Đã có nhiều doanh nhân làm thơ, in thơ, nhưng “Thơ vui cùng sự nghiệp” của Huỳnh Văn Chính (thật sự độc đáo, vì đây là một tập thơ vui - như tác giả cố tình chọn tên cho tập thơ - và đa phần là thơ nói lái. Thơ nói lái vốn thường chỉ để “xuất bản miệng”, để đọc cho nhau những khi trà dư tửu hậu, nhằm góp một tiếng cười, nhưng được trình làng dưới dạng một ấn phẩm đàng hoàng, trang nhã, thì quả là hiếm.
Những vần thơ thư giãn đầy ngẫu hứng, chứa đựng nhiều hàm ý từ cách nói lái đa nghĩa của Huỳnh Văn Chính, chúng ta nhận ra ngay cái cười nhiều cung bậc. Tuy nói cái cười vốn phong phú, nhiều cung bậc, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, một trong những cái cười khiến con người cảm thấy thỏa mãn nhất là cái cười châm chọc, dù chỉ là một sự châm chọc nhẹ nhàng. Chính đây là một trong những thế mạnh ở thơ nói lái của Huỳnh Văn Chính.
Chẳng hạn, trước cảnh một đơn vị tổ chức đón Huân chương vô cùng lãng phí, tác giả liền có thơ: Phong bì chuẩn bị từng danh sách/ Thức nhấm sẵn sàng đủ chất cay/ Tiệc mặn liên hoan đầy các cụ / Lễ nghi dồn lại các quan say (Chết có ngày). Hay tại một kỳ họp HĐND thành phố bầu các chức danh hội đồng, Huỳnh Văn Chính kể: 9 vị Ủy viên Ủy ban được bầu đều là nam giới, ngồi bên cạnh chị Vân Lan, Trưởng ban VHXH và chị Tám, Chủ tịch Hội LHPN, tôi biết các chị không vui, vậy có thơ rằng: Ủy ban 9 vị được bầu/ Mà sao toàn đấng mày râu thế này / Chị Lan, chị Tám có hay/ Đôn lần phụ nữ sau này bổ sung”.
Nhưng, nhiều khi không hẳn là chuyện châm chọc, phúng thích bằng những vần thơ nói lái; mà có thể đó chỉ là một cái cười nhẹ nhàng, một cách “xả xú-bắp” cho cuộc sống có thêm một tiếng cười, bớt làm người ta căng thẳng. Tại kỳ họp HĐND kiểm điểm công tác 6 tháng đầu năm 1998, trong phần phát biểu của mình, chị Diệu Thanh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, nêu ra khó khăn trong việc đền bù giải tỏa đường Nguyễn Tri Phương, theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm: “Hội đồng thì cho phép 4 cái (nhà cửa, tường rào cổng ngõ, cây lâu năm, hoa màu), mà Chủ tịch bắt làm luôn 8 cái, do vậy, dân không chịu...”. Cả hội trường cười ồ lên. Huỳnh Văn Chính có thơ rằng: “Hội đồng cho 4 cái thôi/ Anh chơi 8 cái để rồi dân la/ Không cần Via-gờ-ra (Viagra)/ Sức anh chiến đấu gấp ba người thường” (4 hay 8?).
Lần khác, vào ngày 18-5-2004, giữa kỳ họp Quốc hội khóa XI, thảo luận tại hội trường về Luật phá sản. Huỳnh Văn Chính là đại biểu được chủ trì kỳ họp mời tham gia phát biểu về dự thảo luật này, vừa mới đứng lên, hăng hái “Kính thưa quý đại biểu”, bỗng đâu, từ trên khán đài chủ tọa ngồi, nước đổ xuống xối xả, tung tóe. Chị Thu Hương, lúc bấy giờ là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cùng cả tổ thư ký, ai nấy đều ướt đẫm. Không thể khác, chủ tọa phải cho tạm dừng kỳ họp. Chứng kiến tình cảnh ấy, Huỳnh Văn Chính có mấy vần thơ...: Đang trời quang mây tạnh/ Bỗng dưng giữa hội trường/ Nước ầm ầm đổ xuống/ Ướt váy chị Thu Hương/ Nước ướt bàn Thư ký/ Nước viếng Chủ tịch đoàn... Luật phá sán-phá sản/ Phát biểu ngưng giữa chừng...
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất của xã hội là chuyện tham nhũng. Đây là vấn đề mà Quốc hội không thể không đưa ra bàn. Đại biểu Huỳnh Văn Chính kể: “Cũng trong kỳ họp này (18-5-2004), các đại biểu thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng. Nhiều đại biểu cho rằng, có một thực tế rất khó, là có quan chức phát biểu rất hùng hồn về chống tham nhũng, nhưng chính bản thân lại tham nhũng, lại cứ xà xẻo đất công, mà cụ thể nhất là những vụ Đồ Sơn, vụ Lã Thị Kim Oanh...”. Ngán ngẩm về tình trạng này, Huỳnh Văn Chính có thơ: Hoan hô phong trào chống tham/ Nhũng nói thì dễ mà làm sao đây?/ Đất công giá đáng ngàn cây/Ông hô một tiếng, về tay của mình/ Chống tham nhũng Dân đồng tình/ Chống ai thì chống/ Riêng mình thì thôi! (Chống tham nhũng).
Cũng trong các kỳ họp Quốc hội, có những đại biểu nữ mà Huỳnh Văn Chính quen thường nói vui: “Kỳ họp dài ngày, chị em phụ nữ bể phọt hết, vì ngồi nhiều quá”. Huỳnh Văn Chính có thơ tặng chị em: ... Trót làm nghị sĩ quê ta/ Mỗi năm mấy bận vào ra Ba Đình/ Khi đứng nói, lúc ngồi thinh/ Quên đi “mấy cái của mình” tăng cân/ Đã làm đại biểu của dân/ Mông to, bụng lớn, phân vân làm gì/ 40 ngày sẽ qua đi/ Về quê giảm béo, đến kỳ lại lên” (Đến kỳ lại lên).
Cái cười trong thơ vui, thơ nói lái của Huỳnh Văn Chính dễ giúp ta có dịp nhìn lại chính mình, để có thêm một cơ hội hoàn thiện chính bản thân ta. Đọc hết tập thơ “Thơ vui cùng sự nghiệp” của Huỳnh Văn Chính, ta không thể phủ nhận cái tinh thần nhân văn bàng bạc trong những vần thơ nói lái của anh. Và dù ít dù nhiều, nó cũng đã đánh thức tâm hồn chúng ta. Chỉ riêng điều ấy thôi đã đủ để chúng ta thêm quý con người lúc nào cũng muốn mang lại nụ cười cho những ai còn quan tâm tới điều Thiện và cái Đẹp giữa đời.
Huỳnh Văn Chính là người thích cười, và trong cuộc đời thực thường hay mang lại những tiếng cười sảng khoái cho mọi người chung quanh. Có lẽ, nhờ thế, mà Huỳnh Văn Chính là doanh nhân luôn lạc quan nhìn về tương lai. Chắc rằng, khi đọc những bài viết về anh (trong phần phụ lục), ta mới cảm nhận thật rõ anh đã từng vượt qua rất nhiều gian khổ để sống thật có ích trong cuộc đời vốn không ít đắng cay, để không bao giờ từ bỏ tâm nguyện gắn bó với Công ty Dệt-may 29-3.
Xin kết lại bài viết này bằng những câu thơ anh viết sau một cuộc họp toàn ngành công nghiệp nhẹ tại Đồ Sơn, trên đường trở về Đà Nẵng, xe anh bị hỏng máy, phải nằm lại đèo Hải Vân. Một đêm không ngủ, anh đã bật thành thơ: ... Ta chừ còn lắm lao đao/ Lòng ta sóng biển rì rào quanh năm/ Đã tình nguyện một kiếp tằm/ Khó khăn vẫn phải góp phần nhả tơ/ Biết bao giờ? Đến bao giờ?/ Đời như mặt nước lặng lờ hồ thu/ Rừng khuya gió thổi vi vu/ Bình minh từ cõi xa mù vầng dương...
TẦN HOÀI DẠ VŨ