.

Một "người Việt gốc Ý"

.

Tôi quen Sandra Scagliotty qua sự giới thiệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Ý khi tôi gửi email nhờ Đại sứ quán tạo điều kiện để đi tìm tư liệu viết về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong cuốn sách Địa lý thế giới của Adriano Balby, hiện đang lưu giữ trong thư viện của Tu viện Santa Maria al Monte ở Torino. Đó là thành phố thủ phủ vùng Piedmont ở miền bắc nước Ý, quê hương của hãng xe hơi FIAT nổi tiếng.

Bà Sandra Scagliotti đang trả lời phỏng vấn của HTV. Ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Bà Sandra Scagliotti đang trả lời phỏng vấn của HTV. Ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam ở Roma cho biết ở Torino có bà Sandra Scagliotty là Lãnh sự danh dự của Lãnh sự quán Việt Nam ở đây và là một người rất yêu mến Việt Nam. Tôi gửi email cho bà cùng những yêu cầu trợ giúp. Ngay hôm sau, Sandra đã hồi âm, cho biết bà đang ở Mỹ và Canada để dự một hội thảo quốc tế, nhưng bà sẽ có mặt ở Torino trong khoảng cuối tháng 9-2013 để đón tôi. Sandra gửi cho tôi tên của 3 người Việt đang sống và làm việc ở Torino, kèm theo địa chỉ email và số điện thoại để liên hệ. Bà dặn tôi liên lạc với những người này và họ sẽ cung cấp cho tôi những thông tin cần thiết và đường đi nước bước đến Tu viện Santa Maria al Monte ở Capuccini nằm ở ngoại ô Torino. Ngoài ra, Sandra còn giới thiệu cho tôi một sử gia người Ý am hiểu về vấn đề lịch sử bang giao giữa Ý và Việt Nam và những học giả quan tâm đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để nhờ họ tư vấn và hỗ trợ việc tìm kiếm tư liệu.

Chiều 26-9-2013, sau mấy ngày tìm kiếm tư liệu ở Roma, tôi và nhóm phóng viên của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) bắt tàu tốc hành từ Roma đi Torino. Sandra hẹn sẽ đón chúng tôi tại Lãnh sự quán Việt Nam ở Torino vào 9 giờ sáng hôm sau và sẽ cử người đưa chúng tôi đến Tu viện Santa Maria al Monte.

Đúng 9 giờ sáng 27-9, khi tôi vừa nhấn chuông cửa Lãnh sự quán thì Sandra đã xuất hiện. Đó là một phụ nữ Ý cao lớn và rất duyên dáng dù đã ngoài 60 tuổi. Trên ngực bà lấp lánh tấm Huân chương Hữu nghị mà Nhà nước Việt Nam đã trao tặng bà trước đây. “Xin chào những người bạn Việt Nam”. Sandra chào chúng tôi bằng tiếng Việt, rồi chuyển sang tiếng Anh vì theo lời bà: “Vốn tiếng Việt của tôi chỉ đủ để chào hỏi, dù tôi rất cố gắng nhưng tiếng Việt khó học quá”. Bước vào tòa Lãnh sự Việt Nam, tôi cứ tưởng sẽ gặp những quan chức ngoại giao người Việt ở đây. Hóa ra, toàn bộ nhân viên nơi đây đều là người Ý. Qua trò chuyện, tôi được biết Sandra Scagliotty tuy chỉ là Lãnh sự danh dự, nhưng bà lại làm việc như là một lãnh sự thực thụ, điều hành mọi hoạt động của Lãnh sự quán Việt Nam ở Torino, kể cả việc lo thủ tục cấp visa vào Việt Nam cho những người nộp đơn xin visa ở Torino (chỉ trừ việc ký phê chuẩn visa là do Đại sứ Việt Nam ở Roma thực hiện). Tuy Lãnh sự quán được điều hành bởi những người Ý chính cống, nhưng nội thất nơi đây vẫn được “thuần Việt” như ở các cơ quan ngoại giao khác của Việt Nam ở nước ngoài mà tôi từng ghé thăm.

Từ phải sang: TS. Monica Parola, bà Sandra Scagliotti và ông Fulvio Albano cùng tác giả bài viết. Ảnh: PHẠM XUÂN NGHỊ
Từ phải sang: TS. Monica Parola, bà Sandra Scagliotti và ông Fulvio Albano cùng tác giả bài viết. Ảnh: PHẠM XUÂN NGHỊ

Sau khi mời trà, Sandra bảo: “Bây giờ các bạn nên đi đến Tu viện Santa Maria al Monte để tìm tư liệu và quay phim ngay trong sáng nay. Tôi đã liên hệ với cha bề trên quản lý tu viện này để nhờ cha tìm kiếm tư liệu theo yêu cầu của các bạn. Vanni, nhân viên của Lãnh sự quán, và Hạnh, tình nguyện viên người Việt ở Torino, sẽ đi cùng các bạn để hỗ trợ. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đây vào buổi chiều”.

Kết thúc việc quay phim tư liệu ở Tu viện Santa Maria al Monte, chúng tôi trở lại Lãnh sự quán. Sandra đã chuẩn bị sẵn những tài liệu về mối quan hệ giữa Ý với Việt Nam trong lịch sử và những tư liệu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa do người Ý biên soạn trước đây để chúng tôi tham khảo và quay phim. Đặc biệt, Sandra đã mời TS. Monica Parola, Giáo sư Sử học tại Đại học Torino, chuyên gia về các sử liệu của Ý có liên quan đến vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đoàn làm phim phỏng vấn. Tuy không phải là nhà sử học, nhưng từ những thông tin do tôi gửi qua email, Sandra đã liên hệ các giáo sư, học giả người Ý để nhờ họ tìm kiếm, tập hợp những tài liệu liên quan, đưa về Lãnh sự quán, phục vụ cho việc tra cứu, quay phim và sao chụp của chúng tôi.

Khi chúng tôi hoàn tất việc quay phim, phỏng vấn TS. Monica Parola và Sandra Scagliotty, bà mời chúng tôi đi thăm Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, nằm trong khuôn viên Lãnh sự quán. Bà cho biết trung tâm này được thành lập để phục vụ cộng đồng Việt kiều ở đây và cung cấp thông tin về lịch sử và văn hóa Việt Nam, về đất nước và con người Việt Nam nói chung cho những ai quan tâm. Trung tâm đã hoạt động hơn 5 năm, có thư viện với cả ngàn ấn phẩm về Việt Nam, có câu lạc bộ âm nhạc truyền thống Việt Nam và phòng trưng bày tư liệu và hiện vật về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, trên tường thư viện có treo tấm bản đồ Miêu tả địa lý châu Á do nhà địa lý G.Ianβonio vẽ vào cuối thế kỷ XVI, với hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và những chú dẫn liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Sandra cho hay bà treo tấm bản đồ này, cùng với những sử liệu do người Ý viết từ các thế kỷ XVI - XVII công nhận quần đảo Hoàng Sa thuộc về Annam (Việt Nam), để cho Việt kiều và những người bạn của Việt Nam khi đến đây thì biết rằng Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa từ lâu và đã được người phương Tây thừa nhận qua hệ thống bản đồ và sử liệu của họ.

Qua chuyện trò tôi được biết Sandra đã tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam từ khi còn là sinh viên. Sau năm 1975, bà là một trong những người Ý đầu tiên đến thăm Việt Nam. Năm 1990, bà đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu và viết luận văn về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam. Trở về Ý, Sandra tích cực tham gia các hoạt động “Vì Việt Nam và cho Việt Nam”. Bà trở thành bạn của những nhà ngoại giao Việt Nam ở Roma và khi Việt Nam mở Lãnh sự quán ở Torino thì bà được mời làm Lãnh sự danh dự, nhưng lại trực tiếp điều hành tòa lãnh sự này. Được biết đây là công việc không hưởng lương mà Sandra chỉ làm vì tình yêu của bà dành cho Việt Nam. Thu nhập chính của gia đình bà đến từ một nhà hàng kết hợp với một sân khấu biểu diễn nhạc jazz, nơi mà chồng của bà vừa là giám đốc, vừa là một nhạc công thổi kèn trompet và con trai lớn của bà cũng là một nhạc công của dàn nhạc, đồng thời là người điều hành nhà hàng này.

Sau buổi làm việc, chúng tôi mời Sandra, TS. Monica Parola và mấy nhân viên người Ý trong Lãnh sự quán đi ăn tối. Sandra nói ngay: “Hôm nay các bạn là khách quý của chúng tôi. Vì thế tôi mời tất cả đến nhà hàng của chồng tôi, vừa ăn tối, vừa thưởng thức nhạc jazz. Tôi đã sắp xếp mọi thứ. Có cả những người bạn Việt kiều ở Torino cùng tham dự”. Chúng tôi không thể từ chối lời mời nhiệt thành của Sandra nên cùng nhau kéo tới nhà hàng nhạc jazz của gia đình bà. Đó là một nhà hàng 200 chỗ ngồi, phục vụ những món ăn thuần Ý, đặc biệt là món thịt xông khói, pizza và spaghetti vùng Piedmont. Trước khi dàn nhạc bắt đầu biểu diễn, ông Fulvio Albano, nghệ sĩ kiêm giám đốc nhà hàng, người bạn đời của Sandra Scagliotty, bước lên sân khấu giới thiệu với dàn nhạc và toàn bộ thực khách - khán giả trong nhà hàng về chúng tôi. Ông nói: “Chúng tôi vinh dự được đón chào những người bạn Việt Nam, “đồng hương” của vợ tôi - Sandra - ở thành phố Torino xinh đẹp này”. Sau đó là một cuộc tiệc tùng hoành tráng với các món ăn Ý, rượu vang vùng Piedmont và nhạc jazz, kéo dài đến tận khuya.

Trên đường trở về khách sạn, tôi cứ nghĩ mãi về câu chữ “đồng hương của Sandra” mà Fulvio Albano đã nói về chúng tôi. Quả thật chúng tôi là những “đồng hương” của Sandra Scagliotti, người đã gắn bó với Việt Nam hơn 40 năm qua, một “người Việt gốc Ý” đang sống và làm việc vì Việt Nam ở ngay trên quê hương Torino xinh đẹp và mến khách.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN
 

;
.
.
.
.
.