.

Ký ức vỉa hè

.

Có những đường phố đi vào trong ký ức của con người không phải bằng cảnh tấp nập ngựa xe trên lòng đường mà có khi chỉ đơn thuần là những vỉa hè, lề đường đầy kỷ niệm.

Vỉa hè phía Đông đường Bạch Đằng rộng nhất Đà Nẵng hiện nay.
Vỉa hè phía Đông đường Bạch Đằng rộng nhất Đà Nẵng hiện nay.

Những con đường đi ngược lẽ thường

Chúng tôi đang ngồi điểm tin trên mấy tờ báo thì anh chàng được đồng nghiệp mệnh danh là “người của đường phố” vù tới như cơn gió: Các cậu có biết Đà Nẵng mình có đường nào không có vỉa hè không? Anh ta dựng xe cái rẹt trên lề đường lát gạch con sâu đã trồi sụt một vài chỗ, chưa kịp ngồi xuống ghế đã tiếp luôn: Nên nhớ là đường phố đã được đặt tên đàng hoàng đó nghe.

Cả đám ngẩn tò te trước “câu đố” của anh chàng suốt ngày lông bông ngoài phố này. Mãi sau mới có một anh lên tiếng: Trên cả nước chứ riêng gì Đà Nẵng, đâu đâu cũng có rất nhiều đường không có vỉa hè. Để xe, đặt biển quảng cáo, làm các loại dịch vụ... người đi bộ bị “đuổi” xuống lòng đường thì đúng là đường không có vỉa hè chứ còn gì nữa?!

“Người đường phố” lắc đầu: Đây nói hoàn toàn nghĩa đen chứ không “chơi chữ” như thế đâu. Ngừng một lát, thấy ai nấy ra chiều “bó tay”, anh tiếp luôn: Tôi vừa chạy qua đường Thủ Khoa Huân bên phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, cậu nào không tin thì cứ qua mà xem, ở đó không có được một tấc vỉa hè!

Quái?! Lâu nay theo tôi hiểu thì đường đô thị khác với kiệt hẻm là: Đường thì có vỉa hè, lề đường, mà kiệt hẻm thì không. Để kiểm tra lại kiến thức của mình, lục tung Internet thì ra cái đoạn này, trích từ Quyết định số 22/2007/QĐ- BXD ngày 30-5-2007 của Bộ Xây dựng Về việc ban hành TCXDVN 104:2007 “Đường đô thị – Yêu cầu thiết kế”:

“Mặt cắt ngang đường đô thị gồm nhiều bộ phận cấu thành: phần xe chạy, hè đường, lề đường, phần phân cách (phần phân cách giữa, phần phân cách ngoài), phần trồng cây, các làn xe phụ... Tùy theo loại đường phố và nhu cầu cấu tạo từng vị trí mà có thể có đầy đủ hoặc không có đầy đủ các bộ phận này, tuy nhiên bộ phận không thể thiếu được trên mặt cắt ngang đường đô thị là phần xe chạy và lề đường (NV nhấn mạnh)”.

Vẫn chưa tin đường Thủ Khoa Huân không có lề đường. Chạy xe qua xem thì đúng là con đường cắt ngang đường Lê Hữu Trác này không có lấy một tấc lề đường. Phía dãy số chẵn đường Lê Hữu Trác có cả thảy 10 kiệt cắt ngang với bề rộng xấp xỉ nhau. Trong khi các kiệt khác được đặt tên là K02, K34, K38…, thì bên cạnh số nhà 108 không phải là K108 mà lại là... đường Thủ Khoa Huân!

Hỏi người dân địa phương thì được biết đường Nguyễn Văn Thoại gần đó, bên cạnh số nhà 88 cũng có con đường trần trụi không lề được đặt tên là đường Trần Khánh Dư.

Một nhà phong thủy bình luận rằng, Thủ Khoa Huân, Trần Khánh Dư là hai trong những tên đường “đẹp” với ý nghĩa thăng tiến về chuyện học hành, dư dả về việc làm ăn. Nhưng tiếc cái là đường mà không có vỉa hè thì nó cũng sẽ thiêu thiếu cái gì đó, xét về mặt phong thủy…

Có những đường phố đi vào trong ký ức của con người không phải bằng cảnh tấp nập ngựa xe trên lòng đường mà có khi chỉ đơn thuần là những vỉa hè, lề đường đầy kỷ niệm. Và, có khi cái thiếu vỉa hè như thế cũng gây ấn tượng mạnh để con người mãi nhớ về con đường chăng?

Yêu ai yêu cả... vỉa hè

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng Trần Ngọc Huân, đường có nhà hai bên (đường đô thị) thì vỉa hè cũng là lề đường, nhưng đường không có nhà thì chỉ có lề đường. Có khi lề đường rộng hay hẹp tùy vào... lòng người - ông Huân nửa đùa nửa thật. Do lịch sử để lại, nhiều đường phố ở Đà Nẵng có lề đường rất hẹp; khi mở rộng, nâng cấp đường theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì đúng là lề đường rộng bao nhiêu còn tùy vào lòng người.

Ông Huân đơn cử như đường Phan Thanh, nơi “nổ phát súng” đầu tiên về mở rộng đường theo phương thức này ở Đà Nẵng. Ban đầu dự tính mở rộng lề đường ra 3m, nhưng đến giờ chót chỉ mở được 2m, chỉ đơn giản vì tấc đất tấc vàng!

Nếu nói hai đường Thủ Khoa Huân, Trần Khánh Dư có vỉa hè hẹp nhất Đà Nẵng (với 0 mét) thì vẫn không sai. Song, hai đường phố này đã “phạm quy” như đã nói trên, và theo ông Đinh Văn Tình, Phó Trưởng phòng Giám định và Quản lý chất lượng công trình (Sở GTVT), thì đường Phan Thanh là một trong những đường phố có vỉa hè hẹp nhất Đà Nẵng hiện nay.

Vỉa hè rộng nhất là đường Bạch Đằng, phía sát sông Hàn có nơi rộng đến 12m. Những cư dân Đà Nẵng xa quê, lâu ngày quay lại không khỏi “sửng sốt” khi thấy lề phía Đông đường Bạch Đằng được mở rộng hoành tráng đến vậy. Vỉa hè, ngoài địa chỉ “thường trú” cho hệ thống thoát nước, cấp điện, cây xanh...,  còn có chức năng chính là nơi dành cho người đi bộ. Song, với vỉa hè đường Bạch Đằng thì còn thêm địa điểm vui chơi, thư giãn cho người dân và du khách.

Đường Lê Thanh Nghị có vỉa hè phía Đông rộng nhất nhì Đà Nẵng với 10m, rộng như thế là vì phải nhường chỗ cho đường dây điện cao thế.  

Đôi khi hình dạng, chất liệu của gạch lát lề đường cũng làm cho ta nhớ mãi về con đường. Theo ông Tình, sau năm 1975, các lề đường ở Đà Nẵng được kết cấu bằng vữa xi-măng, rồi bằng gạch bê-tông kích cỡ 35x35x4cm. Mãi về sau, thấy loại gạch này không có chất lượng, cơ quan chức năng đã thay bằng gạch block (phần lớn có hình như con sâu, nên được gọi là gạch con sâu). Mới đây, một số đường phố ở Đà Nẵng như Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Phan Đình Phùng đã được lát vỉa hè bằng gạch Daramic 25x25x4cm – loại gạch được cho là số một hiện nay.

Đường phố, vỉa hè Đà Nẵng rồi sẽ tiếp tục được mở rộng, nâng cấp. Song, cái mà người ta nhớ vẫn là những gì thuộc về ký ức. Nhà thơ Phan Bân đất Ngũ Hành Sơn, khi viết về Đà Nẵng xưa trong bài “Đà Nẵng giao mùa”, không chỉ nhớ đến “những linh hồn tượng đá” trong Cổ Viện Chàm, “hàng sứ trắng bên thềm” của Thư viện xưa, hay ly chè Lưu Luyến ngọt lịm, cà-phê Trân lộng gió... mà còn nhớ “Con đường xưa - hằn dấu chân kỷ niệm/ Tôi và em, và của tuổi đang yêu”. Mỗi lần đi dọc đường Bạch Đằng, ngắm nhìn “Chiều Đà Nẵng – nước sông Hàn xanh lắm”, anh lại bâng khuâng “Vỉa hè nào còn in dấu chân em”.

Người ta bảo, “yêu ai yêu cả đường đi”. Nhưng với một số người như Phan Bân, yêu ai yêu cả... vỉa hè! Đó là những vỉa hè đã đi vào ký ức với biết bao kỷ niệm buồn vui một thuở với người mà mình yêu thương. Với họ, vỉa hè rộng hẹp không thành vấn đề, lát gạch gì không quan trọng, miễn là ở đó họ có một nơi chốn ngồi lại hoặc tản bộ và nói với nhau bất kể chuyện trên trời dưới đất, trước khi nói chuyện lứa đôi.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.