Đã quá quen với thái độ dửng dưng, chán nản; thậm chí còn phản ứng của một số học viên (HV), nhưng các thầy cô giáo dạy nghề ở Trung tâm 05-06 và Trường Giáo dưỡng số 3 vẫn tâm huyết trong công việc. Ai cũng hiểu, đó là một phần của sự bù đắp chia sẻ, giúp các HV tìm được lối đi đúng đắn khi bước qua lỗi lầm.
Trong buổi thi tay nghề sửa xe máy ở Trung tâm 05-06. |
Kiên nhẫn rèn nghề
Khác với những học trò các trường chính quy, HV ở đây là những đối tượng mang trong mình những cái “án” hút chích ma túy, mại dâm, trộm cắp, đánh nhau... nên tính cách rất đặc thù. Trong buổi dạy sửa chữa xe máy cho HV Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 hồi cuối tháng 10 vừa qua, anh Lê Văn Ngộ, Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghệ (CĐCN) kể: “Có bữa đang lên lớp say sưa, HV kêu mệt rồi chỉ lên đầu nói IC của em bị cháy rồi thầy ơi. Vậy là thầy trò cùng nghỉ”. Dạy ở đây không đơn thuần là trang bị kiến thức chuyên môn, nên để giảm căng thẳng cho HV, những thầy cô đứng lớp thường trò chuyện về tâm tư, hoàn cảnh và động viên các em sống thật tốt. “Thời gian đào tạo dài ngày nên chúng tôi cũng không quá nôn nóng, nhồi nhét kiến thức mà chỉ là bày vẽ như cha - con với nhau. Khi thấy các trò áp lực quá thì mình cũng vỗ về như dỗ dành một đứa trẻ”, anh Ngộ chia sẻ.
Có chứng kiến những buổi học, buổi thi của các HV do các thầy giáo đảm nhận mới thấy hết trách nhiệm và tấm lòng bao dung của người “thợ cả”.
Ở Trường Giáo dưỡng số 3 có những buổi học, thầy trò mang theo lỉnh kỉnh những thiết bị máy móc phục vụ cho việc dạy và học, nhưng đôi khi phải bỏ giữa chừng vì HV không thích học. Các cô giáo của Trung tâm Dạy nghề thẩm mỹ Đà Nẵng từng “đỏ mặt tía tai” trong buổi dạy HV nữ nghề làm tóc, khi một em đứng dậy “chửi thề” do không thực hiện được kỹ thuật khó. Rồi đang học, các em giành giật nhau đồ nghề học tập, cãi vã và lao vào nhau như các võ sĩ. Lúc đó, người thầy phải hết sức khéo léo, kiên nhẫn chỉ vẽ cho các em làm được mới thôi.
Những thầy cô được mời liên kết dạy nghề cho các HV ở hai nơi nói trên đều đang công tác ở thành phố. Mỗi buổi dạy phải chạy xe máy hơn 20 cây số lên xã Hòa Phú hoặc Hòa Bắc để tới lớp cho kịp giờ. Gặp bữa “xui xẻo” xe bị hư hỏng, dù mệt cũng cố gắng truyền đạt những gì có thể cho HV của mình. Anh Nguyễn Lê Châu Thành (Bộ môn Công nghệ kỹ thuật ô-tô Trường CĐCN) cho biết: “Rất nhiều HV không có nền tảng trình độ ngay từ đầu tiếp thu rất chậm nên không muốn học. Không có thầy kèm cặp là lơ là ngay. Thêm vào đó là tâm lý học xong, lâu mới ra trường rồi cũng quên thì học làm gì, khi về không biết có xin việc được không… Những lúc đó, chúng tôi phải động viên các em dù không làm nghề thì cũng học để sửa chữa các vật dụng cho gia đình mình”.
Tại Lớp khai giảng nghề cho các em ở Trường Giáo dưỡng số 3, Thượng tá Đinh Công Sử, Hiệu phó trường chia sẻ: “Ở độ tuổi này bình thường đã rất khó bảo, huống chi các em vào đây đều có những dấu ấn không tốt về mặt đạo đức. Vì thế, nhà trường cũng hết sức vất vả khi rèn luyện các em từng li từng tí. Có em thì nghe lời, song cũng có những em phải giáo dục nghiêm khắc mới được. Việc học và dạy nghề cho các em vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm nên nhà trường rất quan tâm. Mong rằng các em sau khi ra khỏi trung tâm về với gia đình, với xã hội sẽ có một cái nghề trong tay để mưu sinh vững vàng…”
Chữ thầy có trả cho thầy?
Theo lãnh đạo các đơn vị, việc giáo dục dạy nghề cho HV là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, hằng năm các đơn vị đều xây dựng kế hoạch mời các trung tâm dạy nghề, các trường cao đẳng trên địa bàn về tham gia giảng dạy.
Tính từ đầu năm đến nay, Trường Giáo dưỡng số 3 đã khai giảng được 5 lớp dạy nghề cho trên 100 em HV của trường. Trung tâm 05-06 đã đào tạo được 3 lớp gồm kỹ thuật xây dựng, sửa chữa xe máy, điện dân dụng và công nghiệp cho 70 HV.
Ông Võ Thái Cang, Phó phòng Giáo dục dạy nghề Trung tâm 05-06 nhấn mạnh: Việc đào tạo nghề nhằm mục đích giúp cho HV có cái nghề cơ bản trong tay. Ở đây các thầy cô có trình độ cao, dạy tận tâm và kết thúc khóa học đều có kiểm tra, thi tốt nghiệp và xếp loại trung bình, khá và giỏi theo khung chương trình đào tạo nghề của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội. “Phải nói rằng dạy nghề sẽ giúp các HV quên đi ý nghĩ không tốt trong đầu, sống hướng thiện hơn; đồng thời những nghề này rất thiết thực khi các em hòa nhập với cộng đồng dễ tìm được việc làm”, ông Cang nói.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu một số HV đã tốt nghiệp, vấn đề tìm việc làm sau khi ở trung tâm ra vẫn rất khó, mặc dù chứng chỉ nghề có bảng điểm xếp loại đánh giá hẳn hoi. Anh Nguyễn Thanh Tú (HV 05-06 vừa kết thúc lớp sửa chữa xe máy) cho rằng: “Quá trình học không phải ai cũng tiếp thu tốt mà chính là phải nỗ lực tìm tòi, chịu khó để đạt loại giỏi, sau này dễ xin việc. Nhưng với tôi, thời gian học đã xong mà thời gian giáo dục ở trung tâm còn dài, sợ khi về sẽ quên mất kiến thức”. Qua đánh giá hằng năm cho thấy, thực tế không nhiều trong số các HV tái hòa nhập xã hội có cơ hội kiếm việc làm phù hợp. Điều này đã được các phường, quận quản lý người sau cai xác nhận bởi nhiều lý do.
Tuy vậy, một số HV đã tham gia học nghề đã trao đổi với các thầy cô giáo về nguyện vọng được nâng cao tay nghề hơn nữa, thực sự muốn có nghề ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình. Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Ngộ khẳng định: “Dù hiện nay có nhiều em vẫn chỉ xem việc học nghề để giết thời gian nhưng chúng tôi vẫn tổ chức dạy và thi rất kỹ, đánh giá đúng tay nghề. Khóa trước xong còn có khóa nối tiếp, nếu không đào tạo bài bản thì các em sẽ không ý thức tốt việc học là cần thiết như thế nào cho chính mình về sau”.
DUYÊN ANH