.

Sống giữa nghĩa trang

.

Những ngôi nhà của 5 hộ dân với gần 20 nhân khẩu ở tổ 1, thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang hiện nằm lọt thỏm giữa nghĩa trang Hòa Sơn. Sống với mồ mả bao bọc xung quanh, trong đó có những ngôi mộ mới chỉ cách nhà dân chưa đầy 10m, nguồn nước lại ô nhiễm nghiêm trọng nhưng các hộ này không biết đi đâu.

Các ngôi mộ trong nghĩa trang Hòa Sơn chôn cách nhà dân gần 10m.
Các ngôi mộ trong nghĩa trang Hòa Sơn chôn cách nhà dân gần 10m.

Liều mình sống qua ngày

Hôm chúng tôi đến, chứng kiến cảnh sống của các hộ dân “xóm nghĩa địa” mà không khỏi rùng mình. Bởi lẽ, cả bốn phía căn nhà của họ, mồ mả vây quanh. Trong đó, có những ngôi mộ mới được chôn cách đây gần nửa tháng nằm sát nhà dân, khói hương nghi ngút.

Bà Thái Thị Quá (59 tuổi), vợ ông Phan Đông (nhà ở tổ 1, thôn Phú Thượng) cho biết, gia đình bà sống ở đây từ năm 1975. Lúc đó, ở đây là một khu đất rộng, cây cối mọc um tùm. Nhưng từ ngày nghĩa trang Hòa Sơn được thành lập và mở rộng, mộ người chết được chôn ngày càng nhiều, tiến dần về phía gia đình bà. Kể từ ngày mộ người chết chôn sát nhà dân, nguồn nước giếng bị ô nhiễm, có màu vàng mỡ, bốc mùi tanh khó chịu. Ban đầu, gia đình bà Quá cũng như các hộ dân nơi đây vẫn dùng nước giếng nấu nướng, tắm giặt. Nhưng hơn một năm trở lại đây, nguồn nước ngày càng ô nhiễm nặng, gia đình bà Quá phải đi mua nước bình về uống, còn nước giếng chỉ dám sử dụng vào việc tắm giặt.

Ông Lê Văn Hiếu, nhà ở cạnh đó, cho biết thêm tháng 5 vừa qua, có một ngôi mộ chôn ở gần nhà ông bị xì hơi, bốc mùi hôi thối. Nhưng các hộ dân ở đây, kể cả người già, trẻ nhỏ đều không biết chạy đằng nào, đành ở trong nhà và… chịu đựng. Chưa kể, nhiều ngôi mộ mới chôn, người thân hằng đêm đến cúng vái, tiếng khóc than thảm thương vang vọng, khiến vợ chồng con cái ông hoảng loạn. Ban đêm trẻ con ở đây không dám bước chân ra khỏi nhà, bởi xung quanh toàn là mồ mả, khói hương nghi ngút. “Hoàn cảnh khó khăn, nên gia đình tôi và một số hộ dân nơi đây phải nhắm mắt sống liều, chứ thật sự trong lòng lúc nào cũng lo canh cánh, hoảng sợ”, ông Hiếu nói.

Mong được di dời đi nơi khác

Mặc dù người dân chôn mộ ở khu vực xung quanh nhà, nhưng các hộ dân nơi đây không thể ngăn cản được, vì khu đất này thuộc đất nghĩa trang Hòa Sơn, dùng bố trí huyệt mộ người chết. Người dân chỉ còn biết chấp nhận sống chung với mồ mả.

Anh Nguyễn Đắc Dũng, nhà ở “xóm nghĩa địa” này kể, cách đây chưa đầy một tháng, có một nhóm người đến khu đất ngay trước mặt nhà anh định đào huyệt an táng người chết. Dù khu vực này là đất nghĩa địa, nhưng thấy việc chôn mộ ngay trước cửa nhà là không phù hợp, nên gia đình anh và các hộ dân ở đây phản ứng gay gắt. Cuối cùng nhóm người kia quyết định không chôn cất ở đó nữa. Tuy nhiên, theo anh Dũng thì nay mai thế nào người ta cũng sẽ chôn mộ tại đây bởi không thể cản trở mãi được.

Ông Trần Kim Đính, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, qua kiểm tra thực tế cho thấy, hiện nay nhà của các hộ dân ở tổ 1, thôn Phú Thượng bị mồ mả vây quanh. Đáng lo ngại là nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm nặng, nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân rất lớn. “Chúng tôi sẽ báo cáo vấn đề này lên UBND huyện Hòa Vang để có hướng giải quyết”, ông Đính nói.

Tâm sự với chúng tôi, gia đình bà Quá, anh Hiếu, anh Dũng… đều tha thiết bày tỏ nguyện vọng được sớm di dời đi chỗ khác, thoát ra khỏi cảnh sống giữa nghĩa địa càng sớm càng tốt.

PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
  • Chiếc thuyền của lứa đôi Việt - Nhật
    Khu không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản ở Quảng trường Sông Hoài, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An đang trưng bày một chiếc thuyền buồm sơn son với lối kiến trúc cổ xưa khá đẹp. Đây là chiếc thuyền buôn do người Nhật Bản phục dựng để trưng bày ở thành phố Nagasaki từ nhiều năm qua nhằm thể hiện mối bang giao, tình hữu nghị hai nước Việt - Nhật đã có từ lâu đời.
    .
  • Chuyện ông Thất Sáu
  • Ruộng bậc thang 'ở lưng chừng núi'
.
  • Rượu Bàu Đá
    Công viên 29-3 Đà Nẵng từng diễn ra Festival "Làng nghề Việt 2009" với sự tham gia của 60 làng nghề tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tôi nhớ về rượu lần đó có 3 đại diện gồm: rượu Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen. Rượu Bàu Đá nổi trội ra sao mà được đại diện cho miền Trung? Hai loại rượu kia có gì đặc biệt? (Phan Mỹ, Hòa Vang, Đà Nẵng).
    .
  • Sơ học Yếu lược thời Pháp thuộc
  • Tháp Bánh Ít
.
  • Màu hoa đỏ tháng Tư
    Tháng Tư, giàn hoa giấy trước nhà ông Năm đỏ rực. Ai ngang qua cũng ngoái cổ nhìn rồi xuýt xoa khen chủ nhà mát tay trồng được giàn hoa đẹp quá. Mấy bà hàng xóm thường nói, ông Năm già rồi mà lãng mạn quá chừng, suốt ngày chăm chút cho mấy cây bông. Mỗi lần nghe, ông Năm chỉ móm mém cười mà không nói gì. Dưới giàn hoa giấy ông kê cái bàn tre, sáng nào cô con gái tên Hạnh cũng pha cho ông tách trà. Ông vừa nhâm nhi vừa ngó lên những cụm hoa khoe màu trong nắng rồi nghĩ ngợi xa xăm.
    .
  • Các khối lực lượng vũ trang hợp luyện diễu binh, diễu hành
  • Người má
.

Đọc nhiều

.
.