy mà nay, gốc của nó đến 6 vòng tay người lớn ôm không xuể! Sức sống, sức vươn lên của người dân Tiên Sơn cũng vậy! Chúng tôi hứa với các bác, các cô, các chú sẽ đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng xây dựng Tiên Sơn ngày càng to đẹp.

Tin lắm chứ anh Minh! Chỉ trong một buổi trở về sau 37 năm xa cách, chúng tôi đã trực tiếp đứng chân trên cây cầu “Đá Nhảy” bằng bê-tông cốt thép vững chãi, nơi ngày xưa chúng tôi nhảy trên đá mà đi. Rồi nơi cây gòn anh chỉ đây nữa, sắp tới sẽ mọc lên trụ sở UBND xã mà theo anh Nguyễn Phúc Lịch, Chủ tịch UBND xã là rất khang trang với vốn đầu tư xây dựng hơn 3 tỷ đồng. Tiên Sơn cũng đã có trường tiểu học, trường phổ thông trung học đúng chuẩn đón nhận con em Tiên Sơn, Tiên Thọ đến lớp, v.v…

Đêm Tiên Phước mang theo hơi lạnh núi rừng trung du. Thật ấm lòng khi đồng chí Vũ Xuân Sơn, Bí thư Huyện ủy và đồng chí Hường Minh, Chủ tịch UBND huyện cùng gặp gỡ anh em trong đoàn. Tay bắt mặt mừng như đón người thân trong gia đình lâu ngày trở về.

Ngọn lửa truyền thống

Suốt cả chiều dài cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, kể từ khi chúng ta vượt sông Tiên về giải phóng Sơn-Cẩm-Hà cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, Tiên Phước luôn là căn cứ địa vững chắc của chiến khu, là trận địa của lòng dân. Nhiều tên tuổi các đồng chí lãnh đạo Tiên Phước mãi thân quen với cán bộ Ban Tuyên huấn như Nguyễn Thành, Hường Thanh, Hường Thắng, Hoàng Văn Tập, Trần Văn Thiều, Trần Ngọc Ánh, Vũ Ngọc Khuê, v.v… Nhiều địa danh gắn liền với những dấu ấn bi tráng như Suối Đá, dốc Bàn Đinh, Eo Gió, Phước Tân…

Trên địa bàn này, đồng chí Vũ Thiếp, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Quảng Nam (1970-1972) từng truyền đạt cho cán bộ Tiểu ban Tuyên truyền phương châm hoạt động: “Cơ, đăng, căn, pháo, miệng, mõ, giấy, chông, lửa, đạn” (tùy từng đối tượng, tùy từng nơi, từng lúc mà sử dụng một hoặc nhiều phương thức trên để tuyên truyền, vận động quần chúng). Đồng chí Phạm Việt Dũng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn từ tháng 12-1972 đến tháng 8-1973 lại dặn dò anh em khi đi công tác “phía trước” ngắn gọn mấy chữ “Cái miệng là vạn năng” (mọi chuyện thành bại, được mất đều bắt đầu từ lời ăn tiếng nói của cán bộ tuyên truyền…). Trong thời gian làm Trưởng ban Tuyên huấn, tôi nhớ mãi một lần đi gùi cõng cùng với anh chị em trong Ban, anh Việt Dũng giành cõng chiếc cối xay nặng đến trên 50kg từ Quế Sơn về đến Văn phòng Ban đóng ở Phước Sơn, để xay lúa giã gạo do chúng tôi sản xuất trong những ngày khó khăn thiếu  đói.

Bao nhiêu năm qua, giờ chúng tôi mới thắp được nén hương cho đồng đội. Anh Vũ Thiếp hy sinh không có con  cái thờ phụng. Gia đình người em ruột thờ anh ở xóm Vạn, xã Tam An. Anh Việt Dũng, bàn thờ lập tại nhà người con trai lớn là anh Phạm Văn Bính. Anh Nguyễn  Kiến, Ủy viên Ban-Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền và anh Nguyễn Thiệu-Đội trưởng Đội chiếu bóng thì được thờ tại nhà con cháu… Em Lang ở chợ Cây Sanh, em Tánh ở thôn Kỳ Tân thì có bằng liệt sĩ và trang thờ đặt tại nhà em gái nhưng hài cốt chưa tìm được. Di ảnh thì mô phỏng từ ảnh đen trắng chụp chung với đồng đội ở chiến khu nên không rõ nét. Hài cốt của liệt sĩ Lương Đình Khang (hay Lê Hồng Khang gì đó ở miền Bắc), đã được anh em tự tay chôn cất, quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Lãnh nhưng họ tên, quê quán của anh là Kiến Thụy, Hải Phòng hay Thái Thụy, Thái Bình thì chưa xác định được. Khi cắm nén nhang lên bàn thờ anh Diệp trước ở Tiểu ban Giáo dục và anh Vương Quốc Toàn ở Tiểu ban Văn công, lòng ai cũng quặn thắt khi  mà vợ con của các anh khóc nghẹn trong vòng tay đồng đội.

3 ngày về nguồn rồi cũng đến lúc kết thúc. Chúng tôi về lại Tam Kỳ để cùng các anh lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL tổ chức đêm giao lưu giã bạn.

Đêm Tam Kỳ vẫn mưa nặng hạt. Các anh Ngô Văn Hùng-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL cùng hơn 300 cán bộ, đoàn viên thanh niên đã bất chấp mưa gió có mặt  rất sớm để đợi giờ giao lưu.

Chị Phạm Thị Minh Tuyết, người con gái Thăng Bình kể lại những năm tháng bị địch bắt, cầm tù ở các nhà lao của Mỹ-ngụy, chị đã tổ chức “nhóm văn công” để phục vụ anh chị em tù nhân, bất kể sự rình rập, đàn áp dã man của bọn cai ngục… Như xuất thần, chị hát thật hay bài “Quảng Nam tung cánh chim bằng” trong niềm xúc động mênh mang. Anh Lê Văn Lược - người con của Thanh Hóa, kể về một lần anh và đồng đội đi chiếu bóng lưu động ở hai xã Phú Hương, Phú Diên, huyện Quế Sơn. Phim chiếu đến đoạn có hình ảnh Bác Hồ, bà con yêu cầu dừng phim để nhìn ngắm Bác được lâu hơn, rõ hơn. Nhưng làm sao mà dừng được! Các anh quyết định “chiếu đúp” xuất thứ hai. Bất ngờ địch nã pháo, tập kích vào bãi chiếu. Anh mang cái máy Ifa của Đức cùng các thứ phụ tùng lỉnh kỉnh nặng gần 80kg  lăn cả người lẫn máy xuống một hố bom ven đường. Anh may mắn thoát chết và bảo toàn tài sản của cách mạng.

Cuộc giao lưu tiếp nối ấm áp và chân tình với sự tham gia của NSND Trần Đình Sanh, các nhạc sĩ Minh Đức, Hoàng Bích… Những năm tháng chiến tranh và sau này, đội ngũ cán bộ làm công tác văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Quảng Nam ngày ấy đã tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc đi vào lòng người dân đất Quảng như Thương em chín đợi mười chờ (Minh Đức); Như một vì sao sáng, Gửi người em gái quê hương, Bài ca cây lúa quê tôi (Hoàng Bích); Sông quê (Vương Quốc Toàn), Mừng quê em giải phóng (Hồng Lợi)… Ở các “binh chủng” khác của Ban, nhiều đồng chí đã trưởng thành và đảm nhận nhiều công việc như Lâm Hùng, Hoàng Hương Việt, Lê Hoàng Linh, Ngô Quy Nhơn, Đoàn Tấn Thành…

Khuya, mưa càng nặng hạt. Nhưng cả người kể, người hát, người dẫn chuyện, người nghe đều bình thản, mong sao thời gian trôi chậm lại. Đêm giao lưu khép lại trong bịn rịn. Thế hệ đi trước và thế hệ trẻ ngày nay của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn tiếp tục truyền cho nhau ngọn lửa truyền thống của ngành…

Ngô Quy Nhơn
;
.
.
.
.
.