.

Hiện tượng Meggie Phạm

.

Mãi đến lễ kết nạp Meggie Phạm vào Hội Nhà văn Thừa Thiên-Huế đầu năm 2013, tôi mới biết đến quê nội cây bút trẻ này ở xứ Quảng, thuộc dòng họ Phạm Phú danh tiếng. Cô đang là sinh viên Đại học Khoa học Huế.

Trước thềm năm mới 2013, Meggie Phạm vừa xuất bản cuốn truyện dài Người xa lạ và em (NXB Trẻ, 2012). Đây là cuốn thứ 4 trong bộ sách viết về những cuộc tình của các chị em gái trong cùng một gia đình, được xuất bản liên tục trong 2 năm 2011-2012. Ba cuốn trước là Hoàng tử và em (cuốn đầu tay), Giám đốc và em, Chàng và em, mỗi cuốn dày trên dưới 300 trang, sau lần in đầu từ 2.000 – 3.000 bản, nghe đâu đã in lại lần 2, lần 3.

Có thể nói đây là một hiện tượng hoặc ít ra là một chuyện lạ đối với đội ngũ những người viết trẻ. Cũng có một số tác giả in hai cuốn trong một năm, nhưng thường là do tự mình in lấy và chủ yếu để biếu tặng bạn bè. Cả đến các nhà văn thành danh, muốn nhà xuất bản bỏ tiền ra in sách cũng rất khó, mặc dù 5 - 10 năm mới có một cuốn, và thường chỉ in 500 - 1.000 bản…

Kể ra như vậy để thấy trường hợp Meggie Phạm quả là đặc biệt. Tuy thế, hiện tượng này chưa tạo thành dư luận, tác giả thì như muốn giấu mặt và không bận tâm đến việc PR cho mình. Khi ra cuốn truyện đầu tay, chưa mấy ai biết tác giả trẻ này xuất xứ từ đâu. Mãi đến khi cô được mời dự Hội nghị những người viết trẻ, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào năm 2011, nhiều người mới biết tên thật của cô là Phạm Phú Uyên Châu, 20 tuổi, sinh viên năm thứ 3 Đại học Khoa học Huế. Và cũng tại hội nghị này, lần đầu cô lên tiếng trước văn đàn và Phạm Phú Uyên Châu là một trong số những tác giả trẻ được chú ý.

Chỉ vậy thôi, nếu tôi không nhầm thì báo chí ít bình luận về những tác phẩm cô đã xuất bản, càng ít có nhà phê bình tên tuổi lên tiếng về những tác phẩm đó. Và Phạm Phú Uyên Châu cứ lặng lẽ viết, xuất bản cuốn thứ 4, chuẩn bị ra cuốn thứ 5 và NXB Trẻ vẫn tiếp tục nối bản.

Những cuốn sách của Phạm Phú Uyên Châu ít được bàn luận có lẽ một phần vì không thuộc dòng cách tân mà giới phê bình hiện đang có xu thế cổ súy cho những tác giả có cách viết mới lạ. Điều đó là cần thiết, vì bản chất văn học nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng, nhưng xin đừng đi quá đà, chỉ coi trọng những tác phẩm cách tân, lắm chiêu trò làm mới về hình thức, chỉ những tác giả viết rắc rối, khó hiểu mới có trình độ nghệ thuật cao, bất kể nội dung viết cái gì. Thực tế sáng tác trong nước và thế giới những năm gần đây đã chứng tỏ, tác phẩm viết theo cách truyền thống vẫn đạt đến đỉnh cao. Ba cuốn tiểu thuyết dầy cộp của Nguyễn Xuân Khánh (Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa) và tiểu thuyết của Mạc Ngôn vừa đoạt giải Nobel là bằng chứng thuyết phục.

Riêng với Phạm Phú Uyên Châu như tôi được biết, cô chưa sẵn sàng làm nhân vật chính cho một hội thảo về văn học. Sự tự biết và khiêm tốn như thế, rất đáng hoan nghênh, nhưng về phía tổ chức quản lý, xây dựng phong trào văn nghệ có lẽ đã quá thận trọng trong việc biểu dương, động viên những cây bút trẻ. Tác phẩm của Phạm Phú Uyên Châu tuy chưa đủ sức nặng tạo nên dư luận, nhưng rất ít cây bút trẻ đạt được kết quả như thế. Cả 4 truyện dài, đều là chuyện tình của mấy chị em trong nhà mà cốt truyện, tình huống truyện vẫn luôn gây bất ngờ, có sức lôi cuốn độc giả, nhất là với lứa tuổi đang yêu, tâm lý nhân vật đa dạng và không ít đoạn khá sâu sắc. Những chuyện tình không phải đều “trong như pha lê và đẹp như cổ tích” (Lời giới thiệu “Hoàng tử và em” của Nhà xuất bản), mà không ít đôi lứa đã phải trải qua nhiều thử thách, bi kịch, tan vỡ… nhưng trước tình trạng yêu đương kiểu chụp giật, buông thả, hoặc vụ lợi có xu thế phát triển trong xã hội hiện nay, các tác phẩm của Phạm Phú Uyên Châu sẽ giúp các bạn trẻ những bài học đường đời bổ ích, biết gạn đục khơi trong tìm đến tình yêu chân chính.

Có thể sẽ có bạn cho rằng tác phẩm của Phạm Phú Uyên Châu không có sức nặng tư tưởng, chỉ là truyện tình yêu tay ba tay tư nơi công sở, phố thị, nghệ thuật không mới. Và hiện thực, cuộc sống sôi động, vất vả của nhân dân ở đâu trong cây bút trẻ này? Những đòi hỏi không phải vô lý, nhưng có lẽ quá nhiều, quá “nặng” đối với những tác phẩm đầu tay. Vả lại, tác phẩm văn nghệ vốn đa dạng, hiện thực thể hiện trong tác phẩm càng lắm vẻ và đó mới chỉ là bột, chứ chưa hẳn sẽ thành bánh ngon. Hiện thực kháng chiến vĩ đại gấp nghìn lần tình yêu đôi lứa, nhưng hình như thơ tình Xuân Diệu lại được người đời nhớ đến nhiều hơn. Cũng vì tình yêu vốn là đề tài muôn thuở, không bao giờ cũ, luôn tìm được bạn đọc tri âm.

Chúng ta hy vọng Phạm Phú Uyên Châu, sau mùa quả đầu, vẫn giữ được niềm say mê sáng tạo nhưng luôn tỉnh táo, không ngừng tìm tòi học hỏi để có một tầm văn hóa cao, hiểu biết sâu sắc cuộc sống nhân dân; khi đó, với trí tưởng tượng và bút lực mạnh mẽ sẵn có, một sự thay đổi, tự vượt lên mình, là điều trong tầm tay...

NGUYỄN KHẮC PHÊ
 

;
.
.
.
.
.