.

Bản sao nhân ái

.

Người lớn luôn ca thán thế hệ trẻ bây giờ sa sút trầm trọng về đạo đức. Nhưng không ai thấy rằng chính trẻ con là bản sao của người lớn mà ra.

Ở bậc học mầm non, các cháu đã được giáo dục về lễ giáo thông qua các sinh hoạt thường ngày.
Ở bậc học mầm non, các cháu đã được giáo dục về lễ giáo thông qua các sinh hoạt thường ngày.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã qua nhưng vẫn chưa hạ nhiệt trong dư luận. Đặc biệt ở môn Ngữ văn, với câu nghị luận xã hội bàn về tấm gương học sinh Nguyễn Văn Nam hy sinh khi cứu 5 em nhỏ đuối nước, được mọi người đánh giá là bất ngờ, mới lạ và bổ ích… Từ đó, một vấn đề được đặt ra: Liệu các bậc cha mẹ có dám dạy cho con cái mình sẵn sàng hy sinh tính mạng vì người khác hay chỉ dừng lại ở mức tung hô cổ vũ suông?

“Sức nóng” ấy càng tăng hơn trong buổi họp đầu tiên thảo luận đáp án chấm thi môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Nhiều giám khảo đã nêu ý kiến tập trung bàn về vấn đề thế nào là “thái độ lệch lạc” và điểm số cụ thể của thí sinh khi trả lời câu này…

Trong khi thầy, cô giáo băn khoăn kiếm tìm cách chấm hợp lý nhất cho câu hỏi mở nói trên thì hầu hết học sinh tỏ ra khá an nhiên tự tại. Đem thắc mắc này hỏi các em thì được nghe câu trả lời thật sửng sốt: “Cô lo gì, tụi em lớn rồi nên biết trả lời an toàn theo đáp án. Không ai dại gì bày tỏ quan điểm, thái độ lệch lạc…”. Vậy có nghĩa là nhiều học sinh không nói thật lòng khi làm bài? Đó cũng là một tính toán khôn ngoan giúp các em đạt điểm cao cho câu hỏi tưởng chừng như khá hóc trong kỳ thi tuyển. Và suy ra rằng việc một số học sinh nói thật (dù có phần lệch lạc) sẽ bị điểm thấp… Gần ba mươi năm đi dạy, chưa bao giờ tôi thấy lo sợ trước nụ cười không thành tiếng của các em như lúc này!

Việc học sinh không dám nói thật những suy nghĩ, tình cảm thật của mình trong bài làm chỉ là một biểu hiện của việc hụt hẫng niềm tin và trống hoác về nhân cách. Dù việc dạy đạo đức cho học sinh là một chương trình xuyên suốt trong các bậc học ở nhà trường. Cụ thể là bậc mầm non dạy lễ giáo, bậc tiểu học có môn Đạo đức và bậc phổ thông học môn Giáo dục công dân. Một câu hỏi đặt ra vì sao những bài học đạo đức mấy mươi năm qua không đi vào trái tim của các thế hệ học trò?  

Bước ra khỏi cánh cổng trường, học sinh phải đương đầu với bao nhiêu cám dỗ, tệ nạn… Vậy mà những bài học ở trường lại quá hàn lâm, xa rời thực tế. Bài học về  tính trung thực, lòng tự trọng trong khuôn khổ chương trình lớp 7 bậc THCS lại được viện dẫn những tấm gương của vĩ nhân người Ý (thời Phục hưng) và người Anh. Thậm chí khi học về đức tính liêm khiết, thì sách đưa tấm gương từ thời Xuân Thu chiến quốc bên Tàu. Vậy đâu rồi những người thật, việc thật của đất nước?…

Ở bậc phổ thông, học sinh bước vào giai đoạn tâm sinh lý có sự thay đổi, phức tạp. Các em cần phải được bồi dưỡng uốn nắn cung cách ứng xử và tình cảm đối với gia đình, thầy cô và cả quê hương thì lại bị ép tiêu hóa những kiến thức rất đỗi hàn lâm như: thế giới quan, phương pháp luận khoa học, bộ máy Nhà nước, quyền sở hữu tài sản…

Trở lại đề Văn thi tốt nghiệp làm xôn xao dư luận vừa qua. Trong khi nhiều học sinh chọn cách trả lời an toàn theo đáp án thì các bậc cha mẹ lại có những phút nói thật lòng đến lạnh người… Người ý tứ thì bóng gió xa xôi rằng, thời buổi này, mỗi gia đình chỉ có hai con. Mấy chuyện cao cả đó không đến lượt con mình… Lại có người huỵch toẹt thẳng thừng: Cha mẹ khó nhọc lắm mới nuôi con khôn lớn, thấy mấy chuyện ấy lo mà tránh xa. Cứu người đâu không thấy, chỉ thấy không cứu được mình…

Lâu nay gia đình được xem như cái nôi hình thành đạo đức cơ bản cho con người, vậy mà các bậc cha mẹ đã gieo vào tâm hồn con trẻ những hạt mầm ích kỷ, độc ác như thế thì làm sao đòi hỏi thế hệ trẻ có một lối sống tử tế, một nhân cách tốt đẹp?

Người lớn luôn ca thán thế hệ trẻ bây giờ sa sút trầm trọng về đạo đức. Nhưng không ai thấy rằng chính trẻ con là bản sao của người lớn mà ra. Người lớn đã đánh cắp niềm tin của con trẻ từ cách hành xử bất nhất của mình. Chúng ta luôn dạy học sinh phải yêu nước nhưng giờ chào cờ các thầy, cô giáo không hề hát quốc ca. Chúng ta dạy học sinh phải trung thực, phải có lòng tự trọng… nhưng vụ gian lận trong thi cử ở Bắc Giang, Đồi Ngô đều do một tay thầy, cô giáo “đạo diễn”. Chuyện người tốt, người dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ chân lý luôn chiến thắng dường như chỉ còn đâu đó trong cổ tích xa xôi. Bởi khi những người như thầy giáo Nguyễn Việt Khoa đã từng lao đao một thời vì dư luận. Những thầy giáo và học sinh tham gia chống tiêu cực ở Đồi Ngô bây giờ lận đận nơi đâu?

Trong khi cả xã hội đang nháo nhào vì tình trạng xuống cấp đạo đức của giới trẻ cũng như tìm các giải pháp cấp Nhà nước để khắc phục thì nhà giáo Đàm Lê Đức (82 tuổi, Trường Bồi dưỡng Văn hóa 218 Lý Tự Trọng TP. Hồ Chí Minh) ngày ngày lên lớp dạy môn Đạo đức khiến nhiều học trò rơi nước mắt. Những điều cô Đức dạy không hề cao siêu mà trái lại gần gũi với học sinh như: Lòng hiếu thảo với cha mẹ, nhân ái với bạn bè… Cả cuộc đời mình gắn trọn với sự nghiệp giáo dục, cô có đến 13 chứng chỉ Toán kinh tế vào loại xuất sắc nhưng lại dạy học trò đạo làm người. Trẻ con là bản sao của người lớn, nếu đất nước có nhiều nhà giáo – phụ huynh thiết tha với tuổi trẻ như cô thì hẳn con người đã biết sống với nhau nhân ái hơn, tử tế hơn.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.