Không ít ông bố, bà mẹ trẻ hiện nay tỏ rõ quyết tâm “đầu tư” tối đa cho con phát triển tài năng. Họ nghĩ phát hiện năng khiếu càng sớm càng tốt, cho học càng sớm cũng sẽ càng giỏi.
Cần kiên nhẫn trước mong muốn trẻ trở thành những ngôi sao nhí tỏa sáng trên sân khấu. |
“Đầu tư” khi tài năng mới chớm
Trong khuôn khổ buổi giao lưu với phụ huynh tại một trường mầm non chất lượng cao trên địa bàn thành phố, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều ông bố, bà mẹ trẻ quan tâm đến việc nhà trường cần tăng cường phát hiện và đào tạo năng khiếu cho trẻ ngay từ giai đoạn chập chững biết đi. Một phụ huynh của bé 2,5 tuổi (quận Thanh Khê) đề nghị: “Cô giáo có thời gian gần gũi bé nhiều hơn cha mẹ, nên có thể cô là người đầu tiên “nhìn” ra năng khiếu của trẻ, vì thế mong cô nhanh chóng cho gia đình biết bé sớm bộc lộ tài năng trong lĩnh vực nào để kịp thời bồi dưỡng như vẽ, hát, múa, bơi lội, v.v…”. Một bà mẹ khác đồng quan điểm: Nhân dịp hè, phụ huynh muốn cho con học thêm các môn năng khiếu. Nói chung, trường mở lớp nào dành cho bé 3 tuổi trở xuống thì gia đình cũng sẵn sàng gửi con vào học.
Tuy nhiên, một số người lại không đồng tình với các ý kiến trên khi cho rằng, trẻ trong giai đoạn này (18-36 tháng), chỉ cần đến trường với trạng thái vui vẻ, biết ăn, ngủ, vệ sinh có nền nếp đã là dấu hiệu đáng mừng. Ngoài ra, không nên đặt nặng chuyện tài năng hay năng khiếu trong độ tuổi này. Dĩ nhiên, nhóm người này bị số đông còn lại cho là “lỗi thời” hay không cập nhật việc giáo dục con theo khoa học hiện đại, không quan tâm “đánh thức” bộ não của trẻ.
Coi chừng ngộ nhận tài năng
Về vấn đề nên cho trẻ học năng khiếu ở độ tuổi nào là hợp lý, cô Phan Thị Thuận Nhi, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho rằng: Trẻ dưới 3 tuổi chỉ mới ở giai đoạn hoàn chỉnh các kỹ năng phát âm, nói, vận động. Từ 5-6 tuổi, đứa trẻ mới thực sự tỏ rõ mình thích gì nhất, có sở trường trong lĩnh vực nào. Và đây cũng là thời kỳ phụ huynh nên quan tâm bồi dưỡng năng khiếu cho con. Việc phát hiện sớm và can thiệp đúng lúc sẽ giúp tài năng của trẻ được tỏa sáng, nhưng ngược lại, nếu cha mẹ thích mà cứ ngỡ con cũng thích hoặc áp đặt sở thích đó lên con cái thì chỉ khiến cho trẻ thêm nặng nề vì tài năng ảo. Thầy Phan Thanh Toại, Trưởng bộ môn bơi lặn Đà Nẵng cũng cho rằng năng khiếu bơi của trẻ sẽ bộc lộ rõ từ tầm 5 tuổi. Độ tuổi này, cho trẻ thường xuyên đi bơi là vừa, và giáo viên hướng dẫn sẽ là người nhìn thấy con bạn có khả năng trở thành vận động viên bơi lội hay không.
Trong khi các phụ huynh mong mỏi cô giáo sớm cho gia đình biết trẻ bộc lộ tài năng trong lĩnh vực nào, thì những người trực tiếp chăm trẻ lại thú thực: Khó mà biết một em bé nói chưa rõ, chạy chưa chắc có tài gì. Nhiều lúc cháu cầm bút chì màu và tô rất say sưa như thể yêu thích hội họa lắm, nhưng hôm sau, cũng đưa bút chì màu, bé lại quăng sang một bên vì chán. Hơn nữa, khi trẻ chưa biết đọc, viết mà ép học đàn thì làm sao cháu tự tin “đọc” nốt nhạc. Nếu vì quá sức mà thất bại trong việc học năng khiếu thì đó sẽ là dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí như tờ giấy trắng của một đứa trẻ. Lớn lên, trẻ cũng dễ bị cảm giác sợ khi phải học lại môn nghệ thuật đó.
HƯỚNG DƯƠNG