.

Tôn vinh danh nhân, bảo vệ di tích

.

Huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) hiện có 47 di tích được Nhà nước xếp hạng (4 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh); trong 9 di tích là lăng mộ danh nhân có Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp.
 

Chí sĩ Trần Quý Cáp là một trong 20 nhân vật lịch sử người Điện Bàn được mô tả trong bộ sách này.                                       Ảnh: V.T.L
Chí sĩ Trần Quý Cáp là một trong 20 nhân vật lịch sử người Điện Bàn được mô tả trong bộ sách này. Ảnh: V.T.L

Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia được công nhận vào năm 2000, tọa lạc ở nghĩa trang Gò Bướm, làng Bất Nhị, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn. Theo cứ liệu lịch sử và ghi nhận của gia đình, gia tộc, di cốt Chí sĩ Trần Quý Cáp được môn đệ của ông là Trần Huỳnh Sách cùng thân nhân đưa về từ Khánh Hòa và cải táng tại quê nhà vào năm 1925. Đến năm 1938, nhân dân trong tỉnh Quảng Nam và huyện Điện Bàn đã quyên góp xây dựng lại lăng mộ khá khang trang, ủy thác cụ Huỳnh Thúc Kháng viết văn bia mộ, nhà yêu nước Phan Bội Châu viết lời “Minh”. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mặc dù chiến tranh tàn phá gây hư hỏng nặng nề, nhưng con cháu cùng gia tộc vẫn chăm lo gìn giữ lăng mộ. Năm 1994, Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp được huyện Điện Bàn và gia đình, gia tộc Trần Văn làng Bất Nhị xây dựng lại theo kiến trúc lăng mộ cũ ở Khánh Hòa.

Công tác bảo vệ, chăm sóc Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp được giao cho chính quyền địa phương phối hợp với gia đình gia tộc, trường học, các đoàn thể, hội, ban ngành ở địa phương. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức của người dân đối với công tác bảo quản và phát huy giá trị Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp nói riêng, các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện nói chung đều được đưa vào các Quy ước Xây dựng thôn văn hóa ở Điện Bàn với chương mục quy định cụ thể những việc cần và không nên làm.

Quy ước Xây dựng thôn văn hóa tuy là văn bản dưới luật, nhưng đây là cam kết chung được toàn thể nhân dân trong thôn thống nhất cao và quyết tâm thực hiện. Phong trào này đã tồn tại ở Điện Bàn hơn 15 năm qua và đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Riêng trong công tác bảo quản, tôn tạo di tích, chăm sóc các lăng mộ đã đạt được những thành công đáng kể.

Công tác sưu tầm, lưu giữ và tổ chức xuất bản các ấn phẩm về quê hương Điện Bàn cũng được chú trọng. Huyện Điện Bàn có một thư viện với hơn 16.000 bản sách, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và đọc sách của nhân dân. Ngoài việc sưu tầm các tài liệu, ấn phẩm về danh nhân Điện Bàn, huyện còn tổ chức xuất bản những đầu sách về danh nhân, trong đó có Chí sĩ Trần Quý Cáp.

Cũng trong đầu năm 2012, huyện Điện Bàn cũng hoàn thành việc đặt tên đường ở khu vực thị trấn Vĩnh Điện. Tuyến đường 609 bắt đầu từ phía Bắc cầu Vĩnh Điện hướng về xã Điện Phước được vinh dự mang tên Chí sĩ Trần Quý Cáp.

Công tác tôn vinh giá trị danh nhân còn được huyện Điện Bàn chú trọng thông qua các lễ Kỷ niệm ngày sinh, ngày mất các danh nhân. Năm 2005, huyện đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chí sĩ Trần Quý Cáp và 100 năm phong trào Duy Tân. Đây là một trong những hoạt động thường niên của huyện theo năm sinh, năm mất của các danh nhân, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, học sinh và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Nhằm phát huy truyền thống quê hương, trong quy hoạch của xã Điện Phước rất chú trọng đến các công trình văn hóa, các di tích lịch sử. UBND xã đã dành một diện tích lớn khu vực sát đường 609, gần cầu Bình Long để quy hoạch xây dựng khu lưu niệm các danh nhân của xã.

Ngày 27-10-2011, UBND tỉnh Quảng Nam có thông báo thống nhất chủ trương xây dựng Nhà lưu niệm Chí sĩ Trần Quý Cáp tại khu quy hoạch của xã theo phương châm xã hội hóa. Theo đó, UBND huyện Điện Bàn đã thành lập Ban vận động xây dựng Khu lưu niệm Chí sĩ Trần Quý Cáp gồm 18 đồng chí lãnh đạo UBND, các ngành hữu quan của huyện và đại diện các cơ quan, đơn vị, các cá nhân có tâm huyết với công tác tôn vinh giá trị danh nhân Chí sĩ Trần Quý Cáp. Thiết kế khu lưu niệm cũng được đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thành và đang trong giai đoạn thẩm định.

Ngày 26-4-2012, ông Trần Quý Hiệp, cháu nội nhà chí sĩ, đã có đơn xin dời lăng mộ ông nội mình tại khu nghĩa trang Gò Bướm vào khu vực khu lưu niệm. Lãnh đạo huyện Điện Bàn và các ngành chuyên môn đã có cuộc họp với gia đình, thống nhất các ý kiến và lập hồ sơ đề nghị về tỉnh, về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho chủ trương di dời Lăng mộ vì đây là di tích cấp Quốc gia.

Việc di dời Lăng mộ và xây dựng Khu lưu niệm Chí sĩ Trần Quý Cáp ngay trên chính quê hương xã Điện Phước là một ước nguyện, một chủ trương tích cực để tôn vinh và phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp của cha ông trong công cuộc xây dựng Điện Bàn hôm nay.

Thời gian đến, huyện sẽ có nhiều hoạt động tích cực hơn nữa trong công tác tôn vinh giá trị danh nhân và bảo quản Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp. Mục tiêu trước mắt là hoàn thành công tác di dời Lăng mộ và Khu lưu niệm Chí sĩ Trần Quý Cáp, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động tưởng niệm, tôn vinh và thuận lợi trong công tác thăm viếng của nhân dân trong cũng như ngoài huyện.

CAO THANH TẤN

;
.
.
.
.
.