.

Ngồi xe lăn đi chợ

.

Đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa... những việc rất đỗi bình thường trong cuộc sống hằng ngày nhưng với người khuyết tật lại không dễ dàng chút nào.

Giờ đây, người khuyết tật có thể làm những việc họ thích nhờ sự giúp đỡ của PA (người trợ giúp cá nhân).
Giờ đây, người khuyết tật có thể làm những việc họ thích nhờ sự giúp đỡ của PA (người trợ giúp cá nhân).

Một sáng chủ nhật, gần 20 hội viên khuyết tật nặng của CLB Sống độc lập tập trung tại Nhà Văn hóa phường Nam Dương (quận Hải Châu) tham gia khóa tập huấn “Kỹ năng sống độc lập”. Những chiếc xe lăn di chuyển khó khăn lên dốc, có chị xách theo bát dĩa, có chị lóng ngóng với 2 cái nồi cơm điện, những giọt mồ hôi chảy dài trên má nhưng ai cũng quên đi cái mệt và tỏ ra hết sức phấn khởi. Khóa tập huấn lần này, Ban chủ nhiệm CLB lên kế hoạch cho các hội viên tự đi chợ, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa nhằm giúp họ có cơ hội tự tin hòa nhập cộng đồng. Sau khi được phân nhóm để thực hiện 2 món chính cho bữa ăn hằng ngày, các hội viên chia nhau kẻ ở nhà nấu cơm, người đi chợ mua thức ăn. Có những “chiếc xe lăn” cồng kềnh, quá khổ nhưng vẫn xung phong đi chợ để được “tai nghe mắt thấy” không khí của một ngôi chợ truyền thống.

Trời nắng to, đoạn đường từ Nhà Văn hóa phường Nam Dương đến chợ Mới cũng chẳng là bao xa nhưng những chiếc xe lăn phải rất vất vả di chuyển trên đường phố vì xe cộ qua lại không ngớt. Đúng lúc đông buổi chợ nên một số hội viên không thể vào sâu bên trong mà chỉ mua những quầy hàng bên ngoài. Có những người chưa một lần được trải nghiệm không khí ở chợ, chưa một lần được ngồi ăn vặt nơi quán hàng rong nên dù chỉ “mấp mé” phía ngoài nhưng họ cảm thấy rất mãn nguyện. Nhiều hội viên vẫn cố len lỏi vào bên trong chợ để chọn mua những thức ăn mà phía bên ngoài không có. Họ nổi bật giữa chợ với chiếc xe lăn cồng kềnh, với màu áo đồng phục nhưng cảm thấy mình không xa lạ mà lại gần gũi, tự tin như những người bình thường khác. Vài cô hàng thịt, hàng cá í ới gọi họ mua hàng, có chị cân già ký thịt, có cô bớt chút tiền để làm quen với bạn hàng, có mẹ biếu không trái cà, quả dưa.

Lần đầu tiên đi chợ, được tự tay mua “con cá, lá rau”, được nói chuyện với những người bán hàng thịt, hàng cá, với anh Trần Văn Sơn (1983) là những cảm nhận thú vị về hạnh phúc đời thường mà chưa một lần anh biết đến. Bị bại liệt từ nhỏ do một cơn sốt, số phận cay nghiệt đã không cho anh đôi chân lành lặn như bao người bình thường khác. Ao ước được chạy nhảy, được tung tăng thả diều, đá bóng cùng bạn bè trang lứa nhưng ước mơ đó mãi mãi không bao giờ trở thành sự thật. Không đầu hàng số phận, anh đã vẽ nên ước mơ của mình trên những vòng xe lăn khó nhọc suốt quãng đường đi học bằng cả nghị lực phi thường. Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với chuyên ngành công nghệ thông tin, giờ đây anh Sơn có thể tự nuôi sống bản thân mình với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng bằng công việc thiết kế website với niềm đam mê mãnh liệt. Nhưng có những việc rất đỗi bình thường, những sở thích giản đơn mà chàng trai trẻ này vẫn chưa một lần có cơ hội được làm như đi chợ nấu ăn, đi siêu thị mua sắm, đi dã ngoại vào một ngày cuối tuần... “Tham gia CLB Sống độc lập hơn 2 tháng nay đã giúp tôi có thêm niềm tin để hòa nhập cộng đồng, không cảm thấy mình còn lạc lõng giữa cuộc đời. Chẳng hạn như buổi đi chợ hôm nay, tôi như tìm thấy niềm vui giản dị từ cuộc sống đời thường. Vào chợ, tôi có thể nói chuyện thoải mái với những người bán hàng. Họ không nhìn người khuyết tật chúng tôi bằng ánh mắt kỳ thị như trước đây nữa mà tỏ ra rất thân thiện, cởi mở”, anh Sơn chia sẻ.

Làm trưởng nhóm cho buổi chợ hôm nay, chị Hồ Thị Thành phải rất vất vả để hướng dẫn các thành viên trong nhóm đi chợ, nấu ăn cho kịp thời gian. Mỗi người một ý, lại khó khăn khi di chuyển bằng xe lăn nhưng chị Thành vẫn vui vẻ suốt cả buổi chợ. Đã lâu lắm rồi, chị mới bận rộn như hôm nay, được tham gia nấu ăn cùng chị em trong CLB mà chị xem như là gia đình thứ hai. “Mỗi lần tự tay nấu cho con gái những món ăn ngon, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Dù tôi biết có những việc phải nhờ con gái giúp nhưng được làm những việc mình thích, tôi cảm thấy rất mãn nguyện”, chị Hồ Thị Thành tâm sự. Có người phụ nữ nào không muốn chăm sóc cho chồng, cho con bằng những việc đơn giản như giặt giũ, đi chợ, nấu ăn... Với các cô, các chị, mơ ước đó quá đỗi giản dị nhưng ngồi trên xe lăn là cả vấn đề khó khăn. Khóa tập huấn hôm nay giúp các hội viên trong CLB xích lại gần hơn để chia sẻ những trải nghiệm, những tình huống khó khăn trong cuộc sống để họ có thêm kỹ năng hòa nhập cộng đồng.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ đi chợ và chế biến, các hội viên trong CLB quây quần bên nhau để thưởng thức những món ăn do chính họ tự tay làm. Món sườn non nổi bật với chiếc bông hồng cà chua, món mực xào thoảng nhẹ mùi cần tây, món cá chiên giòn được trang trí bắt mắt bằng rau sống và dưa leo… Tất cả những món ăn được nêm nếm bằng hương vị của tình yêu cuộc sống, mùi hương mà họ cố gắng kiếm tìm suốt bao nhiêu năm nay đến bây giờ mới được thưởng thức. “Sinh ra bị khuyết tật, mọi sinh hoạt thường ngày của tôi cũng vì thế phải dựa vào những người thân trong gia đình. Những khóa tập huấn của CLB đã giúp tôi có cơ hội hoàn thiện bản thân, tự tin để làm những việc bình thường như bao người bình thường khác. Chúng tôi như có thêm niềm an ủi để vượt qua số phận kém may mắn của bản thân”, chị Lê Thị Thanh Hòa (1978) trải lòng.

Đến với CLB Sống độc lập, những người khuyết tật có thêm sân chơi bổ ích để quên đi nỗi đau của bản thân, quên đi nỗi buồn trong cuộc sống, được sẻ chia niềm hạnh phúc giản dị mà từ lâu họ luôn hằng ao ước. Dù đôi chân không lành lặn như bao người bình thường khác nhưng thẳm sâu trong tâm hồn của họ vẫn có niềm tin yêu cuộc đời.

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.