.

Tác phẩm nghệ thuật giả mạo

.

Một câu hỏi mà nhiều độc giả vẫn thường tự hỏi, tại sao con người ấy lại trở thành một kẻ thực hiện các tác phẩm giả mạo? Câu hỏi này trở thành chủ đề lớn của một cuốn sách tiếng Đức mang tên“Falsche Bilder-Echtes Geld” (tạm dịch “Tranh giả-Tiền thật” (*) NXB Gliani Berlin) của hai tác giả nhà báo Stefan Koldehoff và Tobias Timm.

Cuốn sách ra đời đã làm nóng lại những câu chuyện về các họa sĩ chuyên vẽ tranh giả. Trong số nhân vật được cuốn sách nhắc đến, có hai vợ chồng Wolfgang Beltracchi đang thọ án trong tù vì tội vẽ và tiêu thụ  tranh giả. Wolfgang Beltracchi được cho là “kiện tướng” hàng đầu trong lịch sử lừa đảo nghệ thuật.

Wolfgang Beltracchi và bức tranh giả.
Wolfgang Beltracchi và bức tranh giả.

Koldehoff và Timm đã phơi bày thực tế của cuộc sống gian lận nghệ thuật qua lối viết tiểu thuyết tội phạm hình sự lôi cuốn người đọc. Tranh giả, tiền thật mô tả các vụ bê bối nghệ thuật lên đến đỉnh điểm từ các phiên tòa xét xử Wolfgang Beltracchi, 60 tuổi, một bậc thầy giả những tác phẩm nghệ thuật hiện đại đã gây xao động giới buôn tranh từ năm 2011. Beltracchi đã làm việc trong một vòng tròn khép kín với nhóm ba người, vợ và cô em vợ. Và, “họa sĩ thiên tài” lừa đảo Wolfgang Beltracchi đã qua mặt được các nhà buôn tranh, các công ty bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới và cả những chuyên gia nghệ thuật cùng các giám đốc bảo tàng nghệ thuật. Nhưng hai tác giả cuốn sách vẫn tỏ ra không mấy đồng tình về sự hờ hững, thiếu nghiêm khắc qua các vụ xử án kẻ lừa đảo Beltracchi bởi từ những năm 1970, ông ta cất giữ rất nhiều chữ ký giả mạo các họa sĩ nổi tiếng khác cùng nhiều bằng chứng mà các thám tử đã thu thập được.

Mỗi chương của cuốn sách làm sáng tỏ một khía cạnh khác nhau của sự gian lận. Độc giả có được cái nhìn thực tiễn đến người làm giả tác phẩm, công việc của thám tử và vai trò của nhà đấu giá, cũng như sự tham gia của tài chính, người mua tác phẩm nghệ thuật, hoạt động của các phòng trưng bày, triển lãm và các nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật. Thậm chí, độc giả như được xem tận mắt xưởng vẽ và phòng cất giữ hóa chất, dụng cụ chế tác vật liệu để làm tranh và hiểu được rằng, cuối cùng, Beltracchi bị bắt vì đã sử dụng các loại họa phẩm chưa tồn tại vào thời điểm mà các tác giả bức tranh gốc, lúc sinh thời sử dụng.

Đầu tiên và quan trọng nhất là hai tác giả cho thấy Beltracchi chủ mưu lừa đảo mang tính hình sự, chứ không phải là một thiên tài nghệ thuật. Beltracchi vẽ bất kỳ bức tranh nào đó theo đúng bút pháp, hình và khối lẫn màu sắc riêng biệt của một họa sĩ rồi gọi đó là tác phẩm “thất lạc” vừa phát hiện của họa sĩ nổi tiếng. Ông ta nhắm mục tiêu các tác phẩm đã được đề cập nhưng không được in trong vựng tập triển lãm từ những năm 1920, và rồi sau đó  đưa tin tác phẩm “bị mất” trong chiến tranh, hoặc tác phẩm cùng theo một chủ đề của một họa sĩ nổi tiếng. Sau đó, Beltracchi  tìm cách chào hàng các bức tranh giả của mình bằng những câu chuyện hay giai thoại bịa đặt về tác giả bức tranh. Hẳn nhiên, trước hết ông ta chào mời với các vị chuyên gia, nghiên cứu nghệ thuật, các nhà sưu tập tranh… cho đến khi mọi người tin bức tranh giả là tác phẩm bất hủ thật.

Wolfgang Beltracchi tiết lộ rằng ông ta có thể đã tiêu thụ “1.000 hoặc 2.000” tác phẩm nghệ thuật giả trên toàn thế giới từ năm 1970 trở đi.

Trong cuộc phỏng vấn truyền thông đầu tiên của mình sau khi bị buộc tội mùa thu năm ngoái, Beltracchi cho biết ông đã giả mạo các tác phẩm của năm mươi họa sĩ, chủ yếu là họa sĩ hiện đại lừng danh như Max Ernst, Johannes Molzahn và Fernand Léger. Beltracchi còn nói thêm rằng hoạt động lừa đảo của mình đã được xem là  gian lận nghệ thuật lớn nhất

ở Đức kể từ trước đến nay, bắt đầu với tác phẩm sơn dầu của các bậc thầy cũ, tiếp theo là một số tranh theo trường phái biểu hiện, tất cả “tác phẩm đầu tay” đó ông bán ở chợ trời.

Beltracchi đã bị kết án sáu năm tù vì tội giả mạo và lừa đảo, liên quan đến 14 bức tranh giả đã được bán với giá 45.000.000 đô-la. Vợ ông, bà Helena và cô em gái Jeanette S. cùng một đối tác tòng phạm thứ tư tên là Otto Schulte-Kellinghaus cũng đã bị kết án và đang chấp hành án tù.

Tác giả cuốn “Tranh giả-Tiền thật”, nhà báo Stefan Koldehoff, sinh năm 1967. Hiện là biên tập viên nghệ thuật cho Báo Deutschlandfunk tại Cologne. Ông cũng viết cho Die Zeit, Die Welt, Die Sonntagszeitung (Zurich) và Tin tức Nghệ thuật (New York). Năm 2008, ông được vinh danh với PUK-Journalistenpreis des Deutschen Kulturrats (PUK Giải thưởng Báo chí của Hội đồng Văn hóa Đức) cho nghiên cứu điều tra của mình. Nhà báo Tobias Timm sinh năm 1975 là người nghiên cứu dân tộc học, lịch sử và nghiên cứu văn hóa đô thị ở Berlin và New York. Từ năm 2006, ông đã làm việc cho bộ phận văn hóa của Die Zeit ở Berlin, nơi ông  viết về nghệ thuật, kiến trúc và thị trường nghệ thuật.

Tờ báo Süddeutsche Zeitung viết Cuốn sách “Tranh giả-Tiền thật” cố tình không cung cấp hay thêu dệt một câu chuyện về “kẻ lừa đảo nghệ thuật” thiên tài. Đó là một câu chuyện trinh thám tấn công vào mảng đen tối nhất của thương mại nghệ thuật.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.