“Không thể tin được! Tôi chưa bao giờ chơi hay như thế!”. Hơi thở còn hổn hển vì xúc động và mệt nhoài, Sergy Stakhovsky nói những lời này sau cuộc lật đổ ngoạn mục đối thủ đàn anh Federer ở vòng hai Wimbledon với tỉ số 3-1.
Tay vợt Ukraine xếp thứ 116 thế giới gọi đó là ngày huyền diệu của đời anh mà mãi mãi về sau anh sẽ không bao giờ quên được. Đúng là như thế thật, làm sao có thể quên được cái ngày trọng đại ấy khi anh đánh thắng tượng đài của làng quần vợt thế giới đương đại, người đang giữ kỷ lục 17 Grand Slam, ông vua của mặt cỏ Wimbledon với 7 lần lên ngôi ở giải đấu lâu đời và danh giá bậc nhất này!
Sergiy-Stakhovsky |
Trong một ngày thế giới làng banh nỉ chứng kiến vô số hạt giống hoặc ngã ngựa trước các tay vợt ít tên tuổi dưới cơ hoặc rút lui vì chấn thương hành hạ, thất bại của “tàu tốc hành” Federer tạo nên một cú sốc không chỉ cho sự nghiệp của tay vợt từng 36 lần liên tiếp vào đến tứ kết các giải Grand Slam mà còn đối với công chúng môn thể thao này. Thậm chí tay vợt Croatia Marin Cilic- người bỏ cuộc vì chấn thương đầu gối- gọi đây là ngày “ Thứ Tư rất ư đen tối” rất không nên tái diễn vì nó chứng kiến sự “ra đi” quá sớm của những Federer, Tsonga (bảng nam) và những Sharapova, Azarenka, Jankovic, Wozniacki (bảng nữ). Có người đặt câu hỏi phải chăng có điều gì đó không bình thường đối với mặt cỏ các sân ở London mùa này khiến nhiều tay vợt bị té ngã liên tục và không giữ được thể lực cần thiết để đi sâu vào giải. Cựu vô địch Sharapova nêu chuyện bản thân mình trải qua 3 lần trượt ngã trong trận đấu với đối thủ “vô danh” xếp thứ 131 Michelle Larcher Brito như một nghi ngờ về chất lượng mặt sân ở All England Club.
Nhưng đó là lý lẽ và sự ngạc nhiên nhiều phần mang tính tự an ủi của kẻ chiến bại. Trên thực tế, chiến thắng của những Stakhovsky, Brito xứng đáng trở thành tiêu điểm vinh quang của bản thân của các tay vợt này, những người mà khoảng cách xếp hạng của họ so với đối thủ đàn anh đàn chị vốn xa vời vợi. Bằng cách lật đổ các tượng đài - dù chỉ trong một trận đấu - họ bước ra ánh sáng để nghiễm nhiên và tự giới thiệu mình trước công chúng trong thế hiên ngang đường hoàng. Đi sâu vào giải ư? Chưa chắc chắn lắm vì đường còn dài phía trước, nhất là khi càng vào sâu, đối thủ càng khó lường, đặc biệt là chất hưng phấn, thăng hoa không phải lúc nào cũng ở bên cạnh. Steve Darcis là một trường hợp điển hình. Tung hết sức vào trận tử chiến với Nadal để loại nhà vô địch Roland Garos ngay từ vòng đầu Wimbledon và tạo nên cú sốc làm thiên hạ choáng váng, chàng trai Bỉ đã chấn thương và đành bỏ cuộc ở vòng đấu kế tiếp. Nhưng có hề gì, sử sách bây giờ không nhắc nhiều đến chuyện anh bỏ cuộc trước Kubot (cũng là tay vợt không mấy tên tuổi như anh) mà chỉ ghi đậm cột mốc anh đã đánh bại ông vua đất nện Nadal, kéo nhà vua từ chín tầng mây xênh xang xuống ngay mặt đất bẽ bàng!
Những cột mốc ấy đang góp phần tạo nên hứng thú cho thể thao nói chung, sân cỏ Wimbledon nói riêng mùa giải này và biến quả banh nỉ không thể nhàm chán vì cứ bị thống trị hoài bởi những gương mặt quen thuộc. Nhiều người nghĩ rằng đại lộ đến trận chung kết đang mở ra thênh thang với những Murray, Djokovic hay Serena Williams vì những đối thủ “thứ thiệt” của họ đã rời cuộc chơi. Nhưng hãy coi chừng! Tinh thần Darcis, Stakhovsky đang cổ vũ nhiều tay vợt vô danh khác vượt lên. Những cột mốc mới đang chờ họ làm nên một trận thắng để nhớ mãi về một đời.
ĐÌNH XÊ