.

Mùa ve

.

Khi mùa hè trở về bằng tiếng ve kêu rộn rã dưới những tàng cây xanh cũng là lúc các em học sinh nhỏ tưng bừng vui với những ngày cắm trại, những buổi đi chơi xa và những buổi liên hoan chia tay nhau vào cuối năm học để bắt đầu thời gian nghỉ hè thú vị.

Chừng vào cỡ tuổi ấy hẳn không mấy ai không nhớ đến câu chuyện Kiến và Ve sầu - chuyện kể chú ve say sưa ca hát suốt cả những ngày hè trong bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine mà người lớn thường dùng để khuyên chúng ta chớ nên “say sưa” ca hát quá như chú ve sầu trong câu chuyện đến nổi quên cả việc “tích cốc phòng cơ”, dự trữ thực phẩm cho những ngày đói khổ khi những cơn mưa dầm gió bấc mùa đông thổi về.

Ve sầu, hình khắc trên chiếc kẹp tóc Elizabeth Bonte.
Ve sầu, hình khắc trên chiếc kẹp tóc Elizabeth Bonte.

“Ve sầu kêu ve ve,
Suốt mùa hè,
Đến kỳ gió bấc thổi,
Nguồn cơn thật bối-rối.
Một miếng cũng chẳng còn,
Ruồi bọ không một con.
Vác miệng chịu khúm-núm,
Sang chị Kiến hàng-xóm.
Xin cùng chị cho vay,
Dăm ba hạt qua ngày.
Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả…”

Và gặp phải một chú kiến ghét  thói lười biếng nên kiến chua cay:

- Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi Ve như vậy.
Ve rằng:
- Luôn đêm ngày,
Tôi hát, thiệt gì bác.
Kiến rằng:
- Xưa chú hát! Nay thử múa coi đây.

Ôi chao, nói như thế làm sao mà múa nổi. Và, “bài học cơm áo” qua bài thơ ngụ ngôn đó đã in đậm nét hình ảnh chú Ve sầu trong nền văn học nghệ thuật Pháp cũng như các nước trên thế giới.

Bên cạnh văn học, hình ảnh chú ve sầu thường xuyên xuất hiện trên rất nhiều tác phẩm mỹ thuật như áp-phích, hội họa, điêu khắc, gốm sứ. Như tranh áp-phích in lụa về ve sầu xuất hiện định kỳ vào mùa xuân ở Chicago của Jay Ryan.

Ba ve sầu, tranh mực và màu nước của Joe MacGown.
Ba ve sầu, tranh mực và màu nước của Joe MacGown.

Ve sầu xuất hiện nhiều trong tác phẩm của Jessa Huebing-Reitinger, một họa sĩ chuyên về côn trùng và thực vật. Như một họa sĩ thường vẽ trực tiếp với thực vật hay côn trùng, Jessa chấp nhận nhiều khó khăn trên địa hình cũng như sự thay đổi khí hậu hằng ngày. Và trong những lần trưng bày hay vẽ biểu diễn trước khán giả, Jessa chịu nhiều áp lực về thể chất lẫn tinh thần khi đứng trên chiếc thang cao, tập trung cao độ mà chỉ để vẽ chi tiết một con côn trùng rất nhỏ như chú ve sầu chẳng hạn trên một tấm vải có kích thước khổng lồ giăng ngang trên sân khấu. Jessa cho rằng, vào những dịp như thế, đã có được những phần thưởng hết sức tuyệt vời khi bắt gặp sự đồng cảm, tương tác từ khán giả, họ bày tỏ sự cảm thông, cảm nhận rằng họ đã “nhìn thấy” và hiểu qua tranh vẽ một điều gì đó không thể nói bằng lời hoặc nhìn thấy được. Tác phẩm của Jessa đã trở nên sống động với sức sống tràn đầy, nhờ có những ý tưởng bất chợt nhưng mạnh mẽ của sự sáng tạo nghệ thuật cùng  với mục đích duy nhất của tác giả nhắm đến: Hướng dẫn và bảo tồn loài vật trong tự nhiên.

Joe MacGown, một họa sĩ khác, cũng hết mình mê côn trùng và hay vẽ ve sầu. Sinh ra ở  Maine vào năm 1964 và lớn lên ở vùng Mississippi, Joe dành cả thời trẻ tuổi của mình khám phá rừng, thu thập, sưu tập côn trùng và vẽ tất cả những gì Joe nhìn thấy, kể cả vẽ những thứ mà ít người nhìn thấy. Rồi khi đến ở vùng sông nước Mississippi, Joe lại có điều kiện thuận tiện hơn để quan tâm đến nghệ thuật bằng các hình ảnh các loài côn trùng hay thực vật trong thiên nhiên. Kể từ tháng ba năm 1988, Joe chính thức làm việc tại Bảo tàng Côn trùng thuộc bang Mississippi với tư cách họa sĩ minh họa và phụ trách trợ lý khoa học. Joe vẫn thường chọn ve sầu làm nhân vật trong tranh.

Ve sầu, tranh sơn dầu của Jessa Huebing-Reitinger.
Ve sầu, tranh sơn dầu của Jessa Huebing-Reitinger.

Còn nhiều tác phẩm và tác giả vẽ về ve sầu khác nữa nhưng chúng ta lướt qua xem một số đồ trang sức có hình ve sầu, chẳng hạn như chiếc lược cài tóc Elizabeth Bonte -  tên một nhà sản xuất đồ trang sức người Pháp chuyên về mặt dây chuyền, kẹp tóc, lược chải bằng sừng. Bà Elizabeth Bonte kết hợp sản xuất với hãng làm đồ trang sức George Pierre, và sự hợp tác này đã tạo ra mẫu lược cài tóc mang hình hai chú ve sầu trang trí đã tạo ra sản phẩm trang sức nghệ thuật thu hút khách hàng từ những năm 1936 cho đến nay…

Sau 17 năm dưới lòng đất phát triển từ ấu trùng đến ve, hằng tỷ chú ve trưởng thành chỉ để vui chơi, ca hát trong bốn tuần liên tiếp cuối cùng của chu kỳ sống khác thường của loài ve sầu. Bù lại sự sinh tồn thoáng chốc đó, hàng tỷ người trên trái đất này, không riêng gì trong tác phẩm của nghệ sĩ, đều trải qua một thời niên thiếu trìu mến vẻ phong sương và tiếng hát triền miên quyến rũ của ve sầu khi mùa hạ trở về.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.