.

Chuyện góp nhặt trên đường phố Ấn

.

Mất một lần đón giao thừa tết Việt cho chuyến đi sang Ấn, tôi bù lại bằng cách góp nhặt bao nhiêu điều mới lạ từ xứ bạn để mỗi khi xuân về, Tết đến lại mang ra kể nghe cho vui. Chuyện kể rồi sẽ không kể nữa. Và tất nhiên bên dưới là những chuyện chưa kể ra giấy bao giờ.

Một góc phố nhỏ ở Kolkata. Ảnh: M.H.P
Một góc phố nhỏ ở Kolkata. Ảnh: M.H.P

Cái thú của những người mới từ phương xa tới một thành phố lạ trong những ngày đầu tiên là lang thang khám phá nơi mình vừa đến. Với các văn nghệ sĩ thì điều đó càng cần thiết hơn, vì trong lúc đi đường sẽ góp nhặt được từ trong cuộc sống nhiều chi tiết thú vị mà mình không thể ngồi tưởng tượng ra được để làm tư liệu và khi có cơ hội sẽ tái hiện lại trong các bài viết.

Đêm trước vì thức khuya, chuyện trò và lạ chỗ nên cả bốn người trong đoàn Việt Nam đến thành phố Kolkata đều thức dậy muộn. Ngày đầu tiên được các bạn Ấn “phân công” là một ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, nên được tự do, muốn làm gì thì làm, đi đâu thì… tự đi. Vậy là cả bốn người hăm hở kéo nhau ra đường. Trước khi rời khách sạn, chúng tôi hỏi mấy chàng trai ở khu lễ tân xin một tấm danh thiếp khách sạn (hotel card) để sau khi đi cho đã đời còn có địa chỉ mà hỏi đường về.

Đứng trước cổng khách sạn trông ra phố xá xênh xang, người xe xuôi ngược chúng tôi loay hoay chưa biết nên đi theo hướng nào cho tiện. Tôi chợt “phát hiện” ra cái thùng thư lạ và reo lên: Ôi, cái thùng thư thật là ngộ nghĩnh! Phía bên phải, gần cổng khách sạn có một thùng thư khủng, to bằng cái thùng “phuy”, sơn màu đỏ, giống như phương tiện phòng cháy chữa cháy của Việt Nam. Tuy nhiên, nắp thùng và đáy thùng đều sơn màu đen, đoạn dưới là cánh cửa mở lấy thư được khép chặt với một cái ổ khóa rõ to, đen ngòm. Phía gần đầu thùng có một rãnh ngang bỏ thư. Trên rãnh là tấm che sơn màu đen, nhô ra trông như cái mỏ vịt mang dòng chữ “LETTER” (thư tín), đoạn giữa thùng ghi dòng chữ “No clearance on Sunday/ Holiday” (Không lấy thư vào chủ nhật/ ngày lễ) và chữ “Kolkata - 16” với kích thước lớn hơn. Tất cả đều viết bằng chữ in. Tôi hướng ống kính nhá liền mấy “pô”, tiện thể nhá luôn trụ cổng khách sạn. Khi chúng tôi hướng ống kính ra phố chụp hình thì thấy có người bên kia đường chỉ chỏ. Hình như họ đang nói “no picture” (không được chụp hình). Trong tình huống này không thể làm gì khác hơn là sự tuân theo, nhưng thật ra tôi cũng đã kịp thời xoẹt luôn mấy ảnh vào trong máy rồi.

Dọc những con phố mà chúng tôi rảo bước, điều thú vị là có rất nhiều quạ đen bay chấp chới trên đầu các ô-tô và sà xuống bên lề phố để tìm thức ăn. Đường phố nơi sạch, nơi rác rến quăng quật bên lề. Trên một con phố nhỏ, chiếc xe tải của công ty vệ sinh đang dừng lấy rác, vài con quạ bay lầng quầng quanh xe. Chúng kêu to inh ỏi dường như báo cho đồng bọn biết mục tiêu mà “nhanh chân” đến. Không thể chờ đợi lâu, vì đói, có thể là vì sợ xe chạy mất, nên mặc cho người công nhân đang quăng rác lên xe, 3 - 4 con quạ đáp xuống thành xe với đôi mắt nhìn láo liêng, dạn dĩ tìm kiếm thức ăn thừa.

Chụp nhanh vài tấm ảnh quạ tìm thứ ăn trên xe rác, một hình ảnh chưa bao giờ thấy ở quê nhà, chúng tôi tiếp tục rảo bước. Chợt từ đâu bên góc phố, một phụ nữ trẻ, tay trái quắp chặt đứa nhỏ chưa biết đi, sát theo bên cạnh là một đứa trẻ lớn hơn, độ chừng 4-5 tuổi. Cả ba bám theo chúng tôi và lên tiếng hỏi xin vài đồng ru-bi (rupee - đơn vị tiền Ấn Độ). Chúng tôi nói không có tiền ru-bi để cho thì người phụ nữ hỏi ngay “How about dollar?” (thế thì tiền đô vậy?). Chúng tôi mỉm cười lắc đầu. Thật ra, chúng tôi cũng muốn giúp đỡ tí chút cho vui nhưng ngặt nỗi mới qua chưa ai đổi được tiền rupee (3 ngày sau chúng tôi mới được đưa đến địa điểm đổi tiền với một thủ tục nghiêm ngặt). Trong ví mỗi người cũng có vài trăm dollar phòng thân, nhưng vì không có dollar lẻ nên chẳng ai đủ can đảm... móc ví ra cả. Người phụ nữ và đứa nhỏ tỏ vẻ thất vọng nên bước đi chậm lại và tách rời khỏi chúng tôi. Chúng tôi thấy cũng mủi lòng, nhưng chẳng biết làm sao hơn.

Qua một ngã ba đường, thấy có một đống dừa xiêm đang được bày bán. Không gian vắng hoe, hiện không có khách hàng nào, chỉ thấy người bán ngồi cắm cúi một mình khuất bên đống dừa to sụ. Khí hậu Ấn Độ cũng giống hệt như bên Việt Nam nên cây trái cũng có nhiều điểm tương đồng. Ở xã hội Ấn, chuyện chợ búa, mua bán tất thảy đều là chuyện của đàn ông.

Chủ nhân của đống dừa là chàng thanh niên đầu quấn một cái khăn lớn, tay cầm cuốn sổ dày cộm đang hí hoáy tính toán. Lúc đi ngang tôi tò mò đứng nhìn cuốn sổ trên tay của anh ta, thì ra chàng trai đang giải toán. Quả đúng là một “gã” bán dừa nuôi chí lớn. Thật đáng khen.

Chắc cảm thấy có người đang đứng gần nên chàng trai ngước nhìn và nở một nụ cười ngại ngùng, hiền hòa và thân thiện. Tôi xin chụp một tấm hình lưu niệm thì chàng trai đồng ý ngồi mẫu với cây bút và quyển sổ trên tay. Ánh mắt xa xăm, nghiêm nghị, mái tóc xoăn và vầng trán rộng giấu sự thông minh bên dưới. Tôi bước đi, lòng thầm cầu chúc cho chàng trai công thành danh toại, để cuộc đời không phải lẫn quẫn mãi bên đống dừa xiêm.

Trên một con phố lớn, dáng vẻ sang trọng, có nhiều nhà dạng biệt thự, vài người xúm xít trước một cánh cổng sắt to đùng. Họ đang mồi thuốc hút. Khói thuốc tan ra lãng đãng. Không thấy ai dùng quẹt gas hoặc loại diêm nào khác. Họ cũng chẳng mồi thuốc của nhau. Lửa được lấy từ một sợi dây dừa cháy chậm buột lủng lẳng trên cánh cổng. Thì ra đây là cách “treo lửa” dành  cho người nghiện thuốc qua đường châm đóm, để không phải hỏi xin lửa làm mất thời gian và phiền lòng người khác.

Đi dích dắc thêm một chặp, chúng tôi nhận ra mình đang hướng về phía một ngôi chợ lớn. Bất chợt, một người đàn ông khó đoán tuổi với bộ ria mép trông như nghệ sĩ, từ đâu xông ra chào hỏi và chỉ đường. Rồi ông ta gãi đầu … xin tiền. Nhưng chỉ hỏi xin tiền Việt Nam mà thôi, chứ không có yêu cầu nào khác. Tôi đoán rằng người đàn ông này đang thực hiện niềm đam mê thực hiện bộ sưu tập tiền các quốc gia qua du khách đặt chân đến vùng này.

Tôi vui vẻ móc ví ngay... Sang Ấn Độ vào dịp gần Tết ở bên quê nhà, tôi đã có chủ ý mang theo một ít tiền mới từ tờ 500 đồng đỏ, đến tờ 5.000 đồng xanh để đến đúng giao thừa thì “tuyên bố” ăn Tết, lì xì lưu niệm và “quảng cáo” cho bạn bè quốc tế biết về Tết cổ truyền của Việt Nam. Trên mỗi tờ tiền đều có in hình ảnh Bác Hồ. Ở thành phố Kolkata, nhiều người biết đến một con đường lớn mang tên là đại lộ Hồ Chí Minh. Vài hôm sau, nhà báo Geetesh Sharma - Chủ tich Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam đưa chúng tôi đến con đường này.

Vào chợ, mải mê xem và chụp ảnh những người đàn ông đứng bán và những người đàn ông đi trả giá mua hàng, chúng tôi lạc nhau thành 2 nhóm, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đi với tôi, nhà thơ Trần Hữu Dũng đi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tín và cầm theo tấm danh thiếp khách sạn. Loanh quanh tìm không thấy 2 người bạn, Nguyễn Nho Khiêm thảng thốt, lo lắng: Ấy chết ông Phước ơi, biết đàng đâu mà đi về! Tôi nhớ ngay đến đôi bàn tay táy máy, nhưng đầy hữu ích của tôi lúc này là đã may mắn thu vào máy ảnh có màn hình tinh thể lỏng cái trụ cổng khách sạn với dòng địa chỉ. Tôi mở màn hình máy ảnh và hỏi thăm đường về. Ôi, thật là hú vía. Nếu không, chỉ còn nước nhờ cảnh sát mang giúp Khiêm và tôi đến văn phòng Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, chứ biết khách sạn nào, đường nào mà về, vì có ai đã kịp thuộc tên khách sạn và tên đường giữa cái thành phố khổng lồ có đến 15 triệu dân này đâu.

Nghêu ngao trên những con phố dài thấm mệt, cứ qua các ngã ba ngã tư thì tôi lại hỏi đường trước khi đổi hướng đi. Lúc này trời đã quá trưa, dọc hai bên đường lác đác hàng quán bán đồ ăn trưa. Nhiều người lao động, kể cả trí thức có thể nhận biết qua áo quần, gọng kính, bút viết, cặp xách… đang xếp hàng mua thức ăn và đứng dọc đường ăn một cách khẩn trương, ngon lành, mặc cho người đi, xe chạy…

Bây chừ ngồi ghi lại những mẩu chuyện thú vị góp nhặt được khi lang thang trên đường phố Kolkata, tôi hiểu rằng khi mở lòng ra với cuộc đời, với mọi người thì cho dù ở miền đất lạ, với những con người có nền văn hóa khác biệt đi bao nhiêu chăng nữa, chúng ta cũng tìm thấy nhiều điều đáng yêu về một cuộc sống vô cùng phong phú phủ dày trên trái đất này. Cảm ơn Kolkata, cảm ơn những cánh chim, những con người và những góc phố đã cho tôi nhiều cảm xúc và đọng mãi trong tôi những dấu ấn sâu đậm, tựa hồ một niềm nhớ thương không khuây nào đó giữa trái tim mình trong từng mùa xuân qua.

Bút ký của MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.