.
Cửa sổ tri thức

Kinh tế xanh, kinh tế nâu

.

* Xin quý báo giải thích các thuật ngữ về môi trường: Hiệu ứng nhà kính; Kinh tế xanh; Kinh tế nâu. (Dương Tấn Hưng, Trưởng đài Truyền thanh xã Hòa Phong, Hòa Vang).

- Hiệu ứng nhà kính (Greenhouse Effect), theo GS. Nguyễn Lân Dũng, là sự trao đổi không cân bằng giữa trái đất và không gian chung quanh làm cho nhiệt độ của khí quyển trái đất tăng lên. Điều này tương tự như sự tăng nhiệt độ xảy ra tại các nhà kính trồng rau, quả tại các nước ôn đới.

Tắc đường là một trong những tác nhân gây gia tăng lượng phát thải khí nhà kính. (Ảnh: V.T.L)
Tắc đường là một trong những tác nhân gây gia tăng lượng phát thải khí nhà kính. (Ảnh: V.T.L)

Năng lượng mặt trời chiếu xuống trái đất đáng lẽ sẽ phản xạ ra khoảng không vũ trụ một phần năng lượng nhưng nay lại bị lưu giữ lại tại tầng đối lưu và phát xạ trở lại trái đất làm cho nhiệt độ tăng dần lên ở khí quyển tầng thấp và bề mặt trái đất.

Hiện tượng giữ nhiệt này xảy ra do một số khí được gọi là khí nhà kính. Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại), chủ yếu bao gồm: hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3 (ôzôn), các khí CFC CF6, HFCs và PFCs.

Kinh tế xanh (Green Economy) được Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP) định nghĩa “là một nền kinh tế hướng tới mục tiêu cải thiện đời sống của con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên”.

Nói một cách đơn giản, kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải các-bon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Phát triển kinh tế xanh hay còn gọi là phát triển bền vững đang được coi là xu hướng lựa chọn cho một tương lai không thảm họa, thân thiện với môi trường.

Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập và việc làm thông qua việc đầu tư của nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.

Trong khi đó, rất nhiều năm qua thế giới phát triển nền kinh tế nâu (Brown Economy), tức là nền kinh tế dựa trên các nguồn năng lượng hóa thạch, đã bộc lộ phát thải khí nhà kính, khủng hoảng biến đổi khí hậu, không bảo đảm an ninh năng lượng dẫn đến chiến tranh và xung đột, không bảo đảm an ninh lương thực…

Về hệ quả của nền kinh tế nâu, ông Patrick Jean Gilabert – Giám đốc Chương trình Phát triển Công nghiệp LHQ tại Việt Nam từng đưa ra những con số cảnh báo giật mình tại cuộc họp báo hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 8-5-2012 tại Hà Nội như sau:

- 40% dân số thế giới hiện dùng nguồn năng lượng hóa thạch là than và gỗ để nấu ăn. Đây là nguồn năng lượng xả ra nhiều khí nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, đẩy con người vào nguy cơ thiếu lương thực. Mặt khác, nền “kinh tế nâu” cũng thúc đẩy khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch một cách mạnh mẽ, đồng thời xả ra môi trường một lượng khí nhà kính cực lớn.  

- Còn 20% số người dân trên trái đất (1,3 tỷ người) hiện chưa được dùng điện, vậy mà nguồn năng lượng của trái đất được dự báo là đang kiệt quệ.

Cũng tại buổi họp báo này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định: Kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh học. Đây được xem là một mô hình mới, góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.