.
Hồ sơ tên đường

Tiểu La người khai sáng Duy Tân hội

.
Tiểu La Nguyễn Thành là “ông tổ mở mối”, là người đặt ra “kế hoạch vĩ đại” cho đường lối cứu nước những năm đầu thế kỷ XX của Phan Bội Châu như chính cụ Phan đã thừa nhận.

Mô tả ảnh.
Đường Tiểu La, Đà Nẵng.
 
Tiểu La (1861 – 1911) tên thật là Nguyễn Thành, còn có tên là Nguyễn Hàm, tự là Triết Phu, hiệu là Nam Thạnh, sau đổi thành Tiểu La, quê làng Thạnh Mỹ, huyện Lễ Dương, nay là xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Xuất thân từ một gia đình Nho giáo, năm 1885, ông ra Huế thi Hương, nhưng do vụ binh biến kinh đô nên kỳ thi bị hủy. Về lại quê nhà, ông từ bỏ đèn sách, tham gia Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. 18 tuổi, với tư cách là ấm sinh, ông đứng ra chiêu mộ quân lính, hiệp cùng Nghĩa hội đánh thành tỉnh Quảng Nam.

Sau khi chiếm lại thành tỉnh Quảng Nam, thực dân Pháp đưa quân càn quét nhiều nơi. Ông cho quân mai phục, đánh thắng nhiều trận, uy tín được nâng cao. Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu giao cho ông chức Tán Tương quân vụ kiêm Thượng Biện tỉnh vụ. Khi Án Nại hy sinh tại mặt trận Phú Thượng (nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), ông được chỉ định thay thế. Ông đã chỉ huy nghĩa binh mở nhiều trận đột kích vào Đà Nẵng.

Khi các thủ lãnh Nghĩa hội hy sinh, ông bị bắt giam một thời gian. Khi được thả, ông về quê cày ruộng, ẩn giấu tông tích, chờ thời cơ mới.

Năm 1904, Phan Bội Châu đến tìm ông bàn việc thành lập một hội đảng bí mật cứu nước. Một hội nghị có đủ đại diện sĩ phu ba miền được tổ chức tại Nam Thạnh sơn trang quê ông nhằm hiện thực hóa đường lối cứu nước (do Phan Bội Châu đề xướng) qua việc thành lập Duy tân hội mà ông là một trong những người có công lớn trong việc sáng lập. Sau khi Phan Bội Châu sang Nhật, ông trở thành yếu nhân của phong trào Đông du, vừa làm đầu mối liên lạc trong và ngoài nước, vừa hoạt động kinh tài cho phong trào.

Năm 1908, phong trào Kháng thuế, giảm sưu nổ ra mạnh mẽ ở Quảng Nam, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp và truy bắt các sĩ phu yêu nước. Tiểu La Nguyễn Thành bị kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Ra đảo được mấy tháng thì ông được tin vợ và con gái qua đời. Rồi tin Chính phủ Nhật đã cấu kết với Pháp, trục xuất du học sinh Việt Nam và cả Phan Bội Châu ra khỏi Nhật Bản. Đau xót với tiền đồ đất nước, cộng thêm những mất mát của gia đình, ông bị thổ huyết, rồi mất tại đảo. Mãi đến năm 1957, thi thể ông mới được đưa về cải táng tại quê nhà.

Khi nghe tin Tiểu La Nguyễn Thành đã vĩnh viễn ra đi, Phan Bội Châu vô cùng đau xót, khóc đồng chí, đồng sự bằng những lời bi thống: “Hỡi ôi, Tiểu La anh ơi!... Lịch sử anh thế nào! Nhân cách anh thế nào! Những ai là người, có mắt, có tai, tất đều biết thảy”. Họ Phan tuyên bố với đồng chí và quốc dân “Tiểu La tiên sinh mất, Việt Nam mất một trang đại quốc sĩ” và xác nhận “Từ Duy tân hội đến phong trào Đông du, chính Tiểu La tiên sinh là Ông Tổ mở mối, vạch đường khai sinh ra tất cả”.

Huỳnh Thúc Kháng đánh giá tài lãnh đạo của Tiểu La trong câu đối viếng ông: “Mấy mươi năm giống trái vẫn còn, nào kinh tế gia, nào quân lữ gia, nào bí mật vận động gia. Trăm lần uốn chẳng cong, đời cựu, buổi tân vị trí nghiễm nhiên giành một chiếu”.

Tôn vinh Tiểu La Nguyễn Thành, năm 1956 Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường nằm bên cạnh Cổ viện Chàm (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng ngày nay). Thời Pháp thuộc, đường này có tên là Rue d’Abattoir (đường Lò Mổ, vì nơi đây trước kia có đặt một lò mổ thịt gia súc). Năm 1997, do việc mở rộng đường 2 tháng 9, đường Tiểu La cũ được nhập chung vào đường 2 tháng 9.

Đường Tiểu La mới ban đầu dài 150m, rộng 9m, nối từ đường Núi Thành qua đường Tống Phước Phổ ra đến đường 2 tháng 9, thuộc quận Hải Châu. Mới đây, đường Tiểu La được nối dài thêm 1.010m từ đường Núi Thành (Khu tập thể Hòa Cường) đến đường Nguyễn Hữu Thọ và mở rộng mặt đường lên 10,5m.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.