Trung Quốc vốn là nơi có truyền thống sử học lâu đời, các biên chép về lịch sử, địa dư luôn liên tục, trong các bộ chính sử, các mục Địa lý chí thường dành để xác định chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, trong Nhị thập tứ sử (bộ chính sử được tất cả các triều đại Trung Quốc thừa nhận) ở các mục Địa lý chí đều không đề cập các hòn đảo ở xa hơn đất Nhai Châu, Quỳnh Châu, tức Hải Nam ngày nay.
Một góc trung tâm tư liệu Hoàng Sa tại thành phố Đà Nẵng (Tiền Phong Online). |
Ngoài sách lịch sử, các sách địa lý (gồm tổng chí và phương chí) là loại sách lịch sử - địa lý quan trọng hàng đầu trong kho tàng văn hiến Trung Hoa. Các Tổng chí “Nguyên Hòa quận huyện đồ chí” đời Đường Hiến Tông, đến tổng chí “Nguyên Phong cửu vực chí” đời Tống,“Đại Minh nhất thống chí” đời Minh đều cho thấy cực nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến hết phủ Quỳnh Châu, tổng chí đời Thanh chép về cương giới phía nam cũng chỉ đến Châu Nhai, thuộc phủ Quỳnh Châu.
Thông chí liên quan trực tiếp đến vùng biển phía nam Trung Hoa là các bộ thông chí tỉnh Quảng Đông, như “Quảng Đông thông chí”, “Quảng Đông toàn tỉnh tổng đồ” cho thấy về cương vực, tức phạm vi quản lý hành chính của chính quyền cấp tỉnh, dừng ở phủ Quỳnh Châu.
Trong địa phương chí cấp cơ sở liên quan trực tiếp đến vùng biển nam Trung Hoa là các phủ chí Quỳnh Châu, theo bộ “Quỳnh Châu phủ chí, mục Cương vực chép: “Quỳnh Châu là nơi giữa biển, nam là Chiêm Thành; tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông là Thiên lý trường sa, Vạn lý thạch đường; bắc tiếp giáp huyện Từ Văn, phủ Lôi Châu”. Điều này cho thấy chính quyền nhà Thanh tuy biết Thiên lý trường sa, Vạn lý thạch đường, nhưng những nơi đó không thuộc sự quản lý hành chính của chính quyền đương thời.
Qua thế kỷ XX, sự kiện này còn được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư xuất bản năm 1906 với đoạn như sau: “Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngang Thanh Hóa) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An - Hà Tĩnh). Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (Cam Ranh - Cà Mau).
Như vậy, qua các tài liệu lịch sử cổ của Trung Hoa rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hòa bình và liên tục không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào kể cả của Trung Quốc. Điều đó được minh chứng từ tư liệu chính sử của nhiều triều đại Trung Quốc trong đó đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hơn 22 thế kỷ từ thời Tần, Hán cho đến đầu thế kỷ XX.
Chính vì vậy, một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn “Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao - Min trong bài “Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” nhận định như sau: “Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Theo các tài liệu lịch sử chính thống “thảng hoặc triều đình Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ III và thứ II (tr.CN) và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ XV. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Hoa” suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ III tr. CN đến nhà Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX).
Hoàng Sa và Trường Sa chưa từng xuất hiện trong lịch sử địa đồ hành chính Trung Quốc.
Theo tác giả Phạm Hoàng Quân, chuyên gia nghiên cứu về cổ sử và cổ địa dư, là một người nghiên cứu am hiểu về Trung Quốc thì, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa từng xuất hiện trong lịch sử địa đồ hành chính Trung Quốc.
Địa đồ được xem là thể hiện cương vực quốc gia hoàn chỉnh sớm nhất xuất hiện vào năm 1121 (đời Tống), là bức Cửu vực thú lệnh đồ được khắc trên đá, phát hiện năm 1960 tại huyện Vinh (tỉnh Tứ Xuyên). Giới hạn cương vực nhà Tống trong Cửu vực thú lệnh đồ về phía nam đến Quỳnh Châu (Hải Nam).
Hai bức địa đồ Vũ tích đồ và Hoa Di đồ cùng khắc trên một bia đá, niên đại 1136 và được in trong sách Lịch sử khoa học kỹ thuật Trung Quốc (quyển 3) của J. Needham năm 1959. Các địa đồ sau này trải qua các đời Nguyên, Minh như: Thiên hạ thống nhất chi đồ trong Đại Minh nhất thống chí (1461); Quảng dư đồ của La Hồng Tiên, hoàn thành năm 1541, khắc in năm 1555; Hoàng triều chức phương địa đồ khắc in năm Sùng Trinh thứ 9 (1636); Dư địa đồ của Dương Tử Khí khắc in năm 1526... là những địa đồ hành chính toàn quốc, được thực hiện theo chủ trương của chính quyền trung ương các đời, thì điểm cực nam của Trung Quốc trong cương vực tổng thể vẫn không quá đảo Quỳnh Châu (Hải Nam).
Dưới triều nhà Thanh, theo bản đồ Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ do triều đình ấn hành năm 1894, thì đến cuối thế kỷ XIX, “lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Bản đồ Đại Thanh đế quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Gần đây, tác giả Vũ Quang Việt, một nhà nghiên cứu có uy tín, công bố tên trang mạng bộ Ðại Thanh nhất thống toàn đồ sưu tập được từ Thư viện quốc gia Australia. Đây là tập bản đồ thể hiện đầy đủ nhất toàn cảnh và các địa phương của Trung Quốc thời cận đại. Toàn đồ gồm 21 phần, trong đó có 4 phần là Bản đồ toàn thể nước Ðại Thanh; Bản đồ mặt chính và mặt sau của quả Ðịa Cầu và Bản đồ kinh sư phồn thịnh; còn lại 17 phần thể hiện bản đồ của 17 địa phương gồm các tỉnh Trực Lệ, Sơn Tây, Sơn Ðông, Giang Nam, Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Ðông, Quảng Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Thiểm Tây, Cam Túc.
Đây là bản đồ tổng quát nước Trung Hoa thời nhà Thanh, tính từ Bắc chí Nam, ngoài biển có các đảo như sau: Phượng Mã đảo (phía nam nước Triều Tiên); Ðại Lưu Cầu, Tiểu Lưu Cầu (phía đông tỉnh Chiết Giang); Ðài Loan (phía đông tỉnh Phúc Kiến);Quỳnh Châu, Nhai Châu (tức phủ Quỳnh Châu và Châu Nhai thuộc đảo Hải Nam, nằm phía nam lục địa tỉnh Quảng Ðông).
Trong bản đồ tỉnh Quảng Ðông (Quảng Ðông toàn đồ), thể hiện phần tiếp giáp phía nam lục địa Quảng Ðông là đảo Hải Nam và vài đảo kế cận xung quanh, ngoài ra phía nam Hải Nam không còn đảo nào khác. Hầu hết địa danh nêu trên bản đồ đều được đề cập trong Thanh sử cảo là bộ chính sử Trung Quốc, do Quốc Sử quán nước này bắt đầu soạn từ thời Dân Quốc năm 1914, trải qua 10 năm mới hoàn thành. So sánh những đoạn địa lý chí chép về đảo Hải Nam trong Thanh sử cảo cho thấy, tỉnh Quảng Ðông được chia thành 6 đạo, đảo Hải Nam nằm trong đạo Quỳnh Nhai, đạo này gồm phủ Quỳnh Châu và Châu Nhai. Trong mục địa lý chí chép rất tỉ mỉ về các phủ này về vị trí địa lý, các huyện trong phủ, địa lý và tiềm năng kinh tế của các huyện. Tuy nhiên, không hề thể hiện trên bản đồ và tất nhiên không có lời nào, dòng nào mô tả về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, còn một số địa đồ hành chính và quân sự tiêu biểu trong tập Quảng Châu lịch sử địa đồ tinh túy, xuất bản năm 2003, do Phòng lưu trữ hồ sơ lịch sử số 1 thuộc Tổng cục Lưu trữ trung ương Trung Quốc phối hợp Cục Lưu trữ thành phố Quảng Châu công bố. Toàn tập tuyển chọn 97 bức, gồm địa đồ thế giới, địa đồ hành chính toàn Trung Quốc, địa đồ hành chính tỉnh Quảng Đông, thành phố Quảng Châu và các phủ, huyện… Trong các địa đồ thể hiện cương giới biển, địa đồ quân sự cho thấy cương giới phía nam Trung Quốc, cương giới tỉnh Quảng Đông chỉ đến hết phủ Quỳnh Châu (Hải Nam), vùng biển nam Trung Quốc không vượt quá 18 độ vĩ Bắc và không nhóm đảo hoặc hòn đảo nào ứng với Tây Sa và Nam Sa.
Như vậy, rà soát trong những bức địa đồ Trung Quốc từ thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh thể hiện cương vực Trung Quốc xưa, đặc biệt các địa đồ Ðại Thanh nhất thống toàn đồ và Quảng Ðông toàn đồ thì không tìm thấy các địa danh gọi là Tây Sa và Nam Sa.
*
Những sử liệu Trung Quốc được dẫn chứng đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc. Cùng với những tư liệu Việt Nam từ các bộ sử chính thống do Quốc sử quán nhận chỉ dụ từ triều đình tổ chức biên soạn, như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục...; các địa đồ chính thống Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư thời Hồng Đức, Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ khoảng năm 1834 (thời Minh Mệnh) cùng các tư liệu phương Tây, các sử liệu Trung Quốc được dẫn chứng đã khẳng định một cách khách quan chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng và không thể chối cãi được.
Trương Minh Dục