.

Những ngôi nhà xây mới

.

Đến thăm nhà đại đoàn kết, nghe chủ nhân kể chuyện đời mình, càng thấy rằng, “những viên gạch đầu tiên” của tổ chức Đoàn trong việc xây mới nhà thật ý nghĩa…

Gia đình chị Võ Thị Kim Thủy, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu trong ngày nhận nhà đại đoàn kết.
Gia đình chị Võ Thị Kim Thủy, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu trong ngày nhận nhà đại đoàn kết.

Niềm vui được “ra riêng”

Gần một tháng nay, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lễ (tổ 36, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) mới thoát khỏi cảnh “ăn nhờ, ở đậu”. Suốt 18 năm qua, “tổ ấm” của bốn thành viên trong gia đình là căn phòng rộng 10m2 mà người anh ruột cho mượn tạm. Căn phòng cũ, ẩm thấp, suốt ngày đỏ điện vì thiếu ánh sáng. Mùa nắng, nóng như chui vào lò than. Mùa mưa, nước thấm vào tường nhà loang lổ. Chỉ một trận mưa rào, nước đã mấp mé ngoài hiên. Sáng, chị quang gánh đi bán bánh bèo dạo, chồng cũng xuống đường với nghề bán trà lẻ. Cuộc sống vốn khó khăn càng khó khăn hơn khi chị mắc bệnh bướu cổ. Con trai Nguyễn Huy Phước bị hen suyễn bẩm sinh nên dù đã là cậu thanh niên 17 tuổi, Phước chỉ cao gần 1,4m, thân hình nhỏ như cậu học sinh cấp 2.

Trước khó khăn của gia đình, chồng chị đã bỏ theo người đàn bà khác. Vì thế, ngày chị Lễ cất nhà trên mảnh đất cha mẹ chồng cho, bà con hàng xóm ai cũng mừng cho người đàn bà phận bạc. Kẻ mang đến gói thuốc mời thợ. Người cho cân đường nấu chè đãi khách. Gia đình anh ruột cho chị ở nhờ bao nhiêu năm trả giúp tiền công thợ… Trước tình cảm của láng giềng, người thân, niềm vui của chị như được nhân đôi.

Hôm cầm trên tay số tiền 35 triệu đồng do Quận Đoàn Liên Chiểu hỗ trợ, chị Lễ không cầm được nước mắt. Chị tâm sự: “Nhờ sự giúp đỡ của Đoàn và vay mượn thêm bà con hàng xóm, mẹ con tôi mới có được ngôi nhà cho riêng mình. Dù có tần tảo cả đời, tôi cũng không có được số tiền lớn như thế. Bây giờ, con cái có thể mời bạn bè về chơi mà không e ngại”.

Vợ chồng anh Trương Minh Tâm, tổ 40, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cũng có hoàn cảnh tương tự. Sinh ra trong gia đình nghèo, anh nghỉ học sớm và làm đủ nghề nuôi thân. 17 năm trước, đến tuổi lập gia đình, cha mẹ cho một vạt đất rộng 9m2 để vợ chồng con trai “ra riêng”. Nhà chật chỉ đủ để một tấm nệm và mấy cái nồi phục vụ cuộc sống gia đình. Vì thế, bên vách căn nhà tạm bợ, anh Tâm làm một cánh cửa thông qua nhà ba mẹ để gửi xe và đi nhờ vệ sinh. Thời gian trôi, gia đình nhỏ xuất hiện thêm 2 thành viên mới. Phòng vốn đã chật nay lại càng chật thêm.

Hôm chúng tôi đến, anh Tâm đang quét vôi căn nhà mới rộng 16m2 trên nền đất cũ. Gặp chúng tôi, anh khoe: “Khi vợ chồng tôi quyết định xây nhà, ông bà nội đã cho thêm 7m2 đất nữa. Nhà mới nay có thêm khu vệ sinh. Cánh cửa thông qua nhà ba mẹ được bịt lại. Bếp núc được kê lên cao và có thêm gác lửng.

Dù không quá khang trang, nhưng với hoàn cảnh gia đình tôi, điều này không dễ thực hiện được, nếu không có sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên”.

Dấu ấn của Đoàn

Đó chỉ là 2 trong số 244 ngôi nhà được xây dựng bằng tình thương và trách nhiệm của tuổi trẻ Đà Nẵng trong vòng 5 năm qua. Được biết, từ năm 2007 đến nay, Thành Đoàn Đà Nẵng đã kêu gọi các cơ sở Đoàn đăng ký công trình thanh niên mang tên “Nhà nhân ái”, “Nhà đại đoàn kết” với kinh phí trung bình 25 triệu đồng/căn, góp phần vào thành công trong chính sách an sinh xã hội của thành phố. Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo Thành Đoàn Đà Nẵng đã tiến hành vận động nguồn tài trợ từ các công ty, đơn vị kinh doanh đóng chân trên địa bàn thành phố. Huy động sự đóng góp cụ thể của từng đơn vị trực thuộc (trừ khối quận, huyện). Theo đó, nguồn tiền vận động từ khi thực hiện đến nay hơn 1,2 tỷ đồng (riêng trong năm 2011 đạt 700 triệu đồng).

Không chỉ tạo nên phong trào có ý nghĩa nhân văn rộng khắp trong tuổi trẻ Đà Nẵng, qua chương trình xây nhà nhân ái, nhiều thế hệ đoàn viên, thanh niên đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giúp đỡ hộ gia đình chính sách, gia đình khó khăn “an cư lạc nghiệp”, vươn lên ổn định cuộc sống.

Đơn cử, trong vòng 5 năm qua, tuổi trẻ Khối Doanh nghiệp thành phố đã xây dựng được 49 ngôi nhà nhân ái, nhà đại đoàn kết với tổng trị giá 1,225 tỷ đồng. Gia đình chị Võ Thị Kim Thủy, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu là một trong những địa chỉ như thế. Tiếp chúng tôi sau gần 2 năm sống trong ngôi nhà mới, chị Thủy chia vui: “Từ ngày sống trong ngôi nhà khang trang hơn, vợ chồng tôi đã đón mẹ chồng về phụng dưỡng, chăm sóc. Nếu như trước đây, có lẽ chúng tôi đã không làm được điều này vì nhà cửa quá ẩm thấp, cứ mưa là ngập, ảnh hưởng đến sức khỏe tuổi già”.

Bên cạnh đó, góp phần vào thành công của chính sách an sinh xã hội thành phố những năm qua, Quận đoàn Liên Chiểu cũng đứng ra vận động được 235 triệu đồng để xây 8 ngôi nhà nhân ái. Theo anh Nguyễn Bá Nam, Phó Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu, để thực hiện tốt công trình thanh niên xây nhà nhân ái, Quận Đoàn đã đứng ra tổ chức cuộc vận động “Chung tay vì cuộc sống cộng đồng” trong khối trường học và kêu gọi đoàn viên, thanh niên đóng góp, ủng hộ ngày công đối với cấp Đoàn cơ sở. Để sự hỗ trợ được kịp thời, ý nghĩa, cán bộ Đoàn sẽ tiến hành khảo sát hoàn cảnh từng hộ, sau đó đứng ra vận động kinh phí hỗ trợ từ các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn như Công ty CP Xi-măng Hải Vân, Công ty Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân Hamadeco… Nhờ vậy, nhiều trường hợp khó khăn được kịp thời giúp đỡ.

Cùng với mục tiêu xây dựng nhà nhân ái cũng như các công trình thanh niên giúp đỡ người nghèo trên địa bàn thành phố, Thành Đoàn Đà Nẵng cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng hai nhà văn hóa thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đây là hai công trình trọng điểm hướng đến Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2012 – 2017 sắp diễn ra.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.