Ở thôn Trà Nam (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có một ngôi chùa cùng tên thôn mới được xây dựng khá khang trang. Khách hành hương khi bước vào chùa là ấn tượng ngay với chiếc chuông đồng nặng hơn nửa tạ. Nhưng, ít ai biết rằng, để có ngôi chùa này là nhờ lai lịch của một pho tượng Phật được thờ ở đây với câu chuyện dài đầy thú vị.
Chùa Trà Nam và tượng Phật với vết tích một phần cánh tay trái bị kẻ trộm đục đẽo. |
Từ tượng Phật dưới đất trồi lên…
Theo ông Khương Đình Huỳnh (Pháp danh Thị Bửu) thì pho tượng Phật này được các vị tiền hiền của làng khi vào đây khai khẩn đã phát hiện ngay trong địa phận của làng. Một đêm mưa dầm đã làm đất xói lở và phát lộ bức tượng bên cạnh một dòng sông, nay dòng sông này đã bị bồi lấp, để lại dấu tích là những bàu và ao trũng. Tuy nhiên, nhân dân trong làng không biết chính xác pho tượng này ra đời khi nào.
Tương truyền, người Chăm đã đúc vài chục pho tượng như vậy và được phân bố khắp nơi trong vùng để thờ ở những vị trí được họ cho là có phong thủy tốt (người Chăm rất chú ý đến phép quy thủy, có khả năng ngó thấy mạch ngầm trong lòng đất và thường chọn một vị trí tốt luôn có liên hệ với dòng sông).
Với lòng mến mộ đạo Phật sẵn có của mình, nhân dân đã cất một ngôi chùa nhỏ bằng tranh tre nằm bên bờ sông Bàn Thạch, cạnh một cây duối già thuộc địa phận của làng. Pho tượng này được thờ và yên vị ở đây cho đến năm 1841, khi sông ăn sâu vào đất liền, thấy chùa có nguy cơ bị cuốn trôi nên dân làng đã dời chùa vào sâu cách bờ sông khoảng 500 mét. Đến năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, pho tượng được chuyển đến thờ ở vị trí hiện tại, nơi vừa xây ngôi chùa mới vào năm 2011.
… đến ngôi chùa mới xây
Khi đó, nơi thờ pho tượng chưa phải là chùa mà chỉ là một ngôi nhà đơn sơ với vài tấm tranh như một cái am nhỏ. Nhân dân trong làng và ở các làng xung quanh rất quý pho tượng vì cho rằng tượng được làm bằng đồng đen. Đạo chích hay tin liền tổ chức đánh cắp tượng và đem đục đẽo ở phần cánh tay, đến khi biết tượng không phải làm bằng đồng đen thì hoảng quá, lén đem chôn dưới đất ở ngoài cánh đồng.
Đầu những năm 60 thế kỷ trước, tình cờ trong một lần đi làm đồng, một người dân đã phát hiện pho tượng bị chôn vùi dưới khu đất hoa màu của mình và đem về thờ ở nhà. Sau đó, pho tượng được đưa về thờ tại am như trước. Khi Mỹ lập các “ấp chiến lược” thì pho tượng được trưởng đồn của chế độ cũ ở Hà Lăng đem về thờ tại nơi ở của mình trong đồn (người dân trong làng nói rằng ông này rất sùng đạo Phật).
Khi chế độ cũ thành lập khu dồn Xuyên Long ở phía đông thôn Trà Nam thì người dân yêu cầu chính quyền phải chuyển pho tượng đến khu dồn và thờ ở đó để bà con có nơi chiêm ngưỡng, lễ bái. Tượng được chuyển về, bà con góp công sức và của cải để lập một chùa nhỏ mái lợp tôn, tường xây ất-lô.
Qua bao thăng trầm, pho tượng Phật được xem là một báu vật gắn bó với làng Trà Nam. Vì cho là tượng quá linh thiêng nên nhân dân Trà Nam ở cánh trên đã yêu cầu phải chuyển pho tượng đến vị trí được thờ trước khi bị đánh cắp, tức là nơi am nhỏ gần bên bờ sông cổ của làng.
Khi Mỹ thực hiện chiến tranh cục bộ rồi Việt Nam hóa chiến tranh, làng Trà Nam trở thành một nơi có nhiều cán bộ cách mạng đến hoạt động, thường xuyên liên lạc với cơ sở chùa Kim Bửu ở Cẩm Kim (Hội An), nơi có các lãnh đạo tỉnh đến trú ẩn, chỉ đạo đấu tranh ở nội thị Hội An cũng như cánh đông của Duy Xuyên. Phần rỗng bên trong tượng đã trở thành nơi cất giấu tài liệu bí mật và an toàn nhất trong suốt một thời gian dài vì không ai để ý đến.
Sau khi đất nước thống nhất, pho tượng Phật vẫn được thờ trong ngôi chùa đơn sơ như trước. Thậm chí, có lúc mái chùa bằng tranh hay tôn bị bay sau trận bão thì tượng chỉ được đội một cái nón cời trên đầu. Nhân dân trong làng vẫn thắp hương vào những ngày mồng một, ngày rằm; chùa trở thành nơi linh thiêng của làng, ai có điều gì muốn cầu xin thì đến thắp hương viếng Phật.
Pho tượng đã trở thành chỗ dựa tâm linh của bà con theo Phật giáo nơi đây cũng như những người xa quê, họ xem đó như một vị Bồ tát chịu bao khổ đau, thăng trầm. Thế rồi, không cam lòng nhìn tượng Phật phải dãi dầu mưa nắng, thiện nam tín nữ khắp nơi cùng với các phật tử trong làng đã góp công, góp của xây ngôi chùa mới ngay trên nền cũ.
Đến nay, nhân dân Trà Nam vẫn truyền nhau câu: Đêm nằm nghe trống Trà Sơn/ Chuông ngân Trà Kiệu, Phật đồng Trà Nam. Và hơn hết, mọi người đã yên lòng vì pho tượng lắm nỗi thăng trầm đã có một nơi yên vị đàng hoàng với sự kính trọng, thờ phụng của bà con Phật tử gần xa.
VÕ HÀ