Hồi nửa đầu thế kỷ XX, ở làng Hiền Lương, nay là thôn Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, có một lý trưởng, gọi là ông Cửu Doãn. Gọi thế, vì ông được phong hàm Cửu phẩm.
Ở làng quê xưa, có cái hàm cửu phẩm, oai lắm. Đi đâu ai cũng nể. Một ông Cửu, hai ông Cửu, hãnh diện quá đi chứ! Khi làng có việc, lại được ăn trên ngồi trước… Không chỉ mang hàm Cửu phẩm, có thời gian, ông còn được làm lý trưởng. Lẽ ra, làm lý trưởng, gọi ông Lý, hay Lý Doãn để phân biệt với những ông Lý khác cũng đúng. Nhưng mà gọi Cửu Doãn rõ ràng… oai hơn, khí thế hơn. Dù là hàm bét nhất trong hệ thống phẩm hàm dưới thời phong kiến nhưng xem ra Cửu phẩm vẫn đứng trên lý trưởng. Và, suy cho cùng, lý trưởng thì… đầy dẫy ra đó nhưng Cửu phẩm thì có bao nhiêu người đâu?
Nói công bằng, xưa, lý trưởng nào không dựa vào đất ruộng để kiếm chác? Có điều họ bạo hay không thôi. Suy cho cùng, làm lý trưởng hầu như chỉ biết “ăn đất” chứ ăn gì? Cho nên, chuyện bán ruộng đất, thật ra cũng không nghiêm trọng bằng chuyện xảy ra sau này. Và, đây là chuyện khiến dân làng oán ông Cửu Doãn.
Nguyên bấy giờ làng có vùng đất gọi là đất Đập Sa. Đó là vùng đất hoang, cỏ dại mọc um tùm. Là đất… vô chủ nên một số gia đình nông dân nghèo khó, khốn khổ, thiếu đất canh tác, rủ nhau đến khai phá, trồng khoai lang kiếm ăn qua ngày. Mỗi năm, họ chỉ trồng được một mùa khoai, gọi là mùa khoai tháng ba. Đầu tiên có vài ba nhà đến khai phá. Sau, thấy khoai lên xanh tốt, thu hoạch khá, nên hầu hết bà con cùng cảnh ngộ rủ nhau đến vỡ đất trồng khoai theo… Nhờ Đập Sa, đời sống của không ít gia đình, nhất là những gia đình nghèo, được cải thiện rõ rệt.
Thế rồi, khi ông Cửu Doãn mới chân ướt chân ráo lên làm lý trưởng, thấy bà con làm có ăn, mới tự mình “báo cáo” lên trên. Thế là huyện, rồi tổng thúc xuống, bắt phải làm trích lục. Ai có 5 sào nộp thuế 5 sào, 3 sào nộp thuế 3 sào… Ngoài ra, khi làm trích lục cũng mất hào sáu tiền “lệ phí” nữa.
Thử hỏi, đang làm ăn ngon lành, bỗng dưng bị bắt làm trích lục, đã mất tiền, hằng năm lại nộp thuế, bà con hỏi ai không oán, không hận? Nhưng oán thì oán, hận thì hận, cũng phải làm trích lục, cũng mất hào sáu, cũng nộp thuế theo quy định của chính quyền đương thời. Không làm, có mà chết à? Oán, cả hận nữa, mà không làm gì được, cứ để trong bụng, ai nấy đều ấm ức.
May ở làng Bình Hòa lúc ấy có một ông giỏi làm thơ, dù là thơ… con cóc. Từ khi có chuyện làm trích lục, đến đâu ông cũng nghe bà con than vãn, oán hận ông Cửu Doãn. Nghe riết rồi ông cũng đồng cảm, bèn làm câu hát “Cửu Doãn mới nắm công chương/ Nhân dân trong xã lòi xương ra ngoài”. “Công chương” ở đây là cái ấn, cái triện. Mới nắm công chương, nghĩa là mới lên làm lý trưởng, đương nhiên phải giữ cái triện, tức con dấu của làng. “Nhân dân trong xã lòi xương ra ngoài” ý nói do lý trưởng “thọt” với cấp trên nên dân làng phải làm trích lục, vừa mất tiền, vừa mất cả tiền thuế hằng năm. Và, đứng ra làm việc này, dù muốn hay không, ông Cửu Doãn cũng gián tiếp cướp mất nồi cơm, khiến bà con đói khổ, đã nghèo càng nghèo hơn.
Câu hát có vần có điệu, lại diễn tả đúng ý nghĩ, tâm trạng khiến dân làng ai nấy cũng thuộc làu làu. Thế rồi, trong những lúc trà dư tửu hậu, họ lại cao hứng đọc lại, phá lên cười ngặt nghẽo, thi nhau bình phẩm sôi nổi.
Chuyện rồi cũng đến tai Cửu Doãn. Ông tức điên lên. Rồi, ông chẳng phải bỏ công nhiều để truy tìm ra người đã đặt hai câu vè “khốn kiếp” kia. Hóa ra, chẳng phải ai xa lạ, đó là người cùng tộc với ông. Ngay lập tức, ông cho người gọi “tác giả” đến nhà, “có chuyện gấp”. Ông Cửu Doãn, chẳng đợi cho “tác giả” ngồi ấm chỗ, quát: “Có phải mi đặt câu vè: Cửu Doãn mới nắm công chương/ Nhân dân trong xã lòi xương ra ngoài không?”.
Vốn thông minh, nhanh trí, ông “nhà thơ” trả lời ngay: “Không, tui có gan trời cũng không dám đặt rứa. Tui đặt ri nè: Cửu Doãn mới nắm công chương/ Nhân dân trong xã Hiền Lương thái bình. Cái câu mà ông Cửu đọc là do ai đó ác ý sửa, tui mô có biết”. Ông Cửu Doãn ngớ ra. Quả thật, về lý lẽ, ông không thể kết “tội” kẻ đang ngồi trước mặt mình được. Nhưng ông cũng không quên đe nẹt: “Tao tưởng mi đặt. Mi mà đặt câu kia, tao đánh cho mi lòi xương ra ngoài luôn!”.
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT