.

Xứng đáng tôn vinh

.
Theo dõi trên báo chí trong thời gian gần đây, không chỉ những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, mà cả những công dân, những người quan tâm đến nền âm nhạc của nước nhà như tôi đều rất bất ngờ trước thông tin nhạc sĩ Phạm Tuyên (ảnh) không được đề cử nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc. Trong khi bản thân nhạc sĩ rất khảng khái và tự trọng không làm “đơn xin” gửi Hội Nhạc sĩ Việt Nam để được xem xét giải thưởng này thì Hội Nhạc sĩ Hà Nội đã gửi thư tới Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VH-TT&DL đề nghị đặc cách cho ông được nhận Giải thưởng này… Nhưng sự việc vẫn chưa ngã ngũ.

Mô tả ảnh.
Với bản thân người viết, từ khi ngồi dưới mái trường XHCN ở miền Bắc đến nay đã gần tròn 50 tuổi, người nhạc sĩ mà tôi ngưỡng mộ, yêu mến và kính trọng nhất là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nói một cách không chủ quan, ca khúc nào do ông sáng tác, từ những bài hát dành cho thiếu nhi đến những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước hay tình yêu đôi lứa đều là những bài hát hay, những bài hát đi vào lòng người và “đi cùng năm tháng”.
 
Không thể phủ nhận, các sáng tác của ông đều để lại ấn tượng sâu sắc, xuất phát từ lòng yêu nước, niềm tin yêu vào Đảng, từ thực tế cuộc sống chiến đấu, lao động vì đất nước của quân, dân ta ở cả hậu phương và tiền tuyến.  Đặc biệt là tại những thời khắc quan trọng của lịch sử đất nước, Phạm Tuyên đã kịp thời sáng tác những ca khúc vừa hay vừa có ý nghĩa sâu sắc có tác dụng khơi dậy lòng tự hào, lòng yêu nước, động viên, thôi thúc toàn quân toàn dân hăng hái tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc hay xây dựng quê hương đất nước.

Những bài hát “để đời” của ông từ những năm đất nước còn chia cắt đến bây giờ hát vẫn thấy hay và không lỗi thời phải kể đến như: Bài ca người thợ rừng, Bài ca người thợ mỏ, Bám biển quê hương, Yêu biết mấy những con đường, Tiếng hát những đêm không ngủ, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Từ làng Sen, Đêm Cha Lo, Từ một ngã tư đường phố… Bài Như có Bác trong ngày đại thắng được ông sáng tác đêm 28 tháng 4 năm 1975, tập và thu âm ngay trong chiều 30 tháng 4 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt 17 giờ cùng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Sau 1975, ông có những ca khúc phổ biến như: Gửi nắng cho em (phổ thơ Bùi Văn Dung), Con kênh ta đào, Thành phố mười mùa hoa (1985, thơ Lệ Bình,...). Ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do được ông sáng tác ngay trong đêm của ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, có ý nghĩa rất lớn, động viên tinh thần của quân và dân ta chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông còn sáng tác nhiều bài hát cho thiếu nhi đã trở thành bài truyền thống qua nhiều thế hệ như: Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Hành khúc Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hát dưới cờ Hà Nội, Trường chúng cháu đây là Trường Mầm non, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Đêm pháo hoa, Chú voi con ở Bản Đôn, Cô và mẹ,...

Đặc biệt những bài hát ca ngợi Đảng của Phạm Tuyên cũng rất hay, dễ đi vào lòng người chẳng hạn như Đảng đã cho ta một mùa xuân, Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng (thơ: Louis Aragon), Màu cờ tôi yêu (phổ thơ Diệp Minh Tuyền) vừa hay về nội dung và phần nhạc cũng đi vào lòng người, và có ý nghĩa tuyên truyền sâu sắc.

Phạm Tuyên suốt đời dành tâm sức cho nền âm nhạc cách mạng và xa hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Những cống hiến của người nhạc sĩ đã bước vào tuổi 82 này hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh.

Dân Hùng
;
.
.
.
.
.