.

Khóc và hát

.

Tính đến hôm nay (8-10-2013) đã có 12 vạn người viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của ông ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Con số này sẽ còn tăng lên rất nhiều trong những ngày sắp tới.

Nhìn dòng người xếp hàng chờ tới lượt vào viếng Bác Giáp, tôi chợt nhớ, cách đây 44 năm, tôi cũng được nhập vào dòng người bất tận xếp hàng chờ viếng Bác Hồ ở hội trường Ba Đình.

Dòng người xếp hàng chờ viếng Đại tướng tại nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Ảnh: AP
Dòng người xếp hàng chờ viếng Đại tướng tại nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Ảnh: AP

Chỉ có khác, ngày viếng Bác Hồ, dòng người chỉ khóc và khóc. Nước mắt còn nhiều hơn cả trời mưa. Còn bây giờ, viếng Bác Giáp, nhân dân vừa khóc vừa… hát. Hát những bài ca Cách mạng. Hát nhạc “Đỏ”. Những chàng thanh niên ôm đàn guitar, trải chiếu ngồi trên vỉa hè, đã khởi lên những dòng âm thanh cuồn cuộn nỗi tự hào, tiếc thương, tưởng nhớ một con người Việt Nam đẹp nhất, phù hợp nhất với âm nhạc: Võ Nguyên Giáp.

Có một chàng thanh niên đã ngồi suốt đêm trước cổng nhà Bác Giáp để… hát. Tôi nghĩ, Bác Giáp rất hài lòng khi nghe người trẻ hôm nay, trong khi chờ viếng Bác, hát những ca khúc về lòng yêu nước, yêu nhân dân, hai hằng số mà Đại tướng đã suốt đời tâm nguyện hy sinh chiến đấu vì nó. Bác Giáp là người rất yêu âm nhạc, bản thân Bác chơi piano rất tốt. Hôm nay thì các cháu thanh niên chỉ mang được đàn ghi-ta gọn nhẹ tới trước nhà Bác và hát cho Bác nghe, nhưng chắc Bác sẽ rất vui.

Một anh chàng cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch 1979 ở biên giới phía Bắc nói với tôi: “Có “một bộ phận không nhỏ” những người tới đây viếng Bác Giáp vì họ tin rằng Bác đã hiển Thánh”.

"Không thể rời bỏ bạn bè và hành động như một người ích kỷ"

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

Nhớ ngày tôi xếp hàng chờ viếng Bác Hồ, mới 5 giờ sáng tôi đã nhập vào dòng người xếp hàng từ ở vườn hoa Hàng Đậu. Dòng người di chuyển rất chậm, quá trưa tôi mới nhích lên tới đường Phan Đình Phùng, sát ngay tòa soạn báo Quân đội Nhân dân.

Và cứ thế, lặng lẽ, dòng người bất tận dường như không ăn, không uống, chỉ hướng về phía quảng trường Ba Đình. Cho tới 7 giờ tối, tôi mới tới được quảng trường Ba Đình. Và 8 giờ 30 phút tối, mới tới lượt được viếng Bác Hồ trong hội trường Ba Đình.

Ngày đó đang trong thời chiến tranh rất căng thẳng, tâm trạng mỗi người dân đi viếng Bác Hồ trĩu nặng bao nỗi lo toan, dằn vặt. Còn bây giờ đi viếng Bác Giáp, tâm trạng người dân có phần thanh thản hơn, nhưng không phải đã hết những lo âu. Nước mắt tiếc thương vẫn rơi, cảm giác cô đơn, bơ vơ khi mất người hướng đạo vẫn hiện lên rất rõ, nhưng đồng thời, khí tiết cùng sự tự tin, tự chủ cũng đã phát lộ rõ ràng.

Khi những người trẻ hôm nay trưởng thành, họ đã có thể vừa khóc vừa hát một cách đầy tự tin và tự hào trong khi đi viếng Bác Giáp, thì xin các đấng bậc Tiên Liệt hãy yên lòng: đất nước Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn, dù phải đối diện với biết bao hiểm họa!

Khóc và hát, đau đớn và tự hào, sùng kính và yêu thương, dòng người xếp hàng một cách kiên nhẫn, nhường nhịn, đầy văn hóa đang từng giờ một dài thêm, dòng người vào viếng Đại tướng của mình. Vâng, Đại tướng của mình.

THANH THẢO (Nguồn: motthegioi.vn)

;
.
.
.
.
.