Phát biểu trên một tạp chí của Đức, họa sĩ nổi tiếng người Đức Anselm Kiefer cho biết ông muốn mua một nhà máy điện hạt nhân đóng cửa giữa lúc nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang lo ngại về sự an toàn sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản hồi đầu năm nay. “Nhà máy điện hạt nhân là rất tuyệt vời. Tôi bị cuốn hút bởi các nhà máy điện hạt nhân”, Kiefer nói trong một cuộc phỏng vấn được tạp chí Der Spiegel hàng tuần công bố hôm chủ nhật.
Kiefer, người có các tác phẩm nghệ thuật thường xoay quanh các chủ đề liên quan đến lịch sử nước Đức, mong muốn bảo tồn một phần của lịch sử nước này khi ông cho rằng nước Đức từ bỏ các nhà máy điện hạt nhân quá nhanh chóng và dễ dàng. Hiện ông đã đề nghị Giám đốc điều hành Juergen Grossman để ông có được ít nhất là tháp làm mát của nhà máy, nơi thanh nhiên liệu hạt nhân đã được gỡ bỏ cách đây chín năm. “Bây giờ tôi đang suy nghĩ về những gì để làm ở đó. Tôi chắc chắn rằng mình không muốn vẽ những con bò và những đám mây lên chúng”, ông nói. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của nhà máy điện hạt nhân RWE xác nhận, hiện chưa có quyết định nào được đưa ra về việc bán các bộ phận của nhà máy. Nhưng điều này cũng có thể xảy ra vào năm tới.
Các lò phản ứng hạt nhân bắt đầu ngừng hoạt động cách đây 9 năm đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với Kiefer, một nghệ sĩ đương đại nổi tiếng của Đức về việc sử dụng các vật liệu như rơm, tro, chì và đất sét ở trong tác phẩm của ông. Sau chuyến viếng thăm hiện trạng nhà máy với người đứng đầu công ty năng lượng RWE của Đức, người họa sĩ này cho biết ông đã được lưu ý để có được ít nhất là tháp làm mát. Giải thích về việc làm của mình, Kiefer nói rằng, dự án được thúc đẩy bởi mong muốn bảo tồn lịch sử nước Đức.
Nhà máy điện hạt nhân nằm bên bờ sông Rhine, cách Koblenz khoảng 10 km. Nó được hoàn thành vào năm 1986, nhưng chỉ hoạt động trong ba năm do gặp vấn đề về giấy phép xây dựng. Trong năm 1998, tòa án hành chính liên bang cho biết, nó sẽ không được phép hoạt động trở lại. Sau thảm họa tại nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản hồi đầu năm nay, Chính phủ Đức đã hoãn hơn 25% năng lực hạt nhân của nước này, bao gồm cả việc hoãn kế hoạch năng lượng nguyên tử vào năm 2022. Trong bối cảnh nước Đức không muốn sử dụng rộng rãi công nghệ hạt nhân, thì Kiefer cho rằng: “Mọi người dường như vẫn không có khả năng kiểm soát công nghệ. Nhưng đó là hình thức “lập dị nhất” của sản xuất năng lượng”. Và Kiefer nhận thấy nhà máy điện hạt nhân không còn hoạt động như là một bối cảnh tuyệt vời cho một nghệ thuật sắp đặt cảm xúc.
Gia Huy