.

Trại sáng tác âm nhạc Đà Nẵng năm 2011: Thêm ca khúc mới

.

16 tác phẩm trong tổng số 90 tác phẩm tham dự Trại sáng tác âm nhạc Đà Nẵng năm 2011 đã được báo cáo biểu diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Sau trại sáng tác, các tác phẩm sẽ được in thành một tuyển tập đầy đủ nhằm bổ sung tác phẩm mới cho phong trào ca hát của địa phương.

Các tiết mục tại buổi báo cáo biểu diễn Trại sáng tác âm nhạc TP. Đà Nẵng năm 2011.
Các tiết mục tại buổi báo cáo biểu diễn Trại sáng tác âm nhạc TP. Đà Nẵng năm 2011.

Theo nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng, hầu hết các sáng tác phản ánh những thành tựu tốt đẹp và sự phát triển mọi mặt của Đà Nẵng trong thời gian qua, góp phần đáp ứng yêu cầu hưởng thụ âm nhạc của nhân dân, tăng cường, bổ sung nguồn tác phẩm mới cho phong trào ca hát, thông qua loại hình âm nhạc để quảng bá hình ảnh Đà Nẵng trong đời sống công chúng.

Ngay từ đầu, Ban tổ chức cũng khẳng định, số ca khúc được giới thiệu trong đêm công diễn không hẳn là những tác phẩm xuất sắc nhất, mà chủ yếu là nhằm sắp xếp các thể loại trình diễn âm nhạc sao cho phong phú, tạo sức thu hút  khán giả. Dù vậy, nếu theo dõi xuyên suốt, người nghe cũng dễ dàng nhận ra:

Đại diện cho thế hệ cácnhạc sĩ lão thành tên tuổi có thể nhắc đến như: nhạc sĩ  Phan Huỳnh Điểu với ca khúc Hát về thành phố quê hương (ca sĩ Minh Hùng trình bày). Đến tận hôm nay, sáng tác mới của người nhạc sĩ tài hoa gắn liền tên tuổi với đất Quảng vẫn thể hiện những giai điệu hết sức mượt mà, lời ca đơn giản nhưng dễ dàng thấm sâu vào lòng người… Nhạc sĩ Phan Ngọc với trích đoạn Tình yêu Hoàng Sa (Duy Hưng trình bày) thể hiện sức sáng tạo bền bỉ, không mệt mỏi bởi tình yêu quê hương thathiết.

Nhạc sĩ Trương Duy Huyến với ca khúc Non Nước vào thu một lần nữa khẳng định sở trường của anh về âm nhạc dành cho các thiếu nhi với giai điệu vui tươi, nhí nhảnh, lời ca trong sáng, đặc biệt là bởi sự hỗ trợ của đội múa Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng, tạo cho tiết mục trở nên sinh động, thu hút.

Với những tác giả trẻ, có những nỗ lực đáng ghi nhận đó là những ca khúc: Đà Nẵng bên em của Thái Phú (Mỹ Phượng trình bày), Bên tượng đài người mẹ của Nguyễn Thanh Trường (Quốc Việt trình bày), Thành phố bên bờ biển xanh (song ca Nguyễn Đức và Mỹ Phương)... góp phần tạo nên sắc thái phong phú trong hoạt động sáng tác âm nhạc Đà Nẵng hiện nay.

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng với ca khúc Đà Nẵng xưa và nay (tác giả trình bày) là một bước sáng tạo khá mạnh dạn. Ca khúc phác họa nên bức tranh của Đà Nẵng qua suốt quá trình chiều dài lịch sử, từ những tháng năm loạn lạc cho đến thành phố đầy sức sống hôm nay.

Các nhạc sĩ vốn có nhiều ca khúc thành công với  đề tài quê hương Đà Nẵng như Thái Nghĩa, Trần  Ái Nghĩa, Nguyễn Duy Khoái, Minh Đức, Đình Thậm, Mạnh Hùng, Trịnh Tuấn Khanh… lần này cũng công bố với công chúng những tác phẩm mới đầu tư công phu. Đặc biệt, trong đó nhiều ca khúc được phổ từ một số bài thơ quen thuộc, nên nội dung dễ tạo cho người nghe cảm giác gần gũi.

Cần nhắc lại, trong nhiều năm qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều quan tâm, đầu tư mở các đợt vận động sáng tác âm nhạc với những giải thưởng cao để tìm ca khúc hay về Đà Nẵng. Chính vì vậy, Trại sáng tác âm nhạc năm nay, ngoài những nhạc sĩ địa phương, còn thu hút đông đảo nhạc sĩ các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... gửi tác phẩm hưởng ứng. Qua buổi báo cáo biểu diễn kết quả Trại sáng tác, các nhạc sĩ khách mời đến từ Trung ương như Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài... cũng đánh giá công tác tổ chức khá trang trọng, chu đáo.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào đó, buổi biểu diễn báo cáo lại quá thiếu vắng sự quan tâm theo dõi của khán giả tại địa phương. Điều này, một lần nữa lại dấy lên nỗi lo lắng: liệu trong số 90 ca khúc mới viết về Đà Nẵng, sẽ có được những ca khúc nào tìm được con đường đến và ở lại dài lâu trong trái tim công chúng?

TRẦN TRUNG SÁNG

 

;
.
.
.
.
.