.

Nỗi lo Karoshi ở Nhật Bản

.

Karoshi trong tiếng Nhật nghĩa là chết vì làm việc quá sức. Karoshi đang là nỗi lo của nhiều người ở đất nước Mặt trời mọc. Gia đình các nạn nhân đang đấu tranh để hình thành luật hẳn hoi nhằm thoát khỏi nỗi lo karoshi ở Nhật Bản.

Mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng và kéo dài hơn bình thường.
Mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng và kéo dài hơn bình thường.

Hideki Maekawa, 48 tuổi, là một nhà nghiên cứu và Phó giáo sư tại Trường Đại học Tohoku. Trận động đất kinh hoàng năm 2011 làm hư hỏng nặng Trường Tohoku, trong đó phá hủy phòng thí nghiệm của ông. Muốn tiếp tục công việc nghiên cứu, Hideki buộc phải tự phục hồi các thiết bị của mình trong phòng thí nghiệm. Theo nhận định ban đầu, Hideki phải mất hai năm cho công việc này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu 48 tuổi này đã làm việc gấp đôi thời gian bình thường nên chỉ một năm sau ông đã phục hồi toàn bộ phòng thí nghiệm. Ông đưa gia đình của ông tới Trường Tohoku để tự hào về nỗ lực vượt trội của mình.

Chưa đầy hai tuần sau chuyến thăm của vợ và đứa con trai 14 tuổi, Hideki cảm thấy sức ép công việc quá nặng nề. Kết cục hết sức bi thảm khi Hideki tự tìm tới cái chết. Người vợ góa của ông, Tamako không chịu đứng im nhìn chồng chết vì làm việc quá sức cho nhà trường. Bà tham gia vào nhóm hỗ trợ cho những ai có người thân bị chết vì làm việc quá tải kêu gọi các nhà làm luật Nhật Bản xây dựng một đạo luật hẳn hoi nhằm giúp ngăn cản bi kịch tương tự cho những gia đình khác. Nhóm này cho rằng các cơ quan, trường học tỏ ra thiếu quan tâm tới sức khỏe tinh thần và tình cảm của người lao động. Bà Tamako nộp hồ sơ chồng mình vì cho rằng đó là tai nạn lao động. Chính phủ Nhật Bản thừa nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường của bà. Tòa án cũng phán quyết Phó giáo sư Hideki chết vì làm việc quá sức. Như vậy, Trường Đại học Tohoku buộc phải bồi thường cho góa phụ Tamako.

Nhóm hỗ trợ chỉ mới hình thành 3 năm qua nhưng đã tập hợp được 460 nghìn chữ ký để kêu gọi xây dựng đạo luật chống làm việc quá sức. Nhiều thành viên của 9 đảng phái chính trị tại Nhật Bản cũng ủng hộ kế hoạch xây dựng luật mới này (dự kiến sau cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng bảy tới) vì cho rằng như thế xã hội sẽ tử tế hơn.

Cách đây không lâu, báo chí Nhật Bản phanh phui tình trạng nhiều công ty tạo ra “phòng xua đuổi”. Những phòng này có tên rất “oách” như Phòng phát triển nguồn nhân lực hay Nhóm phát triển sự nghiệp… Nhưng thực chất đây là thủ thuật của ban giám đốc đẩy những lao động dư thừa vào, giao rất ít việc sẽ khiến họ chán nản xin nghỉ việc. Như vậy, công ty sẽ ít mất tiền hơn là cho họ nghỉ việc.

ANH THƯ

;
.
.
.
.
.