.

Một trào lưu cần báo động

.

Trong mấy năm trở lại đây, kiểu dịch ồ ạt các tiểu thuyết “sến” của Trung Quốc đang trở nên báo động. Nó không chỉ lấn át các dòng văn học khác, mà với thị hiếu của một bộ phận giới trẻ, đang làm gia tăng sự ủy mị của chính họ.

 Nhiều bạn trẻ tìm đọc sách “sến”. 					         Ảnh: N.V.H
Nhiều bạn trẻ tìm đọc sách “sến”. Ảnh: N.V.H

Tiểu thuyết ngôn tình là loại tiểu thuyết viết về tình cảm nam nữ. Bối cảnh có thể ngược trở lại quá khứ hay hiện tại, với những câu chuyện tình yêu hết sức lãng mạn, ủy mị, nhiều nước mắt. Nhân vật thường theo một mô-típ, nếu là chàng trai tài giỏi, đẹp trai, lạnh lùng thì sẽ yêu một cô bé lọ lem, con nhà nghèo. Nếu là một cô gái xinh đẹp, tài giỏi sẽ “vấp” vào mối tình với một chàng trai có vẻ bụi bặm...

Điều đáng nói là, với sự nở rộ của dòng văn học mạng, một lượng lớn đã được đưa lên mạng, nhằm chia sẻ, “câu view” và được in thành sách. Theo tìm hiểu, loại sách này cũng đang “hot” ở Trung Quốc, được nhiều bạn trẻ đón nhận, và chúng đã được dịch ra tiếng Việt, được in ồ ạt, xuất hiện tràn lan trên các giá sách. Có thể kể tên hàng loạt tên sách như Ngủ cùng sói (tác giả Diệc Lạc Vô Tâm), Chỉ là chuyện thường tình (Tâm An), Chờ một ngày nắng (Diệp Chí Linh), Cậu chủ Hồ Đồ (Tinh Nhã Anh), Ái quả tình hoa (Quỳnh Dao), Không thể thiếu em (Nhân Hải Trung)...

Hình thức trình bày bắt mắt, sách dày, nhiều cuốn được vẽ phụ bản minh họa, nhằm tác động vào trí tò mò, tưởng tượng của lứa tuổi teen. Một học sinh cấp III ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khi được hỏi, đã thẳng thắn nói mình rất thích dòng sách này vì nó dễ đọc, vả lại khả năng cảm thụ chỉ được đến vậy. Nội dung sách cũng có vẻ gần gũi với đời sống của em. Cho nên dường như có cuốn nào mới ra là em tìm mua cho bằng được. Tuy nhiên, để mua cho được những cuốn đó phải thuộc gia đình khá giả, bởi giá của chúng dù đã giảm nhưng vẫn khá đắt.

Thêm một điều nữa, dòng phim diễm tình Hàn Quốc vẫn chiếm lĩnh thời gian của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Dòng sách “sến” của Trung Quốc đôi khi có kiểu kết cấu như vậy. Thành ra thích phim Hàn thì cũng yêu sách “sến”. Sách báo, phim ảnh luôn ảnh hưởng ít nhiều đến mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều bạn đọc rồi bị ru ngủ, cuốn vào thế giới u mê của những câu chuyện buồn, lãng mạn, quên mất mình đang sống ở thế giới thật. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, người lớn nên hướng các em nhỏ, lứa tuổi mới lớn đọc những cuốn sách lành mạnh, làm giàu đời sống tâm hồn của các em. Nếu đọc những trang sách có yếu tố không lành mạnh sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và gu thẩm mỹ chưa được định hình của các em tuổi mới lớn. Nếu đọc quá nhiều cũng dễ gây nghiện như nghiện game, phim ảnh đồi trụy... và rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn.

Sự ồ ạt của tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, đã cuốn theo sự ra đời của một nhánh văn học “sến” theo kiểu của Việt Nam, được khúc xạ trong những cái nhìn non nớt của nhiều cây bút hiện đang còn ngồi trên ghế giảng đường. Họ bắt nhịp khá nhanh với gu đọc của các bạn trẻ. Họ có lợi thế trong việc sử dụng Internet và thường lang thang trên các diễn đàn mạng. Dạng chuyện của họ đã từng được chia sẻ và xuất hiện, được một số người “đi săn” - chính là các công ty sách tư nhân. Hễ phát hiện ra những cuốn sách nào có vẻ bán chạy là tiến hành liên hệ với tác giả, đề xuất sửa chữa và ký hợp đồng. Việc được người khác chấp nhận in cho một cuốn sách là điều mà nhiều bạn trẻ mới cầm bút vô cùng sung sướng. Điều đó tạo cảm hứng để họ “sản xuất” ra những cuốn tiếp theo.

Qua tìm hiểu ở các nhà sách, tiểu thuyết “sến” của thế hệ 9X Việt Nam được xếp gần với tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Và hơn thế, loại sách “sến” của nước ta đang đua nhau nở rộ những câu chuyện tình ái ướt át như: Nhẹ bước vào tim anh, Vì anh nghiện em, Vợ ơi là vợ, Tôi ghét anh đồ du côn... Các bút danh cũng được kết hợp một cách vô tội vạ, nửa Tây, nửa ta, có cả Hàn Quốc, Trung Quốc như: ZuZu Linh, Lynh Boo, Lâm Băng Di, Thuyuuki, Shino, Keng, Gào...

Về điều này, nhà văn Phong Điệp chỉ ra, dù chấp nhận hay không thì đã có một dòng văn học ngôn tình đang chiếm lĩnh thị trường sách văn học. Quan trọng là bạn đọc nên chọn lọc những cuốn nào có nội dung tốt, có giá trị văn học, làm giàu có tâm hồn mình chứ không phải đọc để rồi bị đầu độc. Cũng có chung quan điểm với Phong Điệp, nhà văn Di Li cho rằng, dạng tiểu thuyết ngôn tình, tiểu thuyết “sến” cũng như một thứ mốt, không thể được xếp cùng chiếu với dòng văn học chính thống. Và đã là thứ mốt thì rất dễ bị thay đổi, và có thể “chết” bất cứ lúc nào. Là dịch giả tiếng Trung Quốc, bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty Chibooks trong một trao đổi với Báo Sài Gòn Tiếp thị đã cho biết: “Theo tôi, truyện ngôn tình có thể thỏa mãn nhu cầu tâm lý ở một giai đoạn trưởng thành của các bạn trẻ. Tuy nhiên với đặc trưng chung của loại truyện này (nhân vật hoàn hảo, kết thúc có hậu), nếu quá đắm chìm vào đó, sẽ có tác động ít nhiều tới việc xác định thần tượng hóa lý tưởng sống của các bạn trẻ. Trong khi đó, cuộc sống thực tế gai góc và trần trụi không phải lúc nào cũng trải hoa hồng và kết thúc có hậu như trong sách”.

Đọc sách là để giàu có tâm hồn, hướng tới chân, thiện, mỹ và đọc sách nào, đọc như thế nào là điều cực kỳ quan trọng. Vậy nên người ta mới nhắc tới một điều là “văn hóa đọc”. Dư luận cần định hướng cho giới trẻ, và trước tiên những người làm sách cũng nên “chọn trước” những cuốn sách có lợi, không nên vì lợi nhuận mà in ấn tràn lan. Phải khẳng định, sự kiểm duyệt lỏng lẻo, giới in lậu “đục nước béo cò”... tạo cơ hội cho những ấn phẩm ướt át, tầm phào tràn lên giá sách đầu độc bạn đọc trẻ. Thật sai lầm nếu để các bạn trẻ bị “ru ngủ” bởi những cuốn sách chất lượng kém này.

NGUYỄN VĂN HỌC

;
.
.
.
.
.