.
Quán bên đường

Làm hoa hậu, tỷ... khổ!

Có mái tóc đẹp, có làn da đẹp, có thân hình đẹp, có giọng hát (nói) đẹp, biết mặc đồ đẹp, làm dáng cũng đẹp mà vẫn bị chê trầy trật thì chỉ có Hoa hậu. Một con người chỉ cần sở hữu một cái đẹp thôi đã được tôn vinh. Đằng này Hoa hậu đẹp tuốt luốt từ đầu đến chân mà người đời vẫn moi được cái để chê.

Trong cuộc thi, nếu các Hoa hậu tương lai trả lời ứng xử mà không cần xin vài giây suy nghĩ sẽ bị nghi ngờ: “Sao trả lời nhanh thế?”. Cô nào lắp ba, lắp bắp nói mãi không xong thì dĩ nhiên sẽ bị kết luận: “Đúng là trí tuệ của… người đẹp!”. Cô nào trả lời khiến BGK nở hoa trong lòng, cũng khó thoát khỏi thắc mắc của khán giả: “Liệu ngoài đời, cổ có xử lý tình huống hay như trên sân khấu không?”. Đến giây phút đăng quang, tân Hoa hậu không vỡ òa cảm xúc mà chỉ cười nhẹ nhàng cũng bị bán tín bán nghi về tính khách quan, chính xác của kết quả.

Đó là những cái khổ trong quá trình tranh tài. Tạm cho đây là phần 1. Đến phần 2 - Phần đời hoạt động của tân Hoa hậu trong nhiệm kỳ càng có nhiều cái bị soi hơn nữa. Ở các cuộc thi nhan sắc thông thường hay thi người mẫu, người chiến thắng sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền trong các lĩnh vực cần ngoại hình đẹp. Còn Hoa hậu, người chiếm ngôi vị cao nhất phải dùng sức ảnh hưởng của mình để làm nhiều việc cho cộng đồng. Người viết tạm hiểu như vậy vì cho đến nay chẳng mấy ai thấy rành rọt chương trình, kế hoạch hoạt động của các Hoa hậu qua các thời kỳ. Dường như người ta đang lầm tưởng nặng “nghề” của Hoa hậu là làm từ thiện chuyên nghiệp. Ngoài những cô ít thấy làm gì, hoặc các cô tự nhận làm trong lặng lẽ bằng cái tâm hơn là đánh tiếng, thì những cô còn lại xuôi ngược Nam-Bắc để… phát quà là chính. Người đẹp biết hướng tới cộng đồng, không có nghĩa là người đẹp chỉ biết “cúi xuống” với những phận đời bất hạnh! Chẳng trách các Hoa hậu cứ quanh quẩn hết đi giao lưu với trẻ em nghèo rồi đi chia sẻ tình cảm với người già neo đơn. Bởi ngay từ đầu, ban tổ chức đã “định hướng” cho họ làm mỗi việc này. Cứ xem các cuộc thi Hoa hậu từ xưa tới nay ở ta sẽ rõ.

Đến đoạn này, mới thấy làm Hoa hậu là… tỷ khổ. Để tìm ra Hoa hậu, người ta đầu tư rất nhiều tiền. “Công cuộc” tìm kiếm được phô trương rầm rộ. Nhưng “đường đời” hai năm ngắn ngủi của Hoa hậu sẽ đi về đâu và đi như thế nào, có đẹp đẽ và nhất là có nhận được nhiều sự ngưỡng mộ như giây phút cô được đội vương miện trên đầu không thì dường như không được hoạch định tốt.

Cái khác để phân biệt thi Hoa hậu và thi nhan sắc thông thường có lẽ ở phần 2 này. Nhưng ngược cái, điểm này đang là cái giống của cuộc thi Hoa hậu với các cuộc thi nhan sắc khác.

HƯỚNG DƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.