.

Người vẽ chân dung cô du kích

.
Trong một đêm mưa tầm tã, tâm trí Nhạc sĩ Thanh Anh lấp lánh hình ảnh những cô du kích tuổi đôi mươi xông pha trong lửa đạn. Ông bật dậy, bên chiếc đèn dầu tự tạo, viết một mạch tràn đầy xúc cảm “Cô du kích Đà Nẵng”. Trời vừa  sáng thì bản nhạc cũng vừa hoàn tất.

 Vẻ đẹp tuổi đôi mươi

Mô tả ảnh.
Nhạc sĩ Thanh Anh tại nhà riêng.
Trước khi là một nghệ sĩ, ông đã là người lính, nếm trải biết bao hiểm nguy dưới làn mưa bom, bão đạn. Cũng chính cái chất “lính” ấy đã ngấm sâu vào máu thịt ông, vào âm nhạc của ông, vào cuộc đời ông làm nên một Thanh Anh riêng biệt.

Tạm biệt quê hương, xung phong lên đường tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi, chiến trường đã rèn luyện cho Thanh Anh  bản lĩnh, ý chí và lòng dũng cảm. Chính từ nơi khói lửa ấy, tài năng nghệ thuật của Thanh Anh bắt đầu hé lộ. Năm 1956, ông làm công tác nghệ thuật ở Đoàn Văn công bộ đội Khu 5 và đến đầu năm 1961, ông được điều vào chiến trường B1 (Khu 5) làm Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng miền Trung Trung bộ.

Ông đã viết và viết với niềm say mê vô tận. Chất liệu sinh động từ cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với bao nước mắt, nụ cười và máu… đã thấm vào từng lời ca của Thanh Anh. Một loạt bài hát đã ra đời như: Du kích nhân dân, Tiếng hát ban mai, Cô du kích Đà Nẵng, Tải đạn ra chiến trường, Anh đi hơn con chim bay, Theo tiếng cồng ngân xa em hát… được bộ đội và nhân dân từ chiến khu cũng như vùng giải phóng hào hứng đón nhận. Nhiều tác phẩm được phát trên làn sóng của Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam... và theo suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Riêng Cô du kích Đà Nẵng, trong những buổi sinh hoạt hằng đêm, tại các chiến hào, cứ truyền từ người này sang người kia và lấp lánh cho đến tận bây giờ.

Ít ai biết rằng, người nhạc sĩ này từng lớn lên trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ đều làm nghề biển, lại đông anh em. Những câu hò mái dừa, hát than, hô bài chòi… của miền đất Phù Cát, Bình Định đã ngấm vào tâm hồn của Thanh Anh từ thuở bé. Không biết đã bao lần, Thanh Anh đã lén cha mẹ đi nghe hát bài chòi, hát bội, say sưa bên các chị, các mẹ với những điệu lý, điệu hò. Vì thế, nhiều người bảo, nghe âm nhạc của Thanh Anh, người ta như thấy vang vọng âm hưởng của làn điệu dân ca quê ông, đằm thắm và sâu nặng nghĩa tình.

Những tháng năm ở Tây Nguyên, đời sống âm nhạc đa dạng và phong phú của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng đã âm thầm thấm vào từng nốt nhạc của ông như các tác phẩm: Tiếng hát ban mai, Tiếng hát trên buôn làng, Tây Nguyên ơn Bác…

Với rất nhiều người, nhắc đến cái tên Thanh Anh dường như người ta nhớ ngay đến những câu hát được cất lên lanh lảnh, trong veo, giữa làn lửa đạn: Bạn gái bảo em, mi là dũng sĩ. Em chỉ cười chưa biết nói chi. Bạn gái hỏi em diệt bao nhiêu Mỹ, giữa Đà thành mà Mỹ-ngụy hoang mang...” (Cô du kích Đà Nẵng). Người ta mãi đi tìm, mãi đắn đo về nguyên mẫu của tác phẩm rồi bảo đó là cô du kích Lê Thị Hải Châu hay Lê Thị Tám… Nhưng nói như Thanh Anh, ông không lấy nguyên một nhân vật nào. Chân dung cô du kích được ông “vẽ” bằng lòng yêu quý, cảm phục với những cô du kích bé nhỏ, gan dạ thời ấy. Chỉ trong một đêm mưa tầm tã không ngủ được, trong đầu Thanh Anh lấp lánh hình ảnh những cô du kích tuổi mới đôi mươi đã xông pha trong lửa đạn. Vậy là ông liền bật dậy, sang kho gạo của đơn vị, trong tay là chiếc đèn dầu tự tạo, viết một mạch tràn đầy xúc cảm cho đến khi xong thì trời đã sáng. 

Cũng hình ảnh nữ chiến sĩ cách mạng nhưng cô giao liên đi tải đạn trong bài Tải đạn ra chiến trường của Thanh Anh lại có vẻ đẹp riêng. “…Chị em mình ơi nào ngại gian lao/Đường ta đi dù đạn bom chặn lối/Suối sông nhiều dốc đứng đèo cao/Chị em mình mang đạn nặng hai vai/Nặng sao hơn thù quân giặc Mỹ/Ơi anh giải phóng giết Mỹ nhiều hơn nữa/Chiến công rồi sẽ nở như hoa…”. Bài hát như một lời nghiêng mình kính phục những cô gái tuổi ngoài tròn trăng phải vượt qua đạn bom, suối sâu đèo cao tải đạn ra chiến trường. Sức mạnh ấy chỉ có thể dệt nên từ ý chí và lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Cái dáng hình người con gái cõng hàng ấy như tạc vào đá núi, để rồi từng con chữ cứ trào ra đầu ngòi bút làm nên một tác phẩm để đời. Bài hát không chỉ được người nghe đón nhận nồng nhiệt mà còn được dịch ra tiếng Hoa và phát nhiều lần trên đài Bắc Kinh.

Hầu hết những bài hát của Thanh Anh đều có âm điệu vui tươi, sôi nổi, như có “lửa”, hừng hực hơi thở chiến đấu thời bấy giờ.

 Dù phải viết nhanh, viết nhiều để phục vụ kháng chiến nhưng Thanh Anh chưa hề dễ dãi với chính mình. Ông cẩn trọng trong từng câu hát, điệu nhạc, lựa chọn lời ca. Nhiều bài ông giữ lại cho riêng mình khi thấy chưa ưng ý, chưa hài lòng và thói quen này theo ông đến bây giờ. Những lời ca của ông đã tiếp thêm sức mạnh trong những bước chân của đoàn quân ra trận, hay đọng lại trong phút suy tư của chàng lính trẻ nhớ về quê nhà nơi có người con gái đang
đợi chờ…

 Dù đã được biết đến với nhiều bài hát được công chúng yêu mến nhưng ông không tự bằng lòng với mình. Tiếp tục học và tốt nghiệp đại học khoa sáng tác ở Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội) năm 1972, ông lại về chèo lái Đoàn Ca múa Quân khu 5. Sau này, dưới sự dìu dắt của ông, Đoàn luôn đạt những thành tích cao ở các hội diễn và hội thi toàn quân: 5 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 3 giấy khen là dấu ấn tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980; 5/7 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 1 giải cho diễn viên trẻ diễn xuất tốt tại Hội thi ca múa nhạc dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc khu vực II tại TP. Hồ Chí Minh…

Gần 50 năm sáng tác âm nhạc-một chặng đường dài, Thanh Anh đã có hàng trăm tác phẩm được xuất bản do các nhà xuất bản Trung ương và địa phương in ấn phát hành, được phát trên sóng phát thanh các đài Giải phóng, Tiếng nói Việt Nam, Đà Nẵng, và được nhiều đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên chọn biểu diễn trên cả nước.

Giải thưởng của công chúng

Mô tả ảnh.
Nhạc sĩ Thanh Anh (ở giữa, hàng dưới) đang khai thác đề tài để sáng tác sau một trận đánh ở chiến trường Tây-Nam.
Đã lâu lắm rồi, người ta không còn thấy Thanh Anh đi về trong các cuộc vui. Ông lặng lẽ, giấu mình trong thơ, trong nhạc, trong căn nhà nhỏ là tổ ấm hạnh phúc với người vợ hiền dịu, thủy chung.

Nhưng trong ông luôn day dứt, bộn bề những trăn trở. Nhiều lúc ông như cảm thấy lạc lõng với thị trường âm nhạc hỗn tạp, với những bon chen và toan tính… Để rồi lại trở về với chính mình, với những vần thơ trong sáng, giản dị, với cái chất “lính” đậm sâu, vốn có, viết ra những bài hát dẫu có lúc chỉ để giữ lại cho mình.

Thời bình, ông viết vẫn đều tay, đề tài nghiêng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như các bài: Đà Nẵng thành phố tôi yêu (thơ Như Cảnh), Tiếng hát đôi bờ sông Hàn (lời Minh Châu) và những chùm ca khúc về các miền quê, về Đảng, Bác Hồ và cả về tình yêu lứa đôi... Thành phố “đầu biển cuối sông”, nơi ông dừng chân sau những tháng ngày rong ruổi khắp các chiến trường, dường như có sức cuốn hút mãnh liệt, ảnh hưởng nhiều đến sáng tác của ông giai đoạn sau này. Đặc biệt, ca khúc “Biển khơi lưới vây” của ông được biểu diễn và đạt huy chương trong Hội diễn Văn công chuyên nghiệp toàn quốc. Để ghi nhận những đóng góp của ông, Nhà nước đã phong tặng ông danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Một trong những người bạn của Thanh Anh, nhạc sĩ Trần Hồng. Họ gặp nhau ở Khu văn công Mai Dịch lần đầu tiên vào năm 1972. Sau đó, Trần Hồng vào Nam, Thanh Anh ở lại miền Bắc. Năm 1976, Trần Hồng về làm ở Đài Phát thanh QN-ĐN, Thanh Anh về lại Khu 5 làm Trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật ở Đoàn Ca múa Quân khu 5. Cuộc hội ngộ giữa hai người bạn đã trải qua chiến tranh, biết thế nào là ranh giới giữa sự sống và cái chết mới thật cảm động. “Anh ấy là một trong số những người rất ít mà tôi biết, không đua tranh, không đòi hỏi riêng cho mình. Những bài hát của anh ấy được biểu diễn nhiều nơi nhưng ai có thù lao thì anh ấy vui, còn không thì cũng… cười”, nhạc sĩ Trần Hồng nói.

28 năm làm Trưởng đoàn Ca múa Quân khu 5, không phải không có những lúc sóng gió. Nhưng Thanh Anh vẫn giữ cho mình cái bản lĩnh của một người lính, của người đã biết thế nào là sống chết, chèo lái cả tập thể đứng vững. Ông luôn giữ phẩm chất của một người lính, giản dị, biết bằng lòng với những gì mình có, biết cống hiến mà không nhiều đòi hỏi. Giữ cho mình được cái lẽ sống ấy trong xã hội ngày nay thật quý lắm thay.
Ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng của Đại tá - NSƯT Thanh Anh (tên thật là Bùi Anh Phò), thật giản dị với cách bài trí gọn nhẹ, tinh tế.
 
Ông gần gũi, chân tình, hiền lành và vui vẻ như bản tính vốn vậy. Người ta yêu mến, và nhớ ngay tới ông khi một giọng ca bất chợt vọng ra từ chiếc radio nhỏ xíu Bạn gái bảo em, mi là dũng sĩ. Em chỉ cười chưa biết nói chi… Thanh Anh bảo, vui nhất là thấy mấy cụ già sáng sáng đi tập dưỡng sinh, đồng thanh hát bài “Cô du kích Đà Nẵng”. Tôi biết, đó là giải thưởng lớn nhất của ông, hơn bất cứ một giải thưởng nào khác. Và ngày ngày, ở căn gác nhỏ của mình, ông vẫn lặng lẽ đi-về, lặng lẽ sáng tác.

Phương Trà
;
.
.
.
.
.