.

Ý kiến từ khán đài

.
Các phần việc tổng kết toàn bộ mùa giải bóng đá 2010-2011 được tiến hành tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
 
Mô tả ảnh.
Một trận đấu trong khuôn khổ V-League 2011 giữa Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội ACB. (Ảnh tư liệu)
 
Trước đó, một số động thái chuẩn bị cho hội nghị tổng kết, đánh giá V-League, Giải Hạng nhất và cuộc họp của Ban Chấp hành VFF cho thấy tính chất nghiêm trọng của các sự kiện này: Báo chí bị hạn chế tác nghiệp, các phóng viên chỉ được phép vào hội trường trong vòng 15 phút đầu của mỗi cuộc họp để… chụp ảnh, ghi hình, sau đó bị mời ra ngoài. Sự thận trọng của các nhà lãnh đạo VFF đối với các cơ quan công luận nhiều lần bị phàn nàn - có người nhận xét tác nghiệp ở các cuộc họp của VFF khó hơn tác nghiệp ở diễn đàn Quốc hội - vậy mà nào thấy dấu hiệu chuyển đổi nào ở cơ quan lãnh đạo cao nhất bóng đá Việt Nam. Các nhà lãnh đạo VFF không tin vào năng lực tác nghiệp và tính trung thực của các nhà báo hay họ lo sợ những tin tức thuộc dạng thâm cung bí sử liên quan đến việc điều hành quản lý bóng đá, những góp ý ngay thẳng bị tuồn ra ngoài?

Những người còn tâm huyết với tương lai bóng đá nước nhà nhìn về các cuộc họp này với ước muốn các vị có trách nhiệm lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam lần này biết nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn mổ xẻ các ung nhọt lưu cửu vốn cản trở và làm trì trệ sự phát triển của nền bóng đá. Họ cũng mong chờ, bằng thái độ cầu thị, các nhà quản lý ở mọi cấp độ sẽ tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm đưa nền bóng đá Việt Nam phát triển đúng hướng, trước hết là tổ chức điều hành một cách công bằng, trung thực, hợp xu hướng thời đại các giải bóng đá đỉnh cao trong nước, đừng để năm nào cũng xảy ra những sự cố dính dáng đến năng lực, phẩm chất của người điều hành. Rất nhiều kỳ vọng và gửi gắm hướng về các nhà lãnh đạo VFF nhân sự kiện tổng kết này.

Nhưng liệu những trông chờ gửi gắm đó có đến tai các nhà quản lý, có được họ lắng nghe với tất cả lương tâm trách nhiệm? Công chúng lo ngại rằng giống như mọi năm, hội nghị tổng kết mùa giải rồi cũng trôi tuột nhạt nhòa trong không khí dĩ hòa vi quý, trong cách đánh giá, nhận xét qua loa, chiếu lệ, cũng “thành công nhiều mặt tuy có vài khuyết điểm, sự cố ngoài ý muốn, ngoài tầm kiểm soát…”. Khó mà tìm được trong các hội nghị này những tiếng nói bộc trực đặt lợi ích tối thượng của bóng đá nước nhà lên trên lợi ích của cá nhân, đơn vị mình; khó mà trông chờ những phẩm cách coi trọng các giá trị nhân văn mà bóng đá hướng đến và sẵn sàng hy sinh chiếc ghế lầm bụi của riêng mình... Hội làng bóng đá thường niên rồi cũng kết thúc không kèn trống và trong nỗi buồn muôn thuở của những khán giả từng đội nắng dầm mưa dõi theo trái bóng, từng thao thức khôn nguôi với tương lai bóng đá nước nhà.

Không có chất thẳng thắn mạnh dạn từ các nhà quản lý, vậy thì hãy để tiếng nói dõng dạc ấy vang lên từ các khán đài! Thống kê của chính VFF cho thấy từ mùa bóng 2009 đến nay, lượng người đến sân xem V-League ngày càng giảm một cách tệ hại. Số liệu không vui này có làm các nhà quản lý nhức buốt, lo lắng? Không, đó chính là câu trả lời của khán giả trước các vấn nạn lưu cửu của bóng đá, trước năng lực và thái độ điều hành của chính VFF. Đó là ý kiến bộc trực, nghiêm khắc và quyết liệt nhất từ khán đài!

Đình Xê


;
.
.
.
.
.