.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Thầy bói mù chùa Cầu bị trúng kế

.

Thông thường, cứ nghĩ đến những người làm nghề bói toán, người ta nghĩ ngay đến một ông thầy bói mù, ngồi đâu đó đầu đường, góc chợ và sẵn sàng “phán” như biết tất tần tật chuyện trên thế gian, khiến những người đi xem bói không khỏi thán phục. Tuy nhiên, không phải bao giờ con đường làm ăn của họ cũng thuận buồm mát mái. Câu chuyện sau đây nói về một ông thầy bói mù ở chùa Cầu, Hội An, bị đánh đến suýt ngã xuống sông vì “tai nạn nghề nghiệp”!

Chùa Cầu, nơi xảy ra câu chuyện xưa.
Chùa Cầu, nơi xảy ra câu chuyện xưa.

Câu chuyện bi hài này được Bénige Vachet ghi lại trong hồi ký của mình về khoảng nửa sau thế kỷ XVII trên cầu Faifo, tức chùa Cầu, Hội An. Bénige Vachet thụ phong linh mục năm 1668 ở chủng viện Hội Truyền giáo nước ngoài Paris, ông đến Đàng Trong năm 1673 và ở lại đây đến năm 1683, trong đó phần lớn thời gian là ở Hội An.

(Hồi ký của Bénige Vachet được Linh mục L. Cadière công bố trong công trình “Hồi ký của Bénige Vachet. Về xứ Đàng Trong”, Tập san “Ủy ban Khảo cổ Đông Dương”, 1913, tr 1-77; được trích dẫn lại trong tập san “Những người bạn cố đô Huế”, năm 1920. Thông tin từ bài viết tham khảo từ tập san “Những người bạn cố đô Huế”, tập VII, bản dịch của Bửu Ý, Phan Xưng, NXB Thuận Hóa, Huế, 2001, tr. 445-456).

Câu chuyện được mở đầu bằng một câu khá chua cay: “Bọn người mù ở xứ Đàng Trong thường ngồi ở những chiếc cầu có mái che để kiếm ăn, họ coi bói cho những ai cần nghe và cho họ hai xu”.

Đối với một linh mục phương Tây, điều dễ hiểu là ông không tin vào trò bói toán, lừa gạt của những gã mù, Bénige Vachet miêu tả hành động bói toán rằng ông thầy bói “rờ rịt nhận ra số xu ngửa và xu sấp, rồi đoán ra quá khứ, hiện tại và tương lai. Chỉ có dân nào quá kém cỏi mới xu phụ vào điều dị đoan này; còn ai bình thường thì chẳng tin”. Đấy là những người “dự đoán tương lai, cắt nghĩa quá khứ và gia giảm hiện tại”, vậy mà vẫn có khối người tin!

Trong con mắt của Bénige Vachet thì những người đông đảo hằng ngày đi xem bói quả là đáng thương xót! Trong lúc đang không biết làm thế nào để giúp đỡ những người này thì Bénige Vachet đã tìm thấy cơ hội đó ở một người lính Đàng Trong.

Đó là một người lính trẻ theo đạo, đặt dưới quyền chỉ huy của Tổng đốc Quảng Nam. Anh này vừa mới cưới vợ, trước khi đi công cán có tới chào Bénige Vachet và ông đã tìm thấy cơ hội để chơi khăm gã thầy bói mù. “Gã lính có giọng nói như đàn bà, tôi nghĩ như thế này là rất được việc cho tôi”.

Bénige Vachet nói với anh lính rằng không tiết lộ điều gì về thân phận, “chỉ nói rằng gã còn trẻ tuổi, lập gia đình ba bốn tháng nay, sáng nào cũng thấy đau ở ngực và nằng nặng ở cánh tay và cẳng chân, trước khi đám cưới không như vậy, xin thầy cho biết vì sao?”.

Thầy bói mù bị trúng kế, “lập tức ném đồng tiền và sau khi nhặt tuần tự các đồng tiền, mặt mày rạng rỡ, tưởng gã là đàn bà, ông mù nói với gã: “Cô ăn mừng đi, cô mang thai một đứa con trai kháu khỉnh, gia đình sẽ vui lây”!

Gã lính chưa nghe hết đã giáng cho ông một cái bạt tai và nói: “Cái đồ lừa phỉnh, láo toét, ta đây là đàn ông cơ mà”! Cái tát tai mạnh đến nỗi, gã thầy bói suýt rơi xuống sông.

Tuy nhiên, sự việc lại trở nên nghiêm trọng bởi luật lệ Đàng Trong lúc đó rất nghiêm khắc, việc tát tai thầy bói sẽ bị phạt nặng, thậm chí bị xử tử. Gã thầy bói cũng khôn ngoan khi đến quan Tổng đốc kêu oan mà không kể lể sự tình, vì thế anh lính bị “còng cổ, trói tay” đưa đến quan Tổng đốc. May nhờ anh lính tiết lộ “kẻ đứng sau” trò chơi khăm này là Bénige Vachet – người được quan Tổng đốc ưu ái nên anh lính mới tạm an toàn, tuy nhiên vẫn bị giải ra Huế, bởi “chỉ có nhà vua mới có thể bắt lính chịu án tử hình”.

Quan Tổng đốc ngoài việc quở trách Bénige Vachet “suýt hại sinh mạng người lính” còn lập tức viết thư cho hoàng hậu, là vợ thứ hai của Hiền Vương và cũng là con gái của ông để xin giảm án cho anh lính. Buổi xử án trở nên bi hài khi quần thần nghe câu chuyện đều rộ lên cười và bảo gã lính “khá”. “Nhà vua truyền cho gã lính một ít tiền rồi đuổi về”.

Bénige Vachet kết thúc câu chuyện bằng vẻ rất hài lòng: “Tôi thừa biết rằng, suốt thời gian tôi ở lại Đàng Trong, không còn ai bắt gặp người mù ngồi trên cầu nữa”.

LÊ CÔNG

;
.
.
.
.
.