Nằm về phía bắc ghềnh đá Nam Ô, nép mình bên bãi cát, cách mép biển chừng 150 mét, thuộc địa bàn tổ 40 phường Hòa Hiệp Nam có một ngôi mộ mà người dân địa phương Nam Ô thường gọi một cách tôn kính là: Mộ Ngài Tiền hiền.
Mộ Tiền hiền làng Nam Ô. Ảnh: V.T.L |
Theo các cụ cao tuổi trong làng, kiểu dáng quy mô kiến trúc của mộ không khác ngôi mộ xưa là mấy. Chỉ khác phần vật liệu sử dụng toàn xi-măng bê-tông để ngôi mộ được vững bền bên bờ biển chịu nhiều sóng gió, bão tố.
Về văn bia trước mộ, Báo cáo khảo cổ học của Viện Khảo cổ Việt Nam tháng 3-2012 cho biết: “Căn cứ vào chất liệu và hoa văn trên bia thì có thể bia được khắc khoảng thế kỷ XIX (thế kỷ XIX có 2 năm Ất Dậu là 1825 và 1885)”. Theo chúng tôi, đó là năm 1825, căn cứ vào dòng chữ được khắc trên bia: “Hoa Ổ xã phụng thượng niệm niệm Tiền hiền chi Thần vị”. Hoa Ổ là tên cũ của làng Nam Ô, đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1840) vì kỵ húy mẹ vua nên đã đổi thành Hóa Ổ. (Nam Ô là đọc trại từ Nam Ổ - tên một nhà Trạm trở thành tên làng).
Chuyện xưa kể rằng: Vua Trần Anh Tông gả em gái mình là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để lấy hai châu Ô, Lý. Khi Chế Mân chết, vua Trần đã cử Thượng tướng Trần Khắc Chung dẫn quân vào cứu công chúa khỏi bị hỏa táng theo tập tục người Chiêm.
Người dân Nam Ô kể nghe hùng tráng hơn: Thượng tướng Trần Khắc Chung tổ chức đánh tháo thành công, đưa công chúa về Đại Việt. Người Chiêm Thành rượt đuổi, đánh chặn khởi đi từ cửa Thị Nại ra tới Hải Vân. Đến đất làng Nam Ô thì gió mùa đông nam (gió nồm) đang mùa rộ biển. Bên kia Hải Vân hiểm trở là đất nhà nhưng chưa phải là quê, sứ mệnh đang được sự hỗ trợ của địa lợi, thiên thời. Cuộc quyết chiến cuối cùng giữa quân Đại Việt và quân Chiêm diễn ra khốc liệt...
Khi công chúa từ mom Lỗ Hạc (núi ghềnh Nam Ô ngày nay) xuống thuyền nhẹ ra đến thuyền lớn đợi ở ngoài khơi, giong thuyền theo gió thuận đưa về cố quốc an toàn thì cũng là lúc vị tướng quân chỉ huy và toán quân đánh chặn đã anh dũng hy sinh trong trận đánh cuối cùng không cân sức. Nhân dân hỗn cư Chàm - Việt nơi đây đã chôn cất tử tế vị tướng dưới chân Tháp Chàm Trà Bì (tháp chàm Xuân Dương), bên bờ nam cửa sông Cu Đê thời bấy giờ...
Người Chiêm tức giận, cử binh đánh phá Châu Hóa, đòi lại đất hồi môn. Bốn năm sau, vua Trần Anh Tông thân chinh cử binh chinh phạt, lấy toàn bộ vùng đất từ nam Hải Vân đến bờ bắc sông Thu Bồn và sáp nhập vào Châu Hóa. Vua đã sắc phong thần vị cho vị tướng công và các thuộc hạ đã hy sinh 4 năm trước. Chuyện hư thực ra sao không dám lạm bàn chỉ biết vị tướng này và thuộc hạ được thờ tại đình làng với bài vị có sắc tứ cổ kính là: “Tiền hiền Triệu Cơ chư Tiên linh Thần vị”.
Tiền hiền Triệu Cơ! Các cụ dịch là Tiền hiền mở cõi. Không biết trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng có nơi nào tuyên thần vị ấy không?
Lịch sử qua đi, để lại những trang hùng tráng nhưng cũng không lấp được những nỗi lòng bi tráng thông qua cảm xúc dân gian. Nỗi lòng bi tráng của vị tiền hiền mở cõi được khắc họa sâu sắc ở hai câu trong bài văn tế ngài vào lễ tế Tiền hiền 24 tháng 6 âm lịch hằng năm tại đình làng Nam Ô: “Cổ vân lôi ư, tam cấp vũ môn, ninh kiến hà trừng thiên lý/ Chiêm phong lãng ư, kỷ trùng hoàng hải, vĩnh khang thốn tức thôn kình”. Các cụ phỏng dịch: “Mây sấm xưa hử, qua mấy màn mưa, lặng nhìn thấy đâu ngoài thiên lý/ Sóng gió Chàm hừ, lòng chồn nhớ nước, vẫn kiên gan chờ nuốt kình ngư”.
Thật là phù hợp hoàn cảnh của vị tướng công đã hy sinh cho sứ mệnh cao cả lúc bấy giờ và hiển linh nằm lại bên vùng sông nước Nam Ô cho tới ngày nay. Các cụ thông kinh sử trong làng ngày xưa thường ví sự nằm lại của ngài Tiền hiền Triệu Cơ như một gạch nối trong diễn trình Nam tiến cam go của dân tộc mà suốt nhiều thế kỷ về sau mới hoàn thành.
Huân nghiệp của vị tướng ngày đó sử sách không ghi một dòng, sự hy sinh cao cả cũng như một chiến sĩ vô danh. Chính sự vô danh này mà nhiều lần các tộc họ có thế lực trong làng muốn giành Tiền hiền mang họ mình, nhưng đâu có thể, vì truyền thuyết đã ăn sâu vào dân gian hình thành nên huyền sử. Biết làm sao!
Bài văn tế cổ trong lễ khánh thành mộ Tiền hiền ngày trước có đoạn: “Công cao như Thuấn nhựt/ Đức trọng tợ Nghiêu thiên/ Khai cơ lịch đợi lưu truyền/ Lạc nghiệp vạn dân chiêm ngưỡng/ Thiết niệm Tiền hiền/ Tự cổ tham phò khanh tướng/ Vu kim tồn tại giang sơn/ Thừa tôn công lập nghiệp quy dân/ Khai quốc tịch canh điền tạc tĩnh/ Cựu tích Vĩnh Thành khai cuộc định/ Tiền trình Hoa Ổ soán dân cư…”. Qua đó, có thể thấy sự kính ngưỡng của dân làng Nam Ô như thế nào đối với tiền nhân.
Khi triển khai Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Nam Ô, UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý cho làng Nam Ô giữ ngôi mộ nguyên vị trí, phân giới cắm mốc cấp cho 504m2 để mở rộng và tôn tạo khu mộ xứng hợp với cảnh quan du lịch chung quanh. Đó là sự đối xử tử tế và sáng suốt của hậu thế đối với tiền nhân.
Hiện nay, quỹ trùng tu tôn tạo mộ Tiền hiền đã đạt gần trăm triệu đồng do nhân dân làng Nam Ô trong và ngoài nước đóng góp. Chỉ chờ cơ đồ chung quanh sắp xếp lại quy cũ là ngôi mộ sẽ sáng lên cùng với huyền sử được nối dài trong hậu thế.
ĐẶNG DÙNG