* Nói về nghề đi biển, lâu nay tôi thấy trên báo có nơi viết là nghề “biển dã”, có nơi viết là “biển giã”, thậm chí còn có “biển giả”. Xin cho biết cách viết nào là đúng? Cách dùng từ “vạn giã” trong phóng sự “Đời vạn giã” trên báo Đà Nẵng số ra ngày 24-10-2012 vừa qua có đúng không? (Nguyễn Thành Nam, Thanh Khê, Đà Nẵng).
Ảnh từ phóng sự “Đời vạn giã” cho thấy dụng cụ và tư thế lao động của nghề thợ lặn |
- Về cách viết đúng giữa “biển giã” và “biển giả”, chúng tôi đã đề cập trong Chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Đà Nẵng cuối tuần số ra giữa tháng 6-2008.
Theo đó, “giã” là phương ngữ, tiếng ngư dân vùng biển miền duyên hải miền Trung dùng để chỉ nghề lưới giã. Vì thế, chỉ có một số từ điển giải thích từ này, chẳng hạn như Từ điển tiếng Việt của Phan Canh (NXB Mũi Cà Mau – 1999, tr. 483) giảng là: “Thuyền mành: đi biển, đi giã”.
“Giã” đã đi vào địa danh như thị trấn Vạn Giã ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Theo tác giả Nguyễn Man Nhiên trong bài viết “Vạn Ninh, đất và người”, Vạn Giã nguyên thủy nghĩa là làng của những người làm nghề chài lưới. Vạn: làng chài dọc theo vịnh biển, cửa sông. Giã: nghĩa hẹp là lưới giã, nghề biển trước đây rất phổ biến ở địa phương; nghĩa rộng chỉ nghề biển nói chung: biển giã. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn có chép: “Quán Vạn Giã: ở huyện Quảng Phước, dân cư trù mật, làm nghề đánh cá, từ khi binh lửa, dân bị điêu tàn”.
Về nghề lưới giã, tác giả Tô Phương đã mô tả trong bài viết Vẫn còn những cán bộ “giã cào” đăng trên báo Sài Gòn giải phóng ngày 6-9-2011: “Quê tôi ở vùng biển tỉnh Phú Yên. Bà con ngư dân làm nghề biển thường sử dụng nhiều loại lưới để đánh bắt hải sản. Trong đó có một loại lưới vừa to, vừa cao, vừa dày. Người ta đan các mắt lưới rất nhỏ, để quét sạch những con tôm, con tép, con cá nhỏ xíu; những đàn cá lòng tong vừa mới nở cũng không thoát khỏi mảnh lưới này. Đó là loại lưới giã cào”.
Vậy, từ đang xét phải viết biển giã (dấu ~) mới chuẩn xác. Việc nói/viết thành “biển giả” có lẽ xuất phát từ tình hình mưa bão thất thường trên biển khơi đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, khiến ngư dân buồn tình nên “chơi chữ” như thế. Có thể thấy điều này qua phóng sự nhiều kỳ Ra khơi cùng ngư dân - Kỳ 5: Biển giả trên báo Tuổi Trẻ ngày 17-9-2012 như sau:
“Biển cho cá cho tôm nhưng biển cũng lấy đi hạnh phúc của không ít gia đình. Anh bạn ngư dân tôi mới quen - Tô Văn Đạt, cười nhẹ: “Thế mới gọi là biển giả”. Đây là cách nói của dân đi biển để ví von biển không thật, lắm lúc đang trời yên biển lặng lại chớp nhoáng nổi dông bão thất thường làm khổ ngư dân”.
Như đã nói trên, “vạn giã” là làng của những người làm nghề chài lưới, bài phóng sự “Đời vạn giã”, nói về những người lặn biển: “Tư thợ lặn đột ngột chùng giọng, rồi chầm chậm kể về đại gia đình thợ lặn của mình. Bố anh, ông Nguyễn Bàng, năm nay gần 60 tuổi và cũng gần 50 năm gắn bó với nghề thợ lặn”. Tít đúng cho trường hợp này phải là “Đời thợ lặn” như phóng sự trên báo Thanh Niên ngày 12-4-2009: “Có thể nói ít có địa phương nào trong cả nước lại có nhiều thợ lặn như ở huyện đảo Lý Sơn. Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện nhẩm tính, cả đảo có hơn 2.600 lao động làm nghề biển thì đã có đến khoảng 1.200 thợ lặn”.
ĐNCT