1. Ngay bản thân câu hỏi “Làm người tử tế, dễ không?” đã cho thấy để trở thành một người tử tế không hề dễ. Trong tiếng Việt có hai từ ghép Hán-Việt tuy khác nghĩa nhau nhưng lại có nhiều điểm rất giống nhau là tinh tế và tử tế: bốn hình vị đều cùng một phụ âm đầu, hai từ đều có chung hình vị tế và cả hai đều nói lên phẩm chất trân quý của con người. Có điều trở thành một người tinh tế đã khó - vì phải thật thông minh và hết sức nhạy cảm; trở thành một người tử tế còn khó hơn nhiều. Tinh tế thì chỉ cần nỗ lực cá nhân là đủ; tử tế đòi hỏi nỗ lực cá nhân - bởi làm điều xấu/điều ác có thể theo bản năng nhưng làm điều tốt/điều tử tế bao giờ cũng phải cố gắng, đồng thời đòi hỏi cả một môi trường xã hội có khả năng tiếp nhận và tiếp sức cho nỗ lực cá nhân ấy. Đó là chưa kể không ai buộc người tinh tế lúc nào cũng phải tỏ ra tinh tế, ngược lại tử tế - nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “đòi hỏi người ta phải sống vì cái đúng và vì người khác từng giờ, từng ngày và suốt cả cuộc đời, không bao giờ được phép ngưng nghỉ” (1). Và tử tế đoản mệnh hơn tinh tế, bởi cũng theo cái nhìn tinh tế của Nguyễn Quang Thiều, tử tế sẽ “biến mất ngay khi chúng ta cảm thấy khó chịu khi người được mình giúp lại không biết cách bày tỏ lòng biết ơn chúng ta, không biết cách tung hô sự giúp đỡ của chúng ta và không biết cách quảng cáo cho sự giúp đỡ của chúng ta” (2).
2. Làm người tử tế không dễ vì đòi hỏi cá nhân phải nỗ lực rất cao và quan trọng hơn là phải nỗ lực liên tục. Nỗ lực cá nhân đáng kể nhất ở đây là nỗ lực quên mình - có thể không đến mức như Bác Hồ “Chỉ biết quên mình cho hết thảy / Như dòng sông chảy nặng phù sa” (thơ Tố Hữu) thì ít ra cũng biết quên mình vì một người mình thương yêu hết mực. Trong phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy, người làm phim đã dùng ngôn ngữ điện ảnh để kể về chị Nguyễn Thị Hằng, một người tử tế mắc bệnh nan y - tử tế như/tử tế hơn những người tử tế lành lặn khỏe mạnh vẫn đương có/đương còn trong cõi nhân gian. Người mẹ bất hạnh này bị bệnh phong không thể sống ở làng phải bỏ quê lang thang bờ bụi, nhưng vì muốn cho con trai mình dứt ruột đẻ ra có được một ngôi nhà nên “đêm đêm chị lần về, bằng hai bàn tay cùi cụt, co quắp, không đủ ngón đốt, đã đóng một vạn tám ngàn viên gạch trong lạnh buốt và đau đớn” (3). Làm người tử tế khó như vậy, đòi hỏi cao như vậy, phải dám hy sinh như vậy nên những kẻ ích kỷ cả đời không sống vì ai, chỉ biết ganh tỵ đố kỵ với người xung quanh kiểu như anh chàng đi câu trong Sự tích cá mắt lồi chấp nhận chột một mắt để người hàng xóm phải bị mù cả hai mắt, chắc chắn không thể nào sống cho tử tế, cùng lắm chỉ là giả vờ tử tế - hay như ghi nhận của Nguyễn Quang Thiều, “đó là sự tử tế của ngôn từ, chứ không phải sự tử tế của hành động” (4).
3. Làm người tử tế không dễ vì ở đây không chỉ đòi hỏi nỗ lực cá nhân mà còn đòi hỏi cả một môi trường xã hội có khả năng tiếp nhận và tiếp sức cho nỗ lực cá nhân ấy. Đó là một môi trường luôn hướng đến ba cột trụ tinh thần của con người là Chân - Thiện - Mỹ. Chính vì thế mà Nguyễn Quang Thiều cho rằng tử tế đòi hỏi người ta phải sống vì cái đúng - và tất nhiên phải sống vì cả cái tốt và cái đẹp nữa. Đó còn là một môi trường thường xuyên nuôi dưỡng niềm tin của con người vào bản chất hướng thiện của đồng loại, ngay trong trường hợp niềm tin ấy chỉ còn là sự cả tin. Karl Marx khi trả lời con gái cũng khẳng định: với ông, thói xấu dễ tha thứ nhất là sự cả tin, bởi người cả tin vẫn đáng quý hơn nhiều so với người không chịu tin vào bất kỳ ai. Như vậy, làm người tử tế còn khó ở chỗ cuộc sống đòi hỏi họ vẫn cứ tiếp tục tử tế ngay khi niềm tin vào đồng loại chỉ còn là sự cả tin, thậm chí ngay khi người cả tin phải chịu cảnh làm ơn mắc oán. Chính vì tin vào bản chất hướng thiện của con người nên dẫu biết rằng người thực sự tử tế vốn không nhiều, chúng ta vẫn có thể khẳng định: tử tế hoàn toàn có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội đương đại; và dẫu biết rằng làm người tử tế không dễ, chúng ta vẫn phải kiên trì tiếp nhận và tiếp sức cho những nỗ lực cá nhân đang hướng đến/vươn lên sự tử tế, hay nói theo ngôn ngữ của đạo diễn Trần Văn Thủy, chúng ta vẫn phải “bền bỉ đánh thức sự tử tế” (5)…
4.Trong phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy, có một lời bình rất đáng suy ngẫm: “Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm” (6). Cho nên có nhiều cách để có thể bền bỉ đánh thức sự tử tế nhưng có lẽ cách quan trọng nhất là bắt đầu “đánh thức” ngay từ khi con người vừa mới cắp sách đến trường. Và xuất phát từ sự phân biệt của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về hai loại tử tế: tử tế của ngôn từ và tử tế của hành động, các nhà trường cần đổi mới cách giáo dục lòng tử tế từ chỗ nặng lý thuyết sách vở - giỏi lắm chỉ tạo ra sự tử tế của ngôn từ, đến chỗ giàu thực tiễn đời sống - mới có thể tạo ra sự tử tế của hành động, và mỗi cô giáo/thầy giáo phải trở thành một tấm gương sáng về lòng tử tế cho học sinh noi theo. Đương nhiên, học sinh còn phải được noi theo tấm gương sáng về lòng tử tế từ cha mẹ/ông bà mình. Và đương nhiên cả các cô giáo/thầy giáo lẫn các bậc ông bà/cha mẹ cũng phải được noi theo tấm gương sáng về lòng tử tế từ những nhà lãnh đạo địa phương/đất nước… Không có “hệ thống” gương sáng về lòng tử tế từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài như vậy, khó có thể có một môi trường xã hội có khả năng làm “bà đỡ” cho những nỗ lực cá nhân đang hướng đến/vươn lên sự tử tế và do vậy khó có thể có ngày càng nhiều những người tử tế.
BÙI VĂN TIẾNG
(1) Nguyễn Quang Thiều: Tranh nhau làm người… tử tế, TuanVietnam.net
(2) Nguyễn Quang Thiều: Bài đã dẫn
(3) Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy: Chuyện nghề của Thủy, Nxb Hội Nhà văn, 2013, trang 196.
(4) Nguyễn Quang Thiều: Bài đã dẫn.
(5) Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy: Sách đã dẫn, trang 185.
(6) Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy: Sách đã dẫn, trang 185.