Sau hòa bình 1975, nó lại thuộc về xã Điện Tiến, liên cư liên địa với xã Hòa Tiến.
Ông Nguyễn Công Tịnh (người ngồi), bà Ngô Thị Hạnh và anh Hạn. |
“Đêm ấy, vào đầu mùa xuân năm 1972, trời mưa bay rất lạnh, ảnh (tức Nguyễn Bá Tùng) về đến nhà tôi đã mười hai giờ khuya. Tôi nói ảnh ở lại nấu cơm ăn cho ấm, nghỉ. Nhưng ảnh nói có mang nhiều tiền phải đem ra giao cho Kinh tế…”. Đó là lời của bà Hạc ở Xóm 1.
Còn ông Nguyễn Công Tịnh, bấy giờ là Huyện ủy viên, Bí thư xã Điện Sơn thì: “Tôi vào thì chị Hạc nói, thằng Long vừa đưa ảnh đi ra Xóm Tây rồi. Tôi ra Xóm Tây vào nhà bà Xuyến thì gặp ảnh, mấy anh em cùng nhau ăn cháo gà do bà Xuyến đãi. Ăn xong, tôi ở lại, Long dẫn ảnh ra nhà bà Hai Nhị gần nhà Năm Tuân (là nơi đóng cơ quan công tác thành phố của Năm Dừa, Ngô Tấn Kháng và Ngô Thị Hạnh). Ảnh đi mang theo một túi tiền. Đây là tiền chúng tôi nhận của Tài Mậu về chi trả tiền dầu chạy nước máy tưới ruộng, tiền công tác phí và cả tiền mua dầu dự trữ, tiền cho bên công tác thành phố. Nhận được tiền về cho địa phương ảnh mừng lắm”.
Ngô Tấn Kháng nhớ: Khoảng hơn một giờ sáng, nghe ai kêu ới ới, Kháng chui từ trong hầm chống pháo ra.
Ảnh ôm Kháng nói:
- Kháng ơi, bữa nay anh xin được hai triệu tiền mặt, sướng ghê Kháng ơi! Bỏ tiền trong cái bao đựng bột mì, thắt dây mang thay cái gùi, ảnh hỏi:
- Có chỗ nào rúc không?
- Anh yên chí đi. Bí thư Khu 2 mà không còn hầm bí mật ở, thì em lo. Anh rúc với em.
Sáng hôm ấy, du kích báo có dấu hiệu địch càn, anh em tôi dẫn anh Tùng ra nhà bà Năm Tuân ở xóm Tây-Điện Sơn. Xóm mồ côi, gần sông Yên, hầm trong chuồng heo. Tôi giở miệng hầm:
- Anh yên tâm đi!
Bà Hạc, một trong những cơ sở cách mạng ở Điện Sơn ngày ấy. |
Tỉnh quyết định tách gần một nửa xã Điện Tiến, phía bắc núi Bồ Bồ đặt là xã Điện Sơn, giáp Hòa Tiến, làm bàn đạp xây dựng cơ sở liên lạc với Đà Nẵng. Qua chiêu hồi, thám báo… địch biết có nhiều đơn vị hoạt động công tác thành phố về đứng chân nên thường xuyên nống ra cày ủi, càn quét, phi pháo đánh tan tác cả Điện Tiến, cả Khu 2 Hòa Vang, tình hình vô cùng khốn khó.…
Thấy ảnh sốt, đi té lên té xuống, Kháng lấy chai bia con Cọp hòa với lon sữa. Uống một hơi hết một ca US đầy, Nguyễn Bá Tùng nói cho Kháng nghe tinh thần Nghị quyết mới của Đặc khu ủy Quảng Đà:
- Tôi trao đổi sơ bộ để anh phấn khởi, không bi quan, tiếp tục tiến lên. Rồi mình sẽ nói hết tinh thần Nghị quyết cho nghe. Đứng trên đất Hòa Vang có gì trở ngại thì anh giúp sắp xếp. Kháng yên tâm.
Ảnh sốt nóng quá. Hai anh em nằm bên ngủ. Chưa đến 5 giờ sáng dậy. Bà chủ nhà làm cơm, có cá hộp. Cơm nóng, cá hộp, lạ, thấy ảnh ăn ngon miệng. Sáng, Xuân sang Hè, mặt trời lên đỏ rực ở dưới chân Bồ Bồ. Một chiếc tàu gáo bay qua đầu, bay ra Lệ Trạch, bay ra tới xóm Tây An-Cầu Đỏ-Hòa Tiến thì quay ngoặt lại, từ độ cao trên mây rớt xuống dần, đột ngột ập xuống sân nhà bà già chèo đò ở giữa xóm mồ côi. Một quả mù đỏ phủ khói. Tức thì, 8 chiếc trực thăng HU1A, tàu lẹp, tàu gáo, từ hướng Bồ Bồ như những con diều hâu sà thấp, đổ quân.
Một giọng rất quen:
- Anh Kháng ơi! Thủ trưởng của em. Anh Tùng, Thủ trưởng Khu 2 Hòa Vang, chị Hạnh ơi... Em là Trần Công Có đây. Thôi, gian khổ lắm rồi, sống chết biết ngày mô.Về với em đi!
Hồng y tá vác cuốc đội nón ra đồng, Hạnh chạy theo Nguyễn Bá Tùng và Ngô Tấn Kháng. Họ chạy ra khỏi nhà bà già độ 50m thì thằng tàu gáo bám theo rà sát bụi cây. Thằng Mỹ ngồi trên máy bay chĩa mũi đại liên trên đầu. Nguyễn Bá Tùng có cây AK xếp và cây K59, Kháng có hai quả lựu đạn mini và cây súng ngắn. Các anh du kích, an ninh, bảo vệ đều có AK và lựu đạn, vừa bắn trả không cho bộ binh địch tiến tới, vừa phải tránh bọn trực thăng chiến đấu quần đuổi theo trên đầu bắn như mưa…
Nội bộ phản bội nên bị động. Cuộc chiến đấu không cân sức không thể kéo dài, nếu không muốn bị tiêu diệt hoàn toàn hoặc bị bắt sống. Anh em quyết định vừa đánh trả vừa rút lui ra vùng có công sự mật. Cây AK xếp với 2 băng đạn đã bắn hết và Nguyễn Bá Tùng đã kiệt sức, xách gùi tiền trên tay, vượt khỏi đám dây chiều thì gặp một giao thông hào có hàng cây mù u, độ bảy, tám cây cành lá sum suê. Vọt xuống giao thông hào thì thằng gáo không thấy nữa. Bỗng nghe một loạt súng bộ binh phía sau lưng. Trên đầu, HU1A bắn rocket ầm ầm…
- Kháng. Anh bị thương!
Đạn làm toác loác một ống chân, một viên xuyên lưng qua ngực Nguyễn Bá Tùng, máu trào ra thấm đỏ áo quần. Hạnh kéo Nguyễn Bá Tùng chạy. Ông bảo Hạnh chạy đi, bỗng một quả rocket nổ đoành làm cho Hồng chạy trước Hạnh trúng đạn, văng máu ướt cả vạt áo của Hạnh. Hạnh tưởng mình bị thương. Thằng tàu gáo rượt theo hướng anh em. Hạnh chạy về hướng mương thủy lợi, chạy ra hướng sông Yên.
Con đường đi ngang Điện Sơn ngày ấy, giờ đã được đổ bê-tông khang trang. |
Từ bờ sông Yên xuống xóm 2 có một kênh mương thủy lợi rộng chừng 3m, đầy nước. Nước trong xanh, chảy cuồn cuộn. Ngô Thị Hạnh nhảy ào xuống con mương đầy nước, tọt được xuống sông Yên. Sợ nước trôi, Hạnh níu ngọn cây sà xuống mặt sông, lấy cái khăn voan màu tím choàng trên cổ cột cánh tay trái rồi cột khăn voan dính tóc vào nhánh cây tre. Tay cầm cây K59 có 6 viên đạn sẵn sàng bóp cò nếu tên lính nào bước tới. Để cái đầu cách mực nước chừng 30 phân, máy bay rà tới thì Hạnh dìm đầu xuống, ngột thở thì ngấc đầu lên. Tàu gáo phát hiện Hạnh chạy vào chỗ kênh mương nên quần mấy vòng ném lựu đạn xuống mương.
Nghĩ cô gái tiêu đời, thằng tàu gáo tập trung mục tiêu chính là hai người đàn ông… Kháng xốc Nguyễn Bá Tùng lên vai chạy. Máu chảy ấm lưng Kháng. Kháng chạy được một đoạn thì nghe một tiếng thở cái xòa rồi tắt lịm. Kháng ráng sức vác Nguyễn Bá Tùng chạy thêm một đoạn dưới giao thông hào thì kiệt sức, quỵ xuống. Kháng thả ông Tùng xuống đất, xách cái bao tiền từ vai Nguyễn Bá Tùng, chồm dậy chạy chừng 150 mét theo giao thông hào, thấy thằng tàu gáo cứ bám theo trên đầu, chĩa súng xuống, vẫn không bắn. Kháng cầm bao bột mì tiền, cái xách và cây súng ngắn, chạy vượt khỏi hàng mù u, gặp cánh đồng trống. Tàu gáo thấy rõ, quần sát, quạt tóc bay dựng ngược. Quân địch phía sau bắn tới một quả M.79. Đạn không nổ, nhưng làm quẹo chân trái. May đã vứt hai quả mini chỗ bụi trúc. Kháng lết một chân phải, sụp xuống ruộng. Qua khỏi đám ruộng đến vùng trắng. Đây là vùng vành đai mìn. Quân địch đổ bộ xuống ruộng.
- Chúng mày không được bắn. Bắt sống! Một tên ra lệnh.
Lết qua đám ruộng lầy một đoạn chừng 50 mét, Kháng bu bờ tranh vượt qua vùng trắng.
Vốn là trung úy trinh sát đặc công, Trần Công Có biết rõ địa hình vùng này…
HỒ DUY LỆ
Kỳ 2: Xóm Tây nghĩa tình