Từ Amsterdam của Hà Lan đến Paris nước Pháp chỉ mất hơn năm tiếng đồng hồ chạy xe. Dọc theo con đường cao tốc, từng đàn bò vô ưu gặm cỏ trên cánh đồng lúa mì vàng rực sắc thu. Paris bỗng hiện ra nôn nao một màu thơ dại…
Tác giả trên một chiếc cầu bắc qua sông Seine.Ảnh: N.H |
Tôi được may mắn biết đến truyện thơ ngụ ngôn của La Fontaine từ những ngày thơ ấu. Đây là một trong những tác giả Pháp sớm được biết đến ở Việt Nam từ những năm 1884. Cậu tôi, một người được xem là có chữ nghĩa trong làng ngày đó đã dỗ những đứa trẻ hay khóc nhè như tôi bằng những câu chuyện hóm hỉnh như Thỏ và Rùa, Quạ và Cáo, Con ếch muốn to bằng con bò… Mấy mươi năm trôi qua, những câu chuyện ngọt ngào, hấp dẫn của thế giới trẻ thơ ấy sau này lại giúp tôi trở thành bà mẹ tuyệt vời trong ánh mắt của các con.
Lớn lên đi học, tôi đã từng bật khóc khi đọc Những người khốn khổ (Les Misérables), Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris)… của Victor Hugo. Tôi không cầm được nước mắt khi trang sách mở ra hình ảnh đau đớn của người mẹ trẻ Fantine phải bán tóc, bán răng kiếm tiền nuôi con gái. Tôi khâm phục Jean Valjean, nhân vật chính của tiểu thuyết Những người khốn khổ, người phải vướng cảnh tù vì tội ăn cắp chỉ một chiếc bánh mì, về sau trở thành thị trưởng… Những nhân vật văn học đã đi vào và cư ngụ mãi mãi trong tiềm thức rồi lại xuất hiện thành lời khi có một ai đó giống như cái gã thanh tra Javert cứng nhắc, hay vợ chồng gã Thénardier đầy nhẫn tâm. Và ước gì những gã xấu xa như hắn không có mặt trên cuộc đời này!
Nếu Những người khốn khổ không cho một địa chỉ cụ thể ngoài đời thì Nhà thờ Đức Bà Paris nuôi lớn trong tôi một ước mơ rằng mình sẽ đến nơi đó một ngày có thể để nhìn tận mắt tháp chuông nhà thờ, nơi ghi lại mối tình câm lặng của chàng gù Quasimodo với nàng Esmeralda xinh đẹp. Cuốn tiểu thuyết có tính chất lịch sử lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ này, qua nhân vật Quasimodo, đã làm xao xuyến bao thế hệ người đọc Việt, đến nỗi nó mang hẳn một tựa Việt là Thằng gù Nhà thờ Đức Bà…
Ao ước thời cắp sách của tôi đã thành hiện thực, khi năm rồi tôi đến Hà Lan thăm con gái và cùng gia đình nó làm một chuyến sang thăm Kinh đô Ánh sáng Paris. Từ Amsterdam của Hà Lan đến Paris nước Pháp phải chỉ mất hơn năm tiếng đồng hồ chạy xe. Dọc theo con đường cao tốc, từng đàn bò vô ưu gặm cỏ trên cánh đồng lúa mì vàng rực sắc thu. Paris bỗng hiện ra nôn nao một màu thơ dại…
Nước Pháp hiện ra trước mắt tôi lấp lánh ánh đèn. Ba ngày trên đất Pháp, không đủ để đến được tất cả những nơi như mong muốn nhưng tôi đã cố tìm đến Tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà, đồi Montmartre, Khải Hoàn môn, Bảo tàng Louvre… Những cái tên đã từng làm thổn thức trái tim thơ dại của tôi qua những trang văn nước Pháp. Đứng trên một chiếc cầu bắc qua sông Seine lúc chiều tà, bỗng dưng tôi nhớ da diết câu hát của Ngô Thụy Miên phổ thơ Paris có gì lạ không em của Nguyên Sa ám ảnh suốt một thời con gái: Anh về giữa một dòng sông trắng. Là áo sương mù hay áo em?... Giả sử bây giờ có ai hỏi “Paris có gì lạ…” thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng: Ừ, Paris muôn đời vẫn thế! Lãng mạn đến chạnh lòng người.
Chúng tôi vào thăm Nhà thờ Đức Bà vào một sáng chớm heo may. Đàn bồ câu dạn dĩ sà vào lòng du khách, ngước đôi mắt hồn nhiên chờ đợi những hạt thóc từ tâm. Ngước nhìn lên tháp chuông trên cao, tôi thầm hình dung khoảng cách từ trên nóc đến mặt đất. Một khoảng cách đủ để chàng gù đi vào trái tim cô gái di-gan hoang dại. Những con đường lát đá gập ghềnh vó ngựa của Ba chàng lính ngự lâm - tiểu thuyết của nhà văn người Pháp Alexandre Dumas cha - như chưa hề thay đổi theo thời gian.
La cà một lát, nhận ra bên cạnh một Paris hoa lệ còn có một Paris nghèo khổ qua dáng ngồi một người ăn xin bất động cạnh con chó ốm buồn rười rượi nơi góc phố Saint-Roch chiều thu… Tôi mua một vé tàu điện sử dụng trong 24 giờ, lang thang khắp ngõ ngách Paris dưới lòng đất để nghe lòng mình rưng rưng nỗi niềm của những sân ga vắng khách…
Rời Paris khi bình minh trải dài trên đồi Montmartre, tôi đã ngỡ mình sẽ hiểu thêm nhiều điều sau khi đến Pháp. Vậy mà hóa ra mới chỉ chạm được vào cái vỏ bên ngoài của một miền văn hóa ưu tú của nhân loại. Chưa bao giờ trong tôi, câu thơ của Victor Hugo lại thấm thía đến dường này: Người có tro tàn không bằng ta có lửa/ Người có lãng quên không bằng ta có tình yêu… (Đôi ta đã chạm môi, bản dịch của Tế Hanh)
Nếu có ngày trở lại, tôi cũng sẽ chọn Paris mà không một nơi khác vì tình yêu những trang văn nước Pháp.
NHƯ HẠNH