.

Nơi gởi một tình yêu

.

Nhà văn Nga A.Tônxtôi, tác giả Con đường khổ ải đã viết: “Truyện ngắn là một trường học tốt nhất đối với các nhà văn”. Theo ý này thì Huỳnh Viết Tư đang dạm chân vào trường học đó.

Các truyện ngắn trong tập truyện Nơi ấy, tôi gởi lại một tình yêu (NXB Đà Nẵng - 2013) (ảnh) của anh có cốt truyện, nhân vật và bố cục hợp lý. Chi tiết văn học trong các truyện đều được anh chọn lựa, có những chi tiết hay, dễ làm người đọc xúc động và nhớ lâu. Ngôn ngữ của truyện thường giản dị, mộc mạc, song cũng có những đoạn, lời văn của anh như có phần trau chuốt, sâu đằm và có sức gợi.

 

Tập truyện ngắn này gồm mười một truyện; phần lớn đều bảo đảm tiêu chí đầu tiên của một truyện ngắn là... ngắn.

Không gian thường gặp trong tập truyện này dường như đối lập nhau. Một không gian của miền quê yên tĩnh. Một không gian của khu công nghiệp ồn ã và năng động. Huỳnh Viết Tư làm người kết nối, xích hai không gian đó lại gần nhau, không khiên cưỡng, mà tự nhiên như là mạch sống của các nhân vật trong truyện của anh vậy.

Mỗi truyện trong Nơi ấy, tôi gởi lại một tình yêu có dáng vẻ riêng của nó. Có truyện đọc thấy thú vị là nhờ cốt truyện hấp dẫn. Có truyện sâu đằm là nhờ tác giả đưa vào truyện những nét đặc sắc của văn hóa dân gian. Có truyện sinh động nhờ tác giả gợi lại khoảng thời gian thơ ấu với những trò nghịch ngợm đáng yêu. Có truyện đề cập đến phần sáng tối của con người, mặt trái và mặt phải của xã hội. Có truyện đầy cảm xúc bởi qua các nhân vật, tác giả thổi vào trái tim ta những nỗi ngọt ngào và cay đắng của tình yêu lứa đôi...

Huỳnh Viết Tư giàu công xây dựng nhân vật và biết sử dụng các thủ pháp nghệ thuật của truyện ngắn để cho các nhân vật của mình... có sức lôi cuốn, lưu dấu trong lòng bạn đọc. Như trong truyện Lão Bang và đám yêu quái, ta thấy yêu lão Bang trước những trò nghịch ngợm của đám con nít, đến việc một đứa trong “đám yêu quái” trở thành cháu rễ của lão, được lão chia cho ruộng vườn, và hơn thế nữa, khi biết mình đã gần đất xa trời, lão đã vào ở Viện dưỡng lão để không phải làm vướng bận cuộc sống hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ, cháu của lão. Hay như đọc Cái miếu cổ, người đọc sẽ khó quên nhân vật cụ Cửu, một địa chủ nhỏ, một chủ thuyền chuyên chở thuê hàng hóa trên sông trên biển, một cơ sở của Việt Minh, một cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc, trở về quê sau ngày đất nước thống nhất, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng lại quê hương. Cụ Cửu là người thầm lặng chôn giấu những chiếc bình cổ - như là biểu tượng của vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc ngay ở khu miếu thờ mà cụ đã xây cất trong vườn nhà từ hồi còn là chủ đất, chủ thuyền. Rồi một Bích Liên vừa đáng trách vừa đáng thương trong Nơi ấy, tôi gởi lại một tình yêu. Rồi một Tần trong Đạp đất, biết vượt lên nghèo khó để làm giàu chính đáng. Và một Thảo trong Không như giọt sương, cuối cùng đã tìm được nửa kia của mình sau sự cố “tiếng va chạm giữa thép và thép vang lên”...

Các truyện trong tập đều kết thúc có hậu, như là nhân lành cho quả ngọt, thấm đượm tình người. Nhưng những cái kết thúc đó không chỉ là quả của nhân mà còn là sự gởi gắm đầy tính nhân văn của tác giả. Như là tấm lòng của tác giả với cuộc đời này.

Tôi biết Huỳnh Viết Tư khá bận rộn với công việc thường nhật nơi anh đang công tác, song với cái đà này, tôi mong rằng Huỳnh Viết Tư sẽ thêm yêu mến “cái trường học tốt nhất đối với các nhà văn” để tiếp tục cho ra đời những tập truyện ngắn sau Nơi ấy, tôi gởi lại một tình yêu...

BÙI XUÂN

;
.
.
.
.
.