.

Bệ phóng từ nước Nga

.

Là hạt giống đỏ, có cha là du kích Ba Tơ, mẹ là cơ sở cách mạng, sau này đã hy sinh, 10 tuổi, Nguyễn Lành(*) được tập kết ra Bắc năm 1954. Rời ghế phổ thông trung học, năm 1965, ông được gọi cấp tốc vào quân đội. Khoác quân phục lên đường, Nguyễn Lành không biết rằng, ông và đồng đội nhận một sứ mệnh lớn lao là thế hệ đầu tiên được qua Nga đào tạo nắm bắt kỹ thuật tên lửa.

Đại tá Nguyễn Lành (người thứ 4 từ trái qua) với cô giáo Mai-xe-va (áo trắng).
Đại tá Nguyễn Lành (người thứ 4 từ trái qua) với cô giáo Mai-xe-va (áo trắng).

Sau 8 tháng được truyền nhiệt huyết

Cả tiểu đoàn đi trong bí mật bằng đường bộ qua nhiều nước để cuối cùng đến thành phố Bacu, nước cộng hòa Agiecbaigian. Lớp học đứng chân trên sa mạc Xittântrai, một căn cứ tên lửa hiện đại. Chưa kịp choáng ngợp với những điều mới mẻ, ông và đồng đội bắt tay ngay học về nghiệp vụ. Lớp sĩ quan điều khiển tên lửa của Nguyễn Lành có 8 người, được tinh chọn về khả năng tiếp thu, sức khỏe và thần kinh “thép”, chịu sự giám sát kỹ lưỡng hơn cả. Với chế độ học tập khắc nghiệt, không thư từ, liên lạc với bên ngoài, từ chỗ không biết gì về tên lửa, qua 8 tháng ông và đồng đội đã trưởng thành. Các thầy giáo, sĩ quan tên lửa vừa nghiêm khắc, vừa tận tình truyền hết nhiệt huyết cho học viên Việt Nam.

Ngày bắn đạn thật là một ngày không thể nào quên trong cuộc đời ông. Tất cả học sinh của các nước XHCN đều tập trung về trường bắn quốc tế giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thử tài bắn máy bay mô hình không người lái. Lần bắn đầu tiên, ở độ cao 17km, cự ly 35km, ông chỉ huy kíp trắc thủ bắn quả đầu tiên trúng ngay mục tiêu. Lần thứ hai ở độ cao 500m, cự ly 20km, các xạ thủ Việt Nam tiếp tục gây kinh ngạc khi chỉ sử dụng một quả tên lửa đã hạ gục máy bay trong khi theo nguyên tắc, để bắn một máy bay cho phép xác suất dùng đến 3 quả. Quá đỗi vui mừng trước thành tích của học viên Việt Nam, thầy giáo Bê-lô-nhin của trường bắn đã công kênh Nguyễn Lành lên vai mình từ trận địa về đến sở chỉ huy. Thầy cho rằng lịch sử trường bắn chưa có trường hợp nào như thế. Thầy hy vọng, học sinh Việt Nam sẽ tiếp tục dùng tài thiện xạ tiêu diệt thật nhiều máy bay Mỹ. Một bằng khen giải nhất do chính thầy Bê-lô-nhin ký và huy hiệu kỹ thuật số 1 là niềm động viên lớn lao để Nguyễn Lành thêm tự tin mang những kiến thức đã học và vũ khí của bạn về đối mặt với kẻ thù trên các chiến trường, diệt 18 máy bay Mỹ các loại trong thời gian làm sĩ quan điều khiển tên lửa.

Bến đỗ Học viện Phòng không quốc gia

13 năm sau (1978), Nguyễn Lành, lúc này là Đại úy, Tham mưu trưởng Trung đoàn trở lại nước Nga để học Học viện Phòng không quốc gia tại thành phố Kalinin chuyên đào tạo cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn. Học viện đón ông như đón một học trò xuất sắc, người đã không phụ công lao của các thầy giáo Nga. Nguyên soái Jiu-côp, hiệu trưởng nhà trường (sau này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) trực tiếp chúc mừng ông và mời đi nói chuyện với 6 trường đại học về những trận đánh bằng tên lửa mà ông và đồng đội đã trải qua, về cách vận dụng sáng tạo giữa lý thuyết đã học và thực tiễn chiến trường Việt Nam để đánh thắng máy bay Mỹ. Bài viết bằng tiếng Nga do bạn của ông là Trần Nam Xuân (nay là Thiếu tướng, Giám đốc Học viện Phòng không - BQP) soạn giúp, ông vừa đọc vừa đánh vần, vậy mà đi đến đâu ông cũng nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt, những cái ôm hôn thắm thiết của sinh viên và nhân dân Nga. Nhiều bà cụ cứ ôm ông mà khóc và chúc phúc khi biết ông đã sống sót  qua trận địa oanh tạc của máy bay Mỹ để trở lại nước Nga.

Bốn năm học ở đây, Nguyễn Lành và các học viên tiếp tục nhận được sự giúp đỡ chí tình của các thầy cô giáo của nhà trường. Nếu các môn tự nhiên và chuyên ngành ông không phải lo lắng thì môn tiếng Nga vẫn là môn ông sợ nhất. Giọng miền Nam, âm vực khàn và trầm làm ông thiếu tự tin khi diễn đạt. Cô giáo Mai-xe-va dạy tiếng Nga cho ông với chế độ đặc biệt, kiểm tra bất cứ lúc nào. Có lần sinh nhật cô, trời rét âm 5 độ, Nguyễn Lành ấp úng lấy bông hồng trong áo tặng cô, cô không cầm ngay mà hỏi “Kmu?”- cho ai? Khi cậu học trò trả lời đúng ngữ pháp cô mới nhận và dẫn cậu học trò vào bữa tiệc đã soạn sẵn. Cách dạy của cô rất độc đáo, cô hay dẫn học sinh đi giao lưu hoặc mua sắm rải 5 người trong lớp đến 5 địa điểm khác nhau mua cho được hàng rồi tự tìm đường về. Cô bắt lớp trưởng Lành đọc báo Pravda hằng ngày để hôm sau điểm tin thời sự. Có lần cô tặng ông nhân sinh nhật cuốn sách mỏng “Miền đất lạ” của cố Tổng Bí thư Brê-giơ-nhép, sách đang bán chạy lúc bấy giờ.

Chưa kịp mừng, cô bảo phải đọc thuộc hôm sau đọc cho cô nghe… Cứ như thế, kiên trì và yêu thương, cô đã giúp ông và các học sinh Việt Nam vững vàng vượt qua môn học mà ông hay trêu là “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga”. Sau này, các lớp sĩ quan của Sư đoàn qua nước bạn, ông vẫn luôn gửi lời thăm cô Mai-xe-va và cô vẫn trìu mến kể cho mọi người nghe về cậu học trò đặc biệt của mình.

Sau cô giáo Mai-xe-va, thầy Ê-phi-môp dạy môn xạ kích đã để lại ấn tượng sâu sắc với Đại tá Nguyễn Lành. Biết học sinh Việt Nam thời phổ thông không được học tiếng Nga, lại đã trải qua chiến đấu, ông dành tình cảm đặc biệt, hướng dẫn tỉ mỉ luận án tốt nghiệp, tìm sách cho các học viên mượn, không quản ngày nghỉ, giờ nghỉ ông luôn có mặt để giúp học sinh Việt Nam. Ông luôn động viên lớp thảo luận, phản biện để làm quen dần với ngày lên “đoạn đầu đài”. Trong lễ tốt nghiệp, trước hội đồng thi gồm các thầy cô đến từ các thành phố khác nhau, sợ học sinh Việt Nam không nghe được, ông đề nghị các câu hỏi chất vấn đều phải được chép ra giấy. Ông ngồi cuối hội trường ra dấu khích lệ, có khi đứng hẳn lên để học sinh tự tin trả lời. Thấy học sinh Việt Nam giữ nghiêm kỷ luật, ít ra bên ngoài, ông đề xuất Học viện cho mời ca sĩ đến biểu diễn tại chỗ, thường xuyên chiếu phim, tổ chức các buổi giao lưu với thanh niên, học sinh, tham quan phong cảnh trong dịp hè để tạo sự phấn khích bước vào năm học mới…

Đại tá Nguyễn Lành cho biết trong số 4.600 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc thì tên lửa hạ gần 2.000 chiếc, góp phần để cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta sớm đến ngày thắng lợi. Chiến công của phòng không Việt Nam gắn liền với sự giúp đỡ hết sức hiệu quả của nước Nga, của các chuyên gia và giáo viên Nga.  Không có tình nghĩa thủy chung, sâu nặng, không có bệ phóng từ sa mạc Xittântrai- Bacu và mái trường Học viện Phòng không quốc gia thì làm sao những trắc thủ như Nguyễn Lành có thể làm được những điều tưởng chừng không thể  trong chiến tranh và làm chủ bầu trời Tổ quốc giai đoạn hiện nay.

HỒNG VÂN


(*) Đại tá Nguyễn Lành nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 375 (Quân chủng Phòng không - Không quân), anh hùng LLVTND, hiện ở tại 220 Nguyễn Tri Phương - Đà Nẵng .

;
.
.
.
.
.